Quản Bạ phát triển Hợp tác xã toàn thôn
BHG- Các hợp tác xã (HTX) toàn thôn được thành lập với mục tiêu hợp tác, tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho các thành viên. Sự ra đời của các HTX này đã đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất của các hộ dân, bước đầu giải quyết được vấn đề việc làm cho lao động nông thôn.
HTX dịch vụ tổng hợp Na Lình, xã Nghĩa Thuận tập trung chăn nuôi dê thịt. |
Theo thống kê, huyện Quản Bạ có 20 HTX thành lập mới theo Luật HTX năm 2012; 11 HTX đã chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012. Trong số đó có 4 – 5 HTX toàn thôn được thành lập mới từ năm 2016 đến nay. Các HTX này được thành lập với mục tiêu hợp tác, tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho các thành viên. Đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chung của các thành viên về phát triển kinh tế, phục vụ và hỗ trợ các thành viên phát triển sản xuất, kinh doanh. Các HTX hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở các ngành, nghề như: trồng cây ăn quả; trồng rau, đậu các loại; trồng ngô và cây lương thực; trồng rừng và chăm sóc rừng; trồng cây gia vị, dược liệu; dịch vụ chăn nuôi trâu, bò, lợn, dê, ngựa... Vốn điều lệ của mỗi HTX là từ 500 triệu đồng trở lên.
Hình thức HTX toàn thôn này bước đầu cho thấy sự phù hợp với điều kiện của địa phương, giúp giải quyết vấn đề việc làm cho một số lao động nông thôn. Điển hình như HTX dịch vụ tổng hợp thôn Nà Sài, xã Đông Hà, có 144 thành viên, vốn điều lệ là 500 triệu đồng, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi. Theo ông Dương Đức Thắng, Giám đốc HTX cho biết, từ khi thành lập, HTX đã tập trung được người dân trong thôn cùng nhau phát triển kinh tế. Nếu trước kia các hộ chỉ sản xuất nhỏ, lẻ thì nay sẽ sản xuất theo nhóm sở thích như: Nhóm nuôi ong, chăn nuôi bò, lợn, trồng rau trái vụ, buôn bán vật tư nông nghiệp... Như vậy thì sẽ sản xuất được số lượng hàng hóa lớn hơn, cũng tập trung vào việc nghiên cứu nhu cầu của thị trường và nhu cầu của các hộ sản xuất trong thôn để có định hướng phát triển cây gì, con gì vào các mùa tiếp theo.
Việc thành lập HTX toàn thôn đã giúp thay đổi tư duy của người dân từ trước chỉ sản xuất theo hướng tự phát thì nay đã sản xuất theo kế hoạch, có sự hoạch định rõ ràng từ khâu chăn nuôi đến sản phẩm bán ra thị trường. Là một HTX tổng hợp song HTX phát triển Ngựa Cao nguyên, thôn Lùng Cáng, xã Thanh Vân, đã tập trung 9 hộ chăn nuôi ngựa vào phát triển chăn nuôi ngựa để bán lấy thịt theo nhu cầu thị trường, bên cạnh đó là bán ngựa giống. Anh Giàng Mí Páo, Giám đốc HTX, cho biết: “Trước kia dân mình nuôi ngựa chỉ dùng để lấy sức kéo, mỗi nhà nuôi 1 – 2 con ngựa đến hơn chục năm mới bán đi, chẳng lãi là bao. Bây giờ được sự giúp đỡ của xã, huyện định hướng cho phát triển nuôi ngựa để bán lấy thịt, nâng cao hiệu quả kinh tế thì bà con rất phấn khởi, đồng tình làm theo. Bước đầu chúng tôi đang nhân giống đàn ngựa để mở rộng quy mô đàn, sau đó sẽ bán lấy thịt”.
Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế của huyện còn khó khăn đã ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của các HTX trên địa bàn. Các HTX có quy mô nhỏ, hoạt động sản xuất kinh doanh còn đơn điệu, chưa năng động, chậm khắc phục tình trạng khó khăn. Năng lực hoạt động của các HTX không đồng đều, trụ sở làm việc thiếu; trình độ lao động còn thấp. Ban quản trị HTX chưa năng động trong việc tiếp cận chính sách về vốn vay, chưa mạnh dạn mở rộng quy mô đầu tư, trình độ năng lực quản lý còn hạn chế, công nghệ thông tin và khoa học kỹ thuật áp dụng vào quá trình sản xuất kinh doanh chưa nhiều, là những hạn chế của các HTX toàn thôn.
Để các HTX phát triển cần có sự hướng dẫn như: Xây dựng phương án sản xuất kinh doanh; tăng cường liên kết kinh tế giữa hộ nông dân với các HTX, giữa HTX với doanh nghiệp, tạo chuỗi giá trị hàng hóa thông qua hợp tác sản xuất, kinh doanh, cung cấp nguyên liệu sản xuất, dịch vụ, chế biến, xây dựng kết cấu hạ tầng... giúp các HTX dần đứng vững, hoạt động có hiệu quả, có lợi nhuận...
Lê Hải
Ý kiến bạn đọc