Bước chuyển mình sau 2 năm thực hiện Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp
Kỳ I - Hướng tới những... “mùa quả ngọt”
Năm 2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu nhằm nâng cao giá trị, sự đóng góp của ngành Nông nghiệp trong phát triển KT-XH; tăng thu nhập cho nông dân, giảm nghèo bền vững; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường; phát triển cân đối, hợp lý giữa trồng trọt - chăn nuôi - lâm nghiệp. Sau 2 năm nỗ lực thực hiện tái cơ cấu, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang có bước chuyển mình mạnh mẽ.
Nhận xét về nền nông nghiệp tỉnh ta ở thời điểm hiện tại, có thể tự hào khẳng định đã xóa bỏ hoàn toàn tính “tự sản tự tiêu”, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, khoa học, kỹ thuật được ứng dụng mạnh mẽ, cơ giới hóa xuất hiện ở nhiều khâu của quy trình sản xuất. Mối liên kết giữa nhà khoa học, nhà quản lý, người nông dân, cơ quan truyền thông và doanh nghiệp chặt chẽ hơn, hàm lượng “chất xám” tích tụ trong sản phẩm nhiều hơn, giá trị tăng, thu nhập tăng, người nông dân hoàn toàn có thể làm giàu trên đồng đất quê hương. Sự chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp theo hướng khai thác, phát huy tốt lợi thế được hình thành từ định hướng quan trọng của tỉnh, sự vào cuộc tích cực của người nông dân nên đang hứa hẹn thu về những... “mùa quả ngọt”.
Vùng trồng chuối xuất khẩu của Công ty Cổ phần phát triển nông - lâm nghiệp Hà Giang. |
Nhìn lại bối cảnh trước khi bắt tay vào tái cơ cấu, mặc dù sản xuất nông nghiệp được xác định có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp từ gần 35% đến trên 40% tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh; giá trị ngành Nông nghiệp bình quân giai đoạn 2010-2014 đạt trên 4,8 nghìn tỷ đồng. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh được xác định có nhiều lợi thế, sở hữu nhiều sản phẩm thế mạnh như cam Sành, chè Shan tuyết; đàn gia súc, gia cầm phát triển tương đối ổn định, ít dịch bệnh, giá trị thương phẩm cao, được thị trường ưa chuộng. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện trên một nghìn loài cây dược liệu khác nhau, thuộc 184 họ, 662 chi thực vật, nhiều loại có giá trị rất lớn trong bào chế thuốc chữa bệnh... Nhưng làm thế nào để đánh thức tiềm năng, phát huy được lợi thế cạnh tranh đối với từng sản phẩm nông nghiệp, từng bước tăng thu nhập, giúp người nông dân hoàn toàn chủ động sản xuất, không phải vất vả quanh năm “chân lấm, tay bùn” thực sự là bài toán khó, đã giải nhiều năm vẫn chưa cho kết quả tối ưu.
“Trước khi tái cơ cấu, sản xuất nông nghiệp của tỉnh có rất nhiều vấn đề cần phải được nhận diện, chỉ rõ” - ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết. Những bất cập được “chỉ mặt, đặt tên” như đang mất cân đối ngay trong chính nội bộ ngành, những lĩnh vực được xác định có lợi thế cạnh tranh cao vẫn còn “ngủ quên” đâu đó. Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp có xu hướng giảm dần bởi thời gian gần đây chủ yếu đi theo chiều rộng, chưa chú trọng đúng mức theo chiều sâu, việc khai thác các lợi thế tự nhiên không còn giữ được lợi thế cạnh tranh trên thị trường so với nhiều dòng sản phẩm cùng chủng loại. Sản lượng nông sản làm ra tăng nhanh, nhưng chưa gắn với cải tiến chất lượng, chưa gắn kết với thị trường tiêu thụ... đã khiến giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác chưa cao. Vốn đầu tư cho nông nghiệp còn dàn trải, chiếm khoảng 10% ngân sách, nhưng chủ yếu giải quyết vấn đề an sinh xã hội, hỗ trợ cho không các hộ nghèo về giống, vật tư, chưa đầu tư cho sản xuất hàng hóa nên ít có sản phẩm mang thương hiệu của tỉnh.Ngoài ra, khả năng nắm bắt thông tin thị trường, sản xuất hàng hóa của người nông dân còn chậm, vẫn tung ra thị trường thứ mình có, thứ thị trường cần, giá thành cao lại chưa đáp ứng kịp thời. Nông nghiệp của tỉnh có nhiều giá trị đặc hữu, mang đậm tính vùng, miền, ít nơi có được, nhưng việc thu hút doanh nghiệp đầu tư lại khó khăn, nếu có chủ yếu với quy mô nhỏ, xuất phát điểm kinh tế hộ thấp, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, kỹ năng sản xuất gắn với thị trường yếu. Đa số cây trồng, vật nuôi bản địa có chất lượng tốt, nhưng vẫn dừng lại ở dạng tiềm năng, chưa trở thành hàng hóa mang thương hiệu, sản phẩm đặc trưng của tỉnh sản lượng vẫn còn thấp. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và khu vực nông thôn còn hạn chế, hàm lượng “chất xám” trong mỗi sản phẩm chưa cao, giá trị gia tăng thấp. Sản phẩm nông nghiệp đa số bán dưới dạng thô hoặc sơ chế, công nghệ chế biến nông sản chưa phát triển, hạ tầng phục vụ sản xuất và cơ giới hóa trong nông nghiệp ở tất cả các khâu còn chiếm tỷ lệ thấp...
Những hạn chế trên đặt ra yêu cầu cấp bách phải thực hiện tái cơ cấu, nhằm nâng cao giá trị, sự đóng góp của ngành Nông nghiệp trong phát triển KT-XH của tỉnh; tăng thu nhập cho người nông dân, giảm nghèo bền vững; khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp bền vững cả về KT-XH và môi trường; phát triển cân đối, hợp lý giữa trồng trọt - chăn nuôi - lâm nghiệp. Mục tiêu cơ cấu lại ngành Nông nghiệp để đảm bảo tốc độ tăng trưởng bình quân trên 6,5%/năm, riêng lĩnh vực chăn nuôi trên 13%. Đến năm 2020, giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp đạt trên 7,8 nghìn tỷ đồng, cơ cấu ngành Nông nghiệp trong GRDP chiếm khoảng 33%; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4%/năm trở lên, tổng sản phẩm bình quân đạt 30 triệu đồng/người/năm, giá trị sản xuất bình quân đạt 50 triệu đồng/ha đất canh tác; tỷ lệ lao động trong ngành Nông nghiệp còn khoảng 75%, trong đó có từ 60% trở lên được đào tạo nghề. Đồng thời, xây dựng được vùng nông nghiệp chuyên sâu với các ứng dụng khoa học kỹ thuật cao trong chọn giống, bảo quản, chế biến nông sản; xây dựng từ 3-5 thương hiệu sản phẩm hàng hóa cấp tỉnh trở lên; tỷ lệ cơ giới hóa trong nông nghiệp đạt trên 40%.Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh đã đánh giá đúng thực trạng, định vị đúng xuất phát điểm, chỉ rõ những nguyên nhân hạn chế... từ đó đề ra chỉ tiêu, lộ trình, giải pháp thực hiện cụ thể. Quá trình tái cơ cấu tập trung giải quyết tốt 2 nội dung quan trọng gồm cơ cấu trong nội bộ ngành và cơ cấu ngành Nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đối với cơ cấu nội bộ ngành, được xác định tập trung giải quyết cho được vấn đề đảm bảo an ninh lương thực, với tổng sản lượng đạt 42 vạn tấn vào năm 2020, bình quân lương thực đạt 500 kg/người/năm; hình thành chuỗi sản xuất hàng hóa cam Sành, chè Shan tuyết; phát triển chăn nuôi đại gia súc, trâu ở các huyện vùng thấp, bò các huyện vùng cao; trồng mới 41 loài cây dược liệu, phấn đấu diện tích đạt 5 nghìn ha năm 2020. Ở nội dung thứ 2, đến năm 2020, nông - lâm nghiệp giảm từ gần 37% xuống còn 33% trong GRDP...
Đề án Tái cơ cấu thực sự là “kim chỉ nam”, hướng đi quan trọng để nông nghiệp của tỉnh phát triển xứng tầm với tiềm năng, lợi thế vốn có của nó - Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Đức Vinh khẳng định.
Kỳ II – Xác lập tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp.
THIÊN THANH
Ý kiến bạn đọc