Bước chuyển mình sau 2 năm thực hiện Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

08:08, 12/09/2017

Kỳ cuối: Tháo gỡ “nút thắt” trên con đường tái cơ cấu

Cơ cấu nông - lâm nghiệp và thủy sản chiếm 33% trong GRDP, tỷ trọng chăn nuôi chiếm 30% trong cơ cấu ngành Nông nghiệp, giá trị sản xuất đạt 50 triệu đồng/ha diện tích canh tác, sản lượng lương thực có hạt đạt 42 vạn tấn, cơ giới hóa nông nghiệp đạt 40%; 100% xã có HTX hoặc doanh nghiệp được thành lập và trên 70% hoạt động có hiệu quả... là những mục tiêu, nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang đợi phía trước. Nửa chặng đường tái cơ cấu đã đi qua với thành quả đáng khích lệ, nhưng để hoàn thành chỉ tiêu trên, đòi hỏi quyết tâm lớn, sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cả hệ thống chính trị mới tháo được “điểm nghẽn”, để “con thuyền” tái cơ cấu băng băng về đích.

[links()]

Từ khi thực hiện tái cơ cấu, đã xuất hiện nhiều gia trại chăn nuôi với quy mô hàng chục con trâu, bò, dê. Trong ảnh: Cán bộ Agribank Quang Bình kiểm tra mô hình vay vốn nuôi trâu hàng hóa tại xã Yên Thành.
Từ khi thực hiện tái cơ cấu, đã xuất hiện nhiều gia trại chăn nuôi với quy mô hàng chục con trâu, bò, dê. Trong ảnh: Cán bộ Agribank Quang Bình kiểm tra mô hình vay vốn nuôi trâu hàng hóa tại xã Yên Thành.

Sau 2 năm thực hiện tái cơ cấu, ở tất cả các khâu, lĩnh vực quan trọng của sản xuất nông nghiệp đều đạt kết quả rất đáng khích lệ - Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Đức Vinh khẳng định. Ông Vinh nêu dẫn chứng, để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và tăng tính cạnh tranh của sản phẩm cam Sành trên thị trường, ngành đã phối hợp với 3 huyện trọng điểm cam gồm Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên triển khai sản xuất theo hướng an toàn (VietGAP). Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 8.123 ha cam, trong đó có trên 3.666 ha đang cho thu hoạch, năng suất bình quân 90 tạ/ha; trên 2.737 ha mới trồng được một năm tuổi. Năm 2016, tại 3 huyện vùng trọng điểm cam có trên 1,4 nghìn hộ trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, 1.523 ha đã được cấp chứng nhận an toàn. Giá bán sản phẩm cam trồng theo tiêu chuẩn VietGAP trên thị trường dao động từ 11-13 nghìn đồng/kg, cao hơn cam trồng thông thường từ 4-5 nghìn đồng/kg. Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã tạo đầu ra sản phẩm ổn định, thu nhập tăng... nên thu hút được đông đảo người dân tham gia. Trong năm nay, ngành đang tiếp tục phối hợp với các huyện, tiến hành khảo sát thực địa, chọn hộ, chọn điểm, khoanh vùng, thống nhất quy mô triển khai và cấp chứng nhận sản xuất an toàn cho 1.236 ha. Như vậy, tổng diện tích cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã đạt 2.759 ha, chiếm gần 30% diện tích cam của tỉnh.

Đối với cây chè, toàn tỉnh hiện có trên 20,3 nghìn ha, diện tích cho sản phẩm gần 18 nghìn ha, năng suất trên 36 tạ/ha, sản lượng đạt trên 65,5 nghìn tấn. Với quan điểm không khuyến khích trồng mới, tập trung thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng chè theo hướng phát triển chuỗi giá trị, nâng cao giá trị sản phẩm bằng phương thức sản xuất chè an toàn, chè hữu cơ, ngành NN-PTNT cũng chỉ rõ: Sản phẩm hữu cơ tập trung tại các vùng chè Shan tuyết huyện Hoàng Su Phì, Vị Xuyên, Xín Mần; chè an toàn tại các huyện vùng thấp như Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên. Đồng thời, tham mưu tỉnh phân vùng nguyên liệu cho các cơ sở, nhà máy chế biến, tránh tranh chấp vùng nguyên liệu, cạnh tranh không lành mạnh. Đến nay, diện tích triển khai và được cấp chứng nhận sản xuất an toàn đạt trên 3,4 nghìn ha, chiếm gần 17% tổng diện tích, sản lượng trên 14,5 nghìn tấn, chiếm trên 20% tổng sản lượng chè cho thu hoạch.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh ta chỉ đạo tập trung phát triển con trâu, bò, ong và được ưu tiên, bố trí vốn theo Nghị quyết 209/HĐND tỉnh. Đến nay, chăn nuôi đã có chuyển biến tích cực, quy mô gia trại, trang trại tăng nhanh, số trâu, bò mua theo Nghị quyết 209 tính đến hết tháng 6 vừa qua đạt trên 7 nghìn con. Bên cạnh việc mở rộng quy mô chăn nuôi, công tác thụ tinh nhân tạo trên đàn gia súc được triển khai mạnh, nhận được sự đồng tình của người dân, tầm vóc đàn gia súc được cải tạo tốt, tăng chất lượng, trọng lượng, góp phần tăng tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu ngành Nông nghiệp. Số liệu điều tra, thống kê tính đến đầu tháng 4.2017 xác định tổng đàn trâu, bò toàn tỉnh có 275.757 con, so với cùng kỳ năm trước tăng 2,78%, tương đương 7.448 con. Trong đó, đàn trâu 169.710 con, tăng trên 3,5%, tương đương 5.846 con; đàn bò 106.047 con, tăng trên 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng gần 3.482 tấn, trong đó trâu đạt gần 1.775 tấn, bằng 7.426 con, bò trên 1.707 tấn, bằng 7.757 con.

Đối với đàn ong mật, được duy trì, phát triển tốt ở huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Quang Bình, Xín Mần, Hoàng Su Phì - những địa phương có nhiều diện tích rừng, nhóm cây tự nhiên. Hiện tổng đàn ong mật đạt trên 34 nghìn tổ (số đàn mua theo chính sách Nghị quyết 209 đạt 11.990 tổ) tăng trên 22% so với cùng kỳ năm 2015, sản lượng mật sản xuất được trên 193 tấn, tăng trên 41%. Sản phẩm Mật ong Bạc hà đã được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý năm 2013, hiện đang được duy trì tốt, thị trường tiêu thụ ổn định.

Thành tựu đạt được thời gian qua rất quan trọng, tuy nhiên theo đại diện lãnh đạo Sở NN-PTNT vẫn còn những lực cản, ảnh hưởng rất lớn đến con đường tái cơ cấu như: Việc phân vùng sản xuất, vùng nguyên liệu chưa rõ; sản xuất vẫn còn ở quy mô nhỏ lẻ, sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường, chưa hình thành được những vùng chuyên canh quy mô lớn và thiếu sự liên kết. Bên cạnh đó, một số sản phẩm chủ lực trong Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý như Mật ong Bạc hà, cam Sành... nhưng việc liên kết, phối hợp giữa các địa phương chưa rõ, chưa khai thác triệt để được lợi thế. Việc ứng dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản, chế biến đối với các cây trồng, vật nuôi thế mạnh của tỉnh được xác định trong đề án tái cơ cấu ngành còn hạn chế, hiệu quả thấp. Các hình thức tổ chức sản xuất như HTX, tổ hợp tác được thành lập tăng về số lượng, nhưng chất lượng hoạt động còn yếu, chưa đóng vai trò tổ chức lại sản xuất, chưa định hướng thị trường và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn gặp nhiều khó khăn, do vậy sản xuất chưa gắn kết được với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, các sản phẩm sản xuất chủ yếu bán thô, sơ chế nên giá trị thấp.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến, thời gian còn lại trên lộ trình tái cơ cấu còn rất ngắn, vì vậy chúng ta cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị nhằm thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất từ chiều rộng sang chiều sâu; quy hoạch lại các vùng sản xuất theo hướng chuyên canh thành vùng hàng hóa tập trung; đẩy mạnh xã hội hóa công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, đặc biệt doanh nghiệp khoa học. Đồng thời, quản lý chặt chẽ các sản phẩm đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, thành lập mới các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp... có như vậy, chúng ta sẽ hoàn thành tốt mục tiêu đề ra trong tái cơ cấu và nông nghiệp của tỉnh sẽ khẳng định rõ vai trò trong nền kinh tế.

THIÊN THANH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thực hiện hiệu quả hơn nữa cải cách hành chính trong lĩnh vực Hải quan

BHG- Thời gian qua, Hải quan Hà Giang luôn khẳng định vai trò tiên phong trong thực hiện cải cách hành chính (CCHC), thu hút nhiều doanh nghiệp, tư thương triển khai hoạt động xuất, nhập khẩu (XNK) hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh - Quyền Cục trưởng Cục Hải quan Hoàng Cừ khẳng định. 

12/09/2017
Ngành Thuế Hoàng Su Phì phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2017

BHG- Bám sát chỉ đạo của các cấp, các ngành, thời gian qua, Chi cục Thuế Hoàng Su Phì tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác thu ngân sách Nhà nước (NSNN), góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển KT-XH và cân đối thu, chi ngân sách trên địa bàn huyện.

12/09/2017
Bắc Quang xây dựng xã điển hình về phát triển kinh tế

BHG - Một quyết sách quan trọng mang tính đột phá vừa được cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang triển khai thực hiện. Đó là bước tiến chiến lược đưa xã chuẩn Nông thôn mới (NTM) Quang Minh, Vĩnh Phúc trở thành xã điển hình về phát triển kinh tế của huyện trong tương lai không xa...

11/09/2017
Cây thanh long trên đất Đồng Yên

BHG - Cây Thanh long ruột đỏ được trồng phổ biến ở các tỉnh miền Nam, như Bình Thuận Long An, Tiền Giang và một số tỉnh phía Bắc như Tuyên Quang, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc từ nhiều năm nay. Những năm gần đây, loại cây này được nhiều hộ dân ở xã Đồng Yên (Bắc Quang) đưa về trồng và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần bổ sung vào cơ cấu cây ăn quả của xã Đồng Yên nói riêng và huyện Bắc Quang nói chung.

11/09/2017