No ấm trên quê hương Bó Loỏng
BHG - Tháng 3 năm 1943, dưới sự chỉ đạo của cán bộ Mặt trận Việt Minh, Ban vận động Phụ nữ gồm 5 chị đã được thành lập tại thôn Bó Loỏng, xã Hùng An, huyện Bắc Quang. Ngay sau khi ra đời, các chị đã tuyên truyền, vận động chị em trong xã Hùng An và các vùng lân cận gia nhập Hội Phụ nữ Cứu quốc, tham gia phong trào cách mạng, góp công, góp sức đấu tranh đuổi Pháp, Nhật giành chính quyền; giải phóng quê hương, đất nước. Và đây là tổ chức cơ sở đầu tiên của Hội, đánh dấu bước phát triển phong trào hoạt động phụ nữ, đó cũng chính là tiền đề để năm 1945 thành lập Hội Phụ nữ Cứu quốc tỉnh Hà Giang (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Giang sau này).
Vườn bưởi sai trĩu quả của hội viên Vũ Thị Báu, Chi hội Phụ nữ thôn Bó Loỏng, xã Hùng An, huyện Bắc Quang. |
Phát huy truyền thống Anh hùng cách mạng, trải qua các thời kỳ phát triển; các thế hệ phụ nữ thôn Bó Loỏng đã tiếp tục phấn đấu vươn lên trở thành những người phụ nữ trí tuệ, tài năng và phẩm giá cao đẹp. Bằng nội lực, tinh thần đoàn kết và sự nhạy bén, năng động trong vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của tỉnh; phụ nữ thôn Bó Loỏng đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, nhiều gia đình hội viên phụ nữ đã vượt qua tình trạng sản xuất tự cung, tự cấp trở thành hộ sản xuất quy mô hàng hóa. Trong tổng số 78 hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Bó Loỏng, thì có đến 27 hộ thuộc diện khá giả. Một trong các điển hình làm kinh tế giỏi phải nhắc đến bà Vũ Thị Báu. Dù đã 61 tuổi nhưng bà Báu vẫn hăng say, tích cực lao động và là người tiên phong đưa các loại cây, như: Bưởi Diễn, bưởi đào, bưởi da xanh, giống ổi vào trồng thử nghiệm từ rất lâu, bà Báu cho hay: “Trong các cây trái, thì bưởi đem lại giá trị cao nhất. Do chăm sóc đúng quy trình, bưởi mọng, đều quả; nên cứ mỗi khi đến vụ thu hoạch, thương lái ở các tỉnh Hải Dương, Nam Định đều về tận nhà thu mua. Trừ chi phí, tính ra thu nhập cũng vào khoảng 100 triệu đồng/năm”.
Đồng hành cùng chị em, Chi hội Phụ nữ thôn Bó Loỏng còn xây dựng quỹ giúp nhau làm kinh tế. Hàng năm, mỗi hội viên tiết kiệm 50 nghìn đồng đóng góp vào quỹ, sau đó bình xét, giúp những người còn khó khăn có cơ hội vay vốn trong vòng 2 năm để làm ăn. Dù số tiền chưa nhiều, nhưng đến nay, đã có 15 lượt chị em được sử dụng luân chuyển nguồn quỹ này. Chị Mai Thị Hà chia sẻ: “Nhờ được vay quỹ, cộng thêm khoản dành dụm, tích cóp của gia đình, chị đã đầu tư nuôi 400 con vịt đẻ trứng; mỗi ngày cho thu 200 - 300 quả trứng cung cấp cho thị trường. Hiện giờ, chị còn mua thêm 1 lò ấp trứng gà, vịt để phục nhu cầu của chị em địa phương”.
Những đóng góp của chị em trên mặt trận kinh tế, đang từng ngày làm thay da đổi thịt diện mạo quê hương trên con đường đổi mới hôm nay. Phụ nữ Bó Loỏng đã làm chủ bản thân để xây dựng đời sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Dù đảm nhận ở vị trí nào, các chị cũng hoàn thành công việc, xứng đáng với danh hiệu phụ nữ “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. Bà Bùi Thị Hiên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hùng An, cho biết: “Hoạt động của Chi hội Phụ nữ thôn Bó Loỏng phát triển cả bề rộng, lẫn chiều sâu. Qua đó, đã thu hút, tập hợp động đảo hội viên tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua ở cơ sở phát động. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hùng An sẽ cùng chung vai, sát cánh thực hiện kịp thời các chủ chương, chính sách hỗ trợ để tạo động lực cho chị em phấn đấu”.
Những bông hoa tươi đẹp, vừa xây đắp gia đình hạnh phúc vừa nỗ lực vươn lên trong lao động sản xuất như ở Chi hội Phụ nữ thôn Bó Loỏng thật đáng trân trọng. Những tấm gương như thế đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh đẹp về người phụ nữ Việt Nam.
MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc