Hoàng Su Phì phát triển chăn nuôi bền vững, hiệu quả
BHG - Là một huyện kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Do đó, Hoàng Su Phì xác định phát triển chăn nuôi là khâu đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, huyện đã có nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển, nhất là tập trung hỗ trợ về vốn vay, kỹ thuật chăn nuôi cho người dân; khuyến khích người dân mở rộng quy mô đàn, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả đất đai và tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân tại địa phương.
Theo thống kê, hiện tổng đàn trâu, bò trên địa bàn huyện là trên 28 nghìn con, đàn lợn trên trên 70 nghìn con, đàn dê trên 23 nghìn con và gia cầm 387.921 con. Hiện toàn huyện có 18 trang trại, gia trại phát triển chăn nuôi theo quy mô lớn; trên 300 mô hình phát triển kinh tế hộ đạt hiệu quả và cần được nhân rộng... Hầu hết các trang trại, gia trại trên địa bàn đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ và tiến bộ KHKT vào chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là trang trại gà của anh Phan Hữu Tụ, tổ dân phố 3, thị trấn Vinh Quang cho thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Anh Tụ chia sẻ: Hiện nay gia đình anh đang nuôi hơn 7 nghìn con gà, trong đó có 1.500 con gà mái sinh sản, hơn 3 nghìn con gà thịt và gần 3 nghìn gà con. Trong quá trình nuôi, từ khi gà 1 ngày tuổi đến khi xuất bán, anh tuyệt đối tuân thủ các quy đình về phòng, chống dịch bệnh. Vì vậy, đàn gà phát triển rất khỏe mạnh và đồng đều. Qua gần 2 năm đầu tư chăn nuôi gà theo hướng trang trại, anh thấy đây là mô hình kinh tế phù hợp, kinh phí đầu tư chuồng trại và con giống ban đầu khá tốn kém nhưng về sau khi chăn nuôi thuận lợi sẽ sớm thu hồi vốn và có lãi cao.
Người dân trong xã tham quan, học tập mô hình chăn nuôi trâu sinh sản của anh Phùng Chiềm Chìu, thôn Sơn Thành Thượng, xã Nậm Khòa. |
Tại xã Nậm Khòa việc phát triển chăn nuôi cũng đang được người dân tập trung thực hiện. Theo thống kê, hiện toàn xã có 25 hộ chăn nuôi từ 10 con trâu, bò trở lên; trên 10 hộ phát triển chăn nuôi dê và trung bình mỗi hộ có từ 1 - 2 con trâu. Anh Phùng Chiềm Chìu, thôn Sơn Thành Thượng là một trong những hộ có kinh tế khá giả bậc nhất của xã nhờ chăn nuôi trâu sinh sản. Anh Chìu cho biết: Trước đây, gia đình anh cũng trồng ngô, cấy lúa nhưng cuộc sống vẫn khó khăn. Nhận thấy chăn nuôi trâu sinh sản phù hợp với địa phương nên từ năm 2010 anh đã quyết tâm vay mượn tiền của anh em trong gia đình để mua 3 con trâu giống về nuôi. Hiện trong chuồng của gia đình anh thường xuyên duy trì từ 13 - 15 con trâu; mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh thu nhập 70 – 100 triệu đồng từ chăn nuôi trâu theo hướng hàng hóa.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Quang Duẩn cho biết: Mục tiêu phát triển tổng đàn gia súc của huyện hàng năm là từ 5 - 7%; trong đó, trọng tâm phát triển là chăn nuôi trâu, bò, dê một cách bền vững gắn với hàng hóa. Huyện cũng phấn đấu đến năm 2020 thực hiện được 70 mô hình nuôi bò vỗ béo, 20 mô hình chăn nuôi trâu hướng hàng hóa theo quy mô nông hộ, 30 mô hình nuôi dê vỗ béo, 10 mô hình nuôi ngựa; quy mô đối với chăn nuôi bò, trâu, ngựa nuôi từ 3 con trở lên, đối với dê nuôi từ 15 con trở lên... Theo đó, giải pháp mà huyện đưa ra là sẽ phát triển ngành chăn nuôi theo hướng an toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm; tập trung phát triển cả về số lượng và chất lượng đàn gia súc, gia cầm một cách bền vững, hình thành những khu chăn nuôi tập trung, tách khỏi khu dân cư nhằm bảo vệ môi trường. Ngoài ra, huyện sẽ khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào địa phương để phát triển chăn nuôi theo hướng liên kết, góp phần tạo việc làm cho người dân, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm ổn định.
TIẾN LÂM
Ý kiến bạn đọc