"Khơi" tiềm năng vùng chè Shan tuyết ở Tân Lập

08:23, 28/09/2017

BHG- Xã Tân Lập (Bắc Quang) là vùng có nhiều diện tích chè Shan tuyết – cây trồng chiến lược trong phát triển kinh tế bền vững tại địa phương. Tuy nhiên, trước đây lợi thế này chưa thực sự được “đánh thức” để góp phần làm thay đổi diện mạo xã đặc biệt khó khăn. Nhưng khi có sự đồng hành của các cấp, ngành, tiềm năng kinh tế vùng chè Shan tuyết Tân Lập thêm cơ hội bứt phá.

Người dân xã Tân Lập thêm cơ hội thoát nghèo từ sự đồng hành của các cấp, ngành trong việc phát triển bền vững cây chè Shan tuyết.Trong ảnh: Người dân thôn Nậm Siệu thu hoạch chè Shan tuyết.
Người dân xã Tân Lập thêm cơ hội thoát nghèo từ sự đồng hành của các cấp, ngành trong việc phát triển bền vững cây chè Shan tuyết. Trong ảnh: Người dân thôn Nậm Siệu thu hoạch chè Shan tuyết.

Nhiều năm qua, chè Shan tuyết đã trở thành cây trồng thế mạnh trong phát triển kinh tế của xã Tân Lập. Với tổng diện tích 453,9 ha chè Shan tuyết, trong đó, 395,5 ha đang cho thu hoạch, giúp nhiều hộ tăng thu nhập từ 15 đến trên 20 triệu đồng/ha/vụ... Tuy nhiên, thực tiễn sản xuất chè Shan tuyết tại xã Tân Lập còn bộc lộ một số hạn chế, được chính quyền sở tại thẳng thắn nhìn nhận như: Quy mô vườn chè của các hộ nhỏ lẻ, chủ yếu trồng theo phương thức quảng canh. Việc đầu tư thâm canh theo đúng quy trình kỹ thuật chưa được thực hiện; diện tích chè trồng mới, trồng dặm còn thấp so với tiềm năng về đất đai, khí hậu của toàn xã. Mặt khác, thay vì sử dụng máy đốn chè, một số hộ dân chỉ dùng dao phát nên số lượng tán trên cây chưa đảm bảo, khiến tỷ lệ mọc mầm thưa, dẫn đến năng suất, sản lượng chè đạt thấp. Không những vậy, công tác lựa chọn giống chè chất lượng đưa vào sản xuất chưa được người dân coi trọng...

Trước thực tế trên và để “khơi” tiềm năng kinh tế vùng chè Shan tuyết Tân Lập, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển bền vững cây chè. Trong đó, có việc đẩy mạnh liên kết, hợp tác ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất chè với các đơn vị, doanh nghiệp để không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị kinh tế cho người dân. Điển hình như: Năm 2015, Viện Khoa học kỹ thuật Nông, lâm nghiệp (KHKTNLN) miền núi phía Bắc thực hiện thí điểm đầu tư Dự án chè VietGAP tại thôn Chu Hạ và Chu Thượng với tổng diện tích 17 ha/17 hộ tham gia. Trên cơ sở này, Viện đã mở 3 lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, bón phân, đốn chè cho các hộ tham gia dự án và nhiều hộ dân khác có nhu cầu nhưng nằm ngoài dự án. Đồng thời, hỗ trợ 21,5 tấn phân bón hữu cơ vi sinh Sông Gianh và 3.500 cây chè cành cho các hộ tham gia dự án để trồng dặm, nhằm từng bước cải thiện chất lượng chè Shan tuyết.

Cùng với kết quả trên, bằng các cơ chế, chính sách hiện hành, cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang đã thu hút được Công ty TNHH một thành viên Long Trà đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến chè Shan tuyết chất lượng cao tại xã Tân Lập. Điều đặc biệt ở đây chính là việc Công ty đang hoàn thiện xây dựng Nhà máy (dự kiến khánh thành tháng 10.2017) với dây chuyền chế biến chè xanh Shan tuyết hiện đại bậc nhất Việt Nam, ngay tại địa phương đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Quang. Chia sẻ thêm về điều này, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Long Trà, Trần Thị Nhi cho biết: Trước khi xây dựng nhà máy, chúng tôi đã tổ chức đoàn công tác tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất, chế biến chè chất lượng cao tại một số địa phương của Nhật Bản. Đồng thời, tiến hành đầu tư dây chuyền chế biến chè xanh trị giá trên 20 tỷ đồng, theo công nghệ Nhật Bản. Đây là dây chuyền tự động nên chỉ cần 3 nhân công đảm nhiệm các khâu vận hành là có thể đảm bảo chất lượng chè ổn định. Qua đó, không chỉ giúp tiết kiệm nhân lực mà còn nâng cao chất lượng chè thành phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu...

Các chuyên gia cơ khí của Nhật Bản thực hiện lắp đặt thiết bị sản xuất tại Nhà máy chế biến chè xanh Shan tuyết chất lượng cao của Công ty TNHH một thành viên Long Trà.
Các chuyên gia cơ khí của Nhật Bản thực hiện lắp đặt thiết bị sản xuất tại Nhà máy chế biến chè xanh Shan tuyết chất lượng cao của Công ty TNHH một thành viên Long Trà.

Đặc biệt, theo chia sẻ của Bí thư Đảng ủy xã Tân Lập, Triệu Chàn Khuân: Mặc dù sản lượng chè búp tươi 6 tháng đầu năm 2017 của xã mới đạt 630 tấn, giảm so với cùng kỳ năm 2016 nhưng chất lượng và giá trị kinh tế cao hơn nhiều. Bởi, người dân đã biết áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất cũng như chăm sóc, cải tạo vườn chè theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, Viện KHKTNLN miền núi phía Bắc và Công ty TNHH một thành viên Long Trà. Hơn nữa, thay vì hái chè dài, già để tăng sản lượng như trước (nhưng giá trị kinh tế thấp), nay người dân đã hái chè non, đạt chuẩn quy cách của Công ty TNHH một thành viên Long Trà. Chính điều này góp phần quan trọng nâng giá sản phẩm chè búp tươi cao hơn so với cách hái thông thường. Thậm chí, khi sản phẩm chè búp tươi đạt chất lượng tốt, Công ty sẵn sàng trả giá sản phẩm cao gấp nhiều lần so với hợp đồng bao tiêu sản phẩm đã ký kết giữa Công ty với các Trưởng thôn trên toàn xã, để thu mua với giá từ 7 – 40 nghìn đồng/kg chè búp tươi... Do vậy, dự kiến năm 2017, tổng giá trị chè búp tươi Shan tuyết trên địa bàn xã có thể đạt mốc 10,6 tỷ đồng, cao hơn từ 3,4 – 4,6 tỷ đồng so với những năm trước...

Từ những kết quả trên, kỳ vọng rằng, với sự đồng hành của các cấp, ngành và quyết tâm gìn giữ, phát huy giá trị đặc biệt vốn có từ chè Shan tuyết của người dân; cây chè Shan tuyết sẽ là phương thức quan trọng thúc đẩy kinh tế vùng đặc biệt khó khăn – Tân Lập có bước phát triển khởi sắc.

THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nông Quốc Thùy quyết tâm làm giàu với nghề chăn nuôi

BHG - Dám nghĩ, dám làm, chàng trai trẻ Nông Quốc Thùy (sinh 1993) ở thôn Chàng Sát, xã Yên Hà (Quang Bình) quyết tâm khởi nghiệp, vượt khó làm giàu với mô hình chăn nuôi cho thu nhập hơn trăm triệu đồng mỗi năm. Anh là một trong những đoàn viên, tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế tại địa phương.

27/09/2017
Thành công Đề án trồng dứa ở Phong Quang

BHG - Đề án phát triển dứa tại xã Phong Quang (Vị Xuyên) được thực hiện theo Quyết định số 4116 của UBND huyện Vị Xuyên từ 10.11.2015. Ngay sau khi Đề án được phê duyệt, Phòng Nông nghiệp – PTNT đã phối hợp với Công ty Cổ phần xuất khẩu thực phẩm (CPXKTP) Đồng Giao (Ninh Bình) và 143 hộ tại thôn Lùng Càng, Bản Mán, Lùng Châu, xã Phong Quang cùng triển khai thực hiện. 

27/09/2017
Sôi động thị trường bánh Trung thu

BHG - Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là đến Tết Trung thu. Đây cũng là thời điểm các cơ sở sản xuất bánh kẹo, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động chế biến, cung ứng ra thị trường các sản phẩm phục vụ người tiêu dùng. 

27/09/2017
Đỗ Minh Thông làm giàu trên mảnh đất Phong Quang

BHG - Trong những năm qua, phong trào "Thanh niên học tập và làm theo lời Bác", phát triển kinh tế, từng bước vươn lên làm giàu trên quê hương được đông đảo bạn trẻ nhiệt tình hưởng ứng. Đoàn viên thanh niên Đỗ Minh Thông, sinh năm 1987, ở xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên là một trong những tấm gương như thế.

26/09/2017