Hội nghị Phát triển dược liệu vùng Tây Bắc
BHG - Ngày 15.12, tại Lào Cai, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Y tế và UBND tỉnh Lào Cai phối hợp tổ chức Hội nghị Phát triển dược liệu vùng Tây Bắc. Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc chủ trì hội nghị. Dự Hội nghị có lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và lãnh đạo 14 tỉnh Tây Bắc.
Tây Bắc là vùng có địa bàn rộng lớn, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp phát triển các loại cây dược liệu, trong đó có nhiều loại dược liệu quý hiếm như: Tam thất, đẳng sâm, chè dây, giảo cổ lam, kim tuyến, mật gấu, đỗ trọng... Cây dược liệu đang dần chứng minh được ưu thế vượt trội so với các cây nông nghiệp khác, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. Nhiều tỉnh đã có quy hoạch và định hướng phát triển vùng dược liệu rõ nét, ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển cây dược liệu.
Toàn cảnh hội nghị |
Tỉnh Hà Gang hiện có trên 1.500 loài dược liệu phân bố trong tự nhiên; trong đó có nhiều loài quý hiếm nằm trong sách Đỏ Việt Nam và nằm trong diện bảo tồn cấp Quốc gia; tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư trồng và sản xuất dược liệu. Hiện nay toàn tỉnh có trên 10.000 ha cây dược liệu, hình thành nhiều vùng trồng cây dược liệu và có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên do khó khăn về địa hình đồi núi, khí hậu diễn biến bất thường, cơ sở hạ tần chưa đồng bộ, trình độ phát triển của người dân không đồng đều; thị trường không ổn định, khai thác chưa đi đôi với bảo tồn nên các tỉnh Tây Bắc vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh về phát triển dược liệu.
Tại hội nghị, các địa phương, doanh nghiệp đã đề xuất, kiến nghị những vấn đề về quy hoạch vùng dược liệu; chọn một số loại cây dược liệu thế mạnh của từng địa phương để phát triển có trọng tâm, trọng điểm; có nhiều cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia vào trồng và sản xuất dược liệu.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình đánh giá cao các địa phương, doanh nghiệp đã nỗ lực phát triển cây dược liệu trong thời gian qua; đồng thời đề nghị các bộ, ngành trung ương, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ, hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo động lực để các địa phương đưa cây dược liệu trở thành cây “Mũi nhọn” trong xóa đói giảm nghèo. Các tỉnh phải quy hoạch, phát triển các loại dược liệu thế mạnh của địa phương, hình thành các trung tâm dươc liệu lớn và xây dựng các nhà máy chế biến tại chỗ; khuyến khích nghiên cứu khoa học về phát triển cây dược liệu; thành lập các trạm thu mua dược liệu để đáp ứng nhu cầu thị trường, tránh tình trạng khai thác tận diệt và “Chảy máu” dược liệu qua biên giới; định hướng phát triển dược liệu kết hợp phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng ở những địa bàn có thế mạnh về dược liệu và du lịch; tăng cường truyền thông để giúp người dân, cộng đồng quan tâm hơn nữa đến phát triển cây dược liệu.
Tin, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc