Thôn Dìn, niềm vui và hy vọng
BHG - Thôn Dìn, xã Ngọc Minh (Vị Xuyên) – nơi thực hiện Dự án Di chuyển dân cư nơi nguy cơ sạt lở cao, đời sống đặc biệt khó khăn về chỗ ở mới đã có nhiều khởi sắc. Người dân bản địa vui mừng khi đời sống được nâng lên và gần 30 hộ dân được lựa chọn di chuyển về đây đang đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng ngôi nhà mới của mình, cũng chính là niềm hi vọng của họ về nơi ở mới an toàn, ấm no.
Từ niềm vui của người dân bản địa...
Dự án Di chuyển dân cư nơi nguy cơ sạt lở cao, đời sống đặc biệt khó khăn thực hiện tại thôn Dìn theo Quyết định 34 của UBND tỉnh ký ngày 6.1.2012 và Quyết định 1682 ngày 4.9.2015 phê duyệt bổ sung và cắt giảm quy mô với mục đích bố trí cho 30 hộ dân sống tại những vùng nguy cơ sạt lở cao, thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt thuộc 2 huyện Đồng Văn, Quản Bạ về kết hợp với 40 hộ dân sở tại hình thành khu tái định cư mới, do Chi cục Kinh tế hợp tác và PTNT thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT làm Chủ đầu tư, với tổng kinh phí trên 75 tỷ đồng.
Toàn cảnh khu dân cư thôn Dìn sau khi hoàn thành Dự án với nhiều hộ dân đã di chuyển về nơi ở mới. Ảnh: KIM TIẾN |
Theo phê duyệt, một con đường bê tông dài trên 5,6 km, rộng 3 - 3,5m từ đường trục xã đến trung tâm thôn và các đường nhánh đảm bảo ô tô 4 chỗ đến từng ngôi nhà; điện lưới Quốc gia và đường nước sinh hoạt dẫn đến tận cửa các hộ dân; 2 điểm trường tiểu học và mầm non cùng một nhà văn hóa khang trang, rộng rãi, đầy đủ trang thiết bị dạy và học... là những cơ sở hạ tầng cơ bản được đầu tư ở thôn Dìn của Dự án Di chuyển dân cư nơi nguy cơ sạt lở cao, đời sống đặc biệt khó khăn về nơi đây. Một câu nói của các hộ dân ở thôn Dìn chúng tôi cứ nghe mãi khi nói chuyện với họ: “Nếu không có Dự án này, không biết bao giờ chúng tôi mới được đáp ứng nhu cầu thiết yếu về điện, đường, trường, nước sạch đảm bảo như hiện nay”.
Cũng dễ hiểu khi những hộ dân nơi đây vui mừng như vậy, bởi trước đây họ muốn đi từ thôn ra trung tâm xã và ngược lại chỉ có cách duy nhất là... đi bộ. Giờ đây, thay vì 1 tiếng đi bộ họ chỉ mất khoảng 10 phút đi xe máy. Thay vì ở những nơi có độ dốc cao, xa khu dân cư trung tâm, họ được hỗ trợ kinh phí chuyển về những điểm bằng phẳng hơn với đầy đủ các hạ tầng thiết yếu. Trước đây phải dùng đèn dầu thì giờ họ có điện để xem ti vi, sử dụng các loại máy móc giảm tải sức lao động. Con em họ không còn học trong những nhà lớp học ván bưng bằng tre, gỗ, những bộ bàn ghễ gỗ cũ kỹ, thiếu thốn, nền nhà đất khiến sau mỗi buổi học mặt mũi, quần áo đứa nào cũng lem nhem đất; mưa chẳng dám đến trường vì đường lầy lội, nắng không thể ngồi trong lớp vì cũng như ngoài trời... Tất cả những thứ thiết yếu đó của cuộc sống là niềm mong mỏi của họ và ai có thể không vui mừng khi ngày hôm nay những mong ước đó đã được trở thành hiện thực.
Đến niềm hi vọng của các hộ chuyển đến
Sau khi hoàn thành các hạng mục của Dự án và bàn giao cho địa phương quản lý vào tháng 5.2016, 30 hộ dân của thuộc 2 huyện Đồng Văn, Quản Bạ đã đăng ký tham gia dự án lại không nhất trí di chuyển bởi lý do đất sản xuất xa khu dân cư; cuộc sống bà con nay đã ổn định và trong dòng họ không có người di chuyển theo nên họ không muốn di chuyển. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và PTNT đã xin chủ trương của UBND tỉnh xin điều chỉnh chỉ tiêu 30 hộ này về huyện Hoàng Su Phì và được UBND tỉnh nhất trí tại văn bản số 2186, ngày 15.6.2017 của UBND tỉnh Hà Giang.
Các hộ dân Hoàng Su Phì giúp nhau xây nhà mới khi chuyển về thôn Dìn. Ảnh: LƯƠNG HÀ |
Ngay khi được lựa chọn, các hộ dân của huyện Hoàng Su Phì nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao đã xuống xem, nhận vị trí đất ở được cấp. Và chỉ sau 1 tuần, những ngôi nhà mới của họ ở nơi ở mới đã bắt đầu xây những viên gạch đầu tiên. Tính đến nay, đã có 25 hộ dân ở Hoàng Su Phì di chuyển về thôn Dìn. Trong đó 18 hộ xây dựng xong nhà và chuyển vào ở; 7 hộ đang tiếp tục xây nhà. Cắm cúi cùng những người thân của mình xây nhà nơi ở mới, hai anh em anh Lù Văn Nùng và Lù Văn Nghiêm từ xã Pờ Ly Ngài chuyển xuống tươi cười trả lời các câu hỏi của chúng tôi, các anh cho biết: Nghe có chủ trương hỗ trợ các hộ ở vùng có nguy cơ sạt lở về đây, tôi và mấy anh em, họ hàng đã bàn với nhau và xin được di chuyển. Nơi ở cũ của tôi, mỗi khi mùa mưa đến, những hộ ở trên núi cao như tôi đều nơm nớp lo sợ đất, đá sạt lở vào nhà, nguy hiểm tính mạng. Mấy năm vừa rồi do sạt lở, ruộng bậc thang của gia đình tôi cũng bị mất nhiều diện tích và mất đường dẫn nước vào ruộng, cuộc sống rất khó khăn và bất an. Hi vọng đến nơi ở mới an toàn hơn sẽ có cuộc sống ấm no.
Là một trong những hộ di chuyển từ Hoàng Su Phì ra thôn Dìn đầu tiên, ông Lù Mìn Sài cho biết: Dù trước mắt chuyển xuống đây không biết cuộc sống sẽ thế nào, nhưng được Nhà nước hỗ trợ tiền chuyển nhà, xây nhà và có vị trí đất ở không phải lo sạt lở nên vợ chồng tôi cùng con trai, các cháu và 4, 5 anh em họ hàng quyết định đi. Hi vọng thời gian tới được giao đất sản xuất chúng tôi sẽ tích cực trồng trọt, chăn nuôi để ổn định đời sống và cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Theo thông tin từ Chi cục Kinh tế hợp tác và PTNT, Dự án đảm bảo mỗi hộ di dân tái định cư từ Hoàng Su Phì chuyển về thôn Dìn sẽ được giao đất ở từ 350 – 380m2/hộ. Sau khi các hộ xây dựng xong nhà và chuyển về nơi ở mới, Chi cục sẽ phối hợp với huyện Vị Xuyên, xã Ngọc Minh tổ chức lấy ý kiến các hộ dân và giao đất sản xuất cho dân với định mức từ: 0,5-1ha/hộ, vị trí đất sản xuất chỉ cách khu dân cư khoảng 1 – 2 km thuận tiện cho người dân canh tác. Ngoài ra, theo chính sách, các hộ còn được hỗ trợ trực tiếp như: Hỗ trợ di chuyển 23 triệu đồng/hộ; hỗ trợ khai hoang 8 triệu đồng/ha; hỗ trợ tạo ruộng bậc thang 15 triệu đồng/ha.
Thực hiện chủ trương quy tụ, di chuyển dân cư từ vùng biên giới, hẻo lánh, nơi có nguy cơ sạt lở, nguy hiểm... về nơi ở mới tập trung hoặc xen ghép, từ năm 2011 đến nay, tỉnh ta đã di chuyển, quy tụ được trên 5.000 hộ dân. Dự án di chuyển dân cư về thôn Dìn là một trong các dự án quy tụ dân cư trong giai đoạn này và được cấp ủy, chính quyền, người dân địa phương đánh giá là chất lượng, hiệu quả. Thôn Dìn đang thực sự trở thành nơi xây niềm hi vọng một cuộc sống tốt đẹp hơn với các hộ dân.
DUY TUẤN
Ý kiến bạn đọc