Yên Minh sau 2 năm thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp
BHG - Trên 10 kế hoạch, nghị quyết, đề án... tổ chức thực hiện được ban hành đã đưa sản xuất nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm; chăn nuôi phát triển mạnh, chuyển từ sản xuất nông hộ, quy mô nho, lẻ sang hình thức gia trại, trang trại... Kết quả trên, đã khẳng định bước chuyển khả quan của nông nghiệp Yên Minh sau gần 2 năm thực hiện tái cơ cấu (TCC).
Thực hiện Đề án TCC ngành Nông nghiệp, giai đoạn 2016 – 2020, huyện Yên Minh ban hành kế hoạch thực hiện TCC năm 2016 với một số mục tiêu chủ yếu như: Tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 5%, trong đó, tốc độ tăng trưởng chăn nuôi, thủy sản đạt 9%, trồng trọt 4%; giảm tỷ trọng trồng trọt xuống còn 65 – 66%; 100% HTX nông - lâm nghiệp được chuyển đổi theo Luật HTX 2012; nâng cao năng lực hoạt động của các hình thái kinh tế tập thể; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong năm 3%...
Vườn cây ăn quả của gia đình ông Chu Tả Thắng, thôn khai hoang Bản Vàng, xã Hữu Vinh. |
Thực hiện các mục tiêu đề ra, huyện Yên Minh đã tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm: Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; phát triển cây ăn quả, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung; nâng cao năng lực kinh tế tập thể. Đối với phát triển chăn nuôi, phấn đấu trên 2.460 hộ có từ 3 – 4 con trâu, bò; trên 1.240 hộ có từ 5 - dưới 10 con; phát triển 23 gia trại chăn nuôi trâu, bò, lợn và dê. Chuyển đổi 30ha đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi; trồng mới 130ha cây ăn quả và mở rộng thành vùng sản xuất tập trung. Ngoài ra, chuyển đổi 2 HTX nông - lâm nghiệp theo Luật HTX 2012 và nâng cao năng lực hoạt động của các HTX thôn, bản đã thành lập, xây dựng thí điểm các HTX hoạt động theo mô hình HTX thôn Chang (Vị Xuyên).
Sau 1 năm thực hiện kế hoạch TCC, huyện Yên Minh đã đạt và vượt nhiều mục tiêu đặt ra, như: Tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 6,01%, riêng lĩnh vực chăn nuôi tăng trên 11%, sản lượng lương thực đạt gần 43.000 tấn, tăng trên 630 tấn so với năm trước; trồng mới được 150 ha cây ăn quả; chuyển đổi 32ha đất trồng ngô sang trồng cỏ; giải ngân theo Nghị quyết 209 được gần 10 tỷ đồng, tăng trưởng đàn gia súc đạt trên 6.700 con; thành lập mới 6 HTX nông - lâm nghiệp, hoàn thành chuyển đổi 2 HTX theo kế hoạch.
Tiếp nối những kết quả trên, ngay từ đầu năm 2017, huyện Yên Minh ban hành kế hoạch TCC năm thứ 2, với nhiệm vụ trọng tâm chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, phát triển chăn nuôi, như: Phát triển 57 gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng mới 62ha cây dược liệu, 70ha cây ăn quả, giúp tỷ trọng chăn nuôi tăng 10%, tăng giá trị sản xuất lên 37,4 triệu đồng/ha, giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 6%...
Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Minh Nguyễn Văn Quốc cho biết: Sau gần 2 năm TCC, ngành Nông nghiệp đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền huyện thực hiện có hiệu quả 3 nội dung lớn là tổ chức lại sản xuất cho người dân bằng việc nâng cao hoạt động các hình thái kinh tế tập thể; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thông qua phát triển các loại cây ăn quả thế mạnh như xoài, hồng không hạt và tập trung sản xuất lúa chất lượng cao, lúa hàng hóa, chuyển một số diện tích đất trồng lúa không chủ động được nước tưới sang chuyên canh rau. Đồng thời chú trọng phát triển đàn đại gia súc, đàn ong... Từ đó, giá trị kinh tế trên một diện tích ngày càng tăng cao như mô hình ứng dụng công nghệ nhà lưới vào sản xuất rau cho thu nhập bình quân trên 80 triệu đồng/ha; vùng cây ăn quả tổng hợp, xen canh trên 30 ha ở xã Hữu Vinh cho thu nhập bình quân 160 triệu đồng/ha.
Sau 2 năm thực hiện TCC, sản xuất nông nghiệp chuyển dịch tích cực. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Minh Phạm Xuân Diệu: Với những điều kiện khách quan về trình độ nhận thức của người dân; sản xuất nông nghiệp phụ thuộc lớn vào thời tiết, trong khi huyện có nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau. Vì vậy, khi xây dựng kế hoạch TCC, huyện đã xác định rõ các cây, con thế mạnh, phù hợp điều kiện thực tế của các địa phương để tập trung phát triển, qua đó đã đạt được một số kết quả. Nhưng, sự chuyển biến còn chậm, dù có sản phẩm hàng hóa nhưng chưa sản xuất được lượng hàng hóa lớn đáp ứng thị trường; một số sản phẩm chăn nuôi, cây ăn quả cần có thời gian đánh giá thêm bởi giá thành bấp bênh, vụ thu hoạch kéo dài... Cho nên, việc tìm hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế ở Yên Minh vẫn là trăn trở đối với lãnh đạo và ngành chuyên môn của huyện.
Bài, ảnh: Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc