Bắc Mê rà soát, hỗ trợ nâng cao chất lượng các HTX sản xuất nông, lâm nghiệp
BHG - Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã (HTX) và triển khai mô hình Tổ dịch vụ nông nghiệp của tỉnh, thời gian qua huyện Bắc Mê đã tổ chức rà soát chất lượng, khả năng hoạt động, đồng thời tham khảo tư vấn từ cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương nhằm giúp các HTX, tổ sản xuất xác định phương thức kinh doanh phù hợp.
Trên địa bàn huyện Bắc Mê hiện có 81 HTX, trong đó 20 HTX đang hoạt động theo Luật HTX năm 2012; 27 tổ hợp tác nông, lâm nghiệp. Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện, một số đơn vị HTX, tổ hợp tác thành lập năm 2014 còn lúng túng, chưa rõ cách thức tổ chức thực hiện các phương án kinh doanh, cơ sở sản xuất nghèo nàn, thiếu vốn, thiếu đất để phát triển, thiếu thị trường tiêu thụ nên không hoạt động, hoặc hoạt động kém hiệu quả. Từ thực trạng đó, UBND huyện đã đề nghị giải thể và cho ngừng hoạt động 18 HTX, trong 6 tháng đầu năm 2017 đã giải thể 9 HTX.
HTX thôn Nà Xá đưa máy gặt liên hoàn vào hoạt động đã giải phóng sức lao động cho bà con nông dân. |
Theo đồng chí Lý Hải Vĩnh, Trưởng phòng Nông nghiệp – PTNT huyện: Nhằm giúp các HTX, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, huyện đã vận dụng linh hoạt nhiều chương trình, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập của Đảng, Nhà nước. Thời gian qua, huyện đã hỗ trợ 2 HTX nông nghiệp thành lập mới với số tiền 60 triệu đồng, hỗ trợ đầu tư con giống với tổng kinh phí 200 triệu đồng cho HTX Anh Nam và HTX Hải Yến; mở 14 lớp tập huấn tạo nguồn nhân lực tại 13 xã, thị trấn... Từ đó, giúp các HTX hoạt động ổn định, đa dạng với xu hướng sản xuất kinh doanh tổng hợp, gắn với dịch vụ phục vụ lợi ích cho HTX và xã viên.
Bằng những chương trình hỗ trợ, kích cầu, các HTX, tổ hợp tác của huyện đã gặt hái nhiều thành tựu quan trọng. Tính chất xã hội hoá kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp được thể hiện rõ nét; thu hút thêm nhiều lao động nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân. Các HTX, tổ sản xuất thực hiện dịch vụ đầu vào như sử dụng nước trong sản xuất, cung ứng giống, phân bón, hoá chất... đều làm ăn có hiệu quả.
HTX thôn Nà Xá, xã Yên Định mới được thành lập, đi vào hoạt động từ năm 2016 nhưng đã mạnh dạn đầu tư vào cơ giới hóa nông nghiệp. Anh Lô Văn Thái, Giám đốc HTX cho biết: Tuy mới đi vào hoạt động, nhưng HTX đã trở thành địa chỉ tin cậy của bà con nông dân. Vụ Mùa vừa qua, bà con đăng kí với HTX cung ứng giống, vật tư, làm dịch vụ gieo cấy được gần 18 ha lúa thông qua hình thức gieo mạ khay, gặt được 30 ha bằng máy gặt liên hoàn... mang lại nguồn thu nhập cho các thành viên.
HTX chè Kiên Giang thành lập năm 2012, đã ứng dụng hệ thống sản xuất chè hiện đại, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhưng hơn 1 năm nay, HTX phải tạm ngừng hoạt động do chất lượng sản phẩm đầu vào bà con cung ứng không đảm bảo. Nhằm củng cố và nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua giống, mua đất trồng thử nghiệm giống chè Kim Tuyên. Giống chè này rất tốt, cho búp đều, dùng để sản xuất chè Ô Long và chế biến chè viên. Sau 1 năm trồng thử nghiệm, cây chè phát triển tốt, từ đó, HTX dự kiến sẽ mở rộng diện tích lên 20 ha.
Giải thể những HTX hoạt động kém hiệu quả, thành lập các HTX mới với những dịch vụ mới, áp dụng công nghệ cao sẽ giúp cho người dân có cái nhìn mới trong sản xuất nông, lâm nghiệp. Thực tế hoạt động của HTX thôn Nà Xá và HTX Kiên Giang đã khích lệ người dân Bắc Mê mạnh dạn đầu tư, đổi mới để phát triển.
Hoàng Yến
Ý kiến bạn đọc