Xã Chí Cà phát triển cây Ý Dĩ trở thành sản phẩm hàng hóa
BHG - Thực hiện việc xây dựng “Mỗi xã 1 sản phẩm hàng hóa”, xã biên giới Chí Cà (Xín Mần) đã lựa chọn cây Ý Dĩ để sản xuất theo hướng hàng hóa.
![]() |
Lãnh đạo xã Chí Cà kiểm tra diện tích trồng Ý Dĩ. |
Là xã có địa hình đồi, núi cao, khí hậu, nguồn nước và thổ nhưỡng khá thuận lợi trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp như: Lúa, ngô, rau, đậu,... đặc biệt, việc trồng và phát triển cây Ý Dĩ tại các thôn: Hậu Cấu, Hồ Sáo Chái, Khờ Chá Ván, Hồ Mù Chải, Chí Cà Thượng; diện tích trồng hàng năm dao động từ 20 - 28 ha. Hạt Ý Dĩ là một loại ngũ cốc thuộc họ lúa và là một loại dược liệu quý trong Đông y. Ý Dĩ có vị ngọt, tính mát, dùng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh. Hạt Ý Dĩ có thể ăn thay cơm hàng ngày hoặc dùng nấu chè, rất tốt đối với sức khỏe con người. Trước đây, loại cây này thường mọc hoang, về sau được người dân địa phương trồng với số lượng nhỏ để phục vụ gia đình và một phần đem bán.
Nhờ khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với việc trồng Ý Dĩ, người dân lại có kinh nghiệm trong trồng và thu hoạch; nên năng suất cây hàng năm đều tăng cao. Năm 2017, diện tích gieo trồng Ý Dĩ của xã là 22,1 ha, năng suất 24 tạ/ha, sản lượng đạt 48,6 tấn. Anh Sào Seo Pao, thôn Khờ Chà Ván là một trong nhiều hộ trồng Ý Dĩ lâu năm, cho biết: “Nhà tôi trồng Ý Dĩ từ lâu lắm rồi, trước đây chỉ dùng cho gia đình; sau này thấy thị trường có nhu cầu, nên mở rộng diện tích trồng để có sản phẩm bán ra thị trường; giờ thì hàng năm, nhà tôi đều trồng 0,3 ha, khoảng 27 kg giống và bán hạt Ý Dĩ được 14 - 15 triệu đồng. Do nhu cầu của khách khá lớn nên nhà tôi trồng đến đâu bán hết đến đó, khách đến lấy tận nhà”. Ý Dĩ sau khi thu hoạch chủ yếu được mang đi tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, Mốc 188 và 198 chiếm khoảng 90% số lượng; còn lại tiêu thụ trong nội địa, với giá dao động từ 20 - 25 nghìn đồng/1 kg hạt.
Phó Chủ tịch UBND xã Chí Cà, Vương Đức Tinh cho biết: “Ý Dĩ được trồng tại các thôn theo hình thức trồng phân tán, hiện xã có 109 hộ trồng Ý Dĩ. Dù vài năm gần đây, hạt Ý Dĩ được thị trường khá ưa chuộng, nên các hộ trồng cũng có thu nhập cao từ loại cây này. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là chưa có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp trong việc thu mua hạt Ý Dĩ, mà chủ yếu vẫn dựa vào các thương lái; dẫn đến, việc các hộ bị ép giá, nên hiệu quả sản xuất của người dân còn thấp. Trên cơ sở hướng dẫn của huyện về tiêu chí sản phẩm hàng hóa, xã đã lựa chọn hạt Ý Dĩ là sản phẩm hàng hóa chính và tìm cách giúp người dân tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn. Xã đã đề nghị huyện hỗ trợ máy hút chân không và máy xay sát liên hoàn; đồng thời thiết kế nhãn mác, bao bì cho sản phẩm để nâng cao giá trị của sản phẩm hạt Ý Dĩ trên thị trường, trên cơ sở đó, xã sẽ vận động người dân tăng diện tích trồng Ý Dĩ trong những năm tới”.
Dù bước đầu thực hiện phát triển hạt Ý Dĩ thành hàng hóa, song từ thực tế cho thấy, sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương là rất quan trọng và quyết định đến việc cho ra một sản phẩm hàng hóa. Hy vọng, sản phẩm hạt Ý Dĩ ở Chí Cà sẽ sớm có mặt trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Bài, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc