Bắc Mê chú trọng nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách
BHG - Thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Bắc Mê đã bám sát các chỉ tiêu tín dụng và triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách, thực hiện tốt kế hoạch được giao về tín dụng chính sách những tháng cuối năm 2017 trên địa bàn huyện.
Ngay từ đầu năm, Ngân hàng CSXH huyện đã chủ động tham mưu cho UBND huyện chuyển nguồn vốn ngân sách ủy thác qua Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cho vay; quyết định giao chỉ tiêu thu lãi, thu tiền gửi tiết kiệm cho tổ viên thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV); phân bổ chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2017 cho UBND các xã, thị trấn, để có cơ sở giao kế hoạch đến từng thôn, bản triển khai cho vay; xây dựng chương trình, lịch kiểm tra, giám sát năm 2017; phân công thành viên Ban Đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) phụ trách các xã, thị trấn. Trong 6 tháng đầu năm, tổng nguồn vốn hoạt động là 196.247 triệu đồng, tăng 14.087 triệu so với cuối năm 2016. Dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội là 195.344 triệu đồng, với 211 tổ TK&VV/6.869 hộ vay.
Gia đình chị Nguyễn Thị Nguyên, thôn Nà Phia, thị trấn Yên Phú đã thoát nghèo nhờ vốn vay từ Ngân hàng CSXH huyện. |
Đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Nguyên, thôn Nà Phia, thị trấn Yên Phú, chị chia sẻ: cách đây mấy năm gia đình tôi được vay 30 triệu đồng vốn hộ nghèo, tôi mua được 2 con trâu sinh sản; đến nay, đàn trâu đã tăng lên thành 4 con. Số tiền thu được từ việc bán trâu cũng đã đủ để trả Ngân hàng. Từ 30 triệu đồng, chị Nguyên phát triển chăn nuôi đàn trâu sinh sản, đến nay, gia đình chị bán bớt trâu thu về gần 100 triệu đồng. Hiện tại, nhờ biết cách làm ăn nên cả vốn và lãi của Ngân hàng, gia đình đều đã trả hết và còn có một khu chăn nuôi để ổn định kinh tế.
Trên cơ sở chiến lược hoạt động, Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện chỉ đạo điều hành linh hoạt trong việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn để chuyển tải nguồn vốn đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; phối hợp đồng bộ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác để triển khai, hướng dẫn và giám sát thực hiện qui trình nghiệp vụ đến tổ chức hội cấp dưới và TK&VV; đặc biệt tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của hộ vay về thực hiện các quy định khi vay vốn, tham gia tiền gửi; tư vấn hướng dẫn người vay sử dụng vốn có hiệu quả, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Công tác huy động vốn qua tổ TK&VV và huy động tiền gửi được Ngân hàng CSXH huyện luôn quan tâm, quyết liệt chỉ đạo để triển khai đồng bộ và đã đi vào ổn định. Mọi người dân đều hiểu rõ và đầy đủ ý nghĩa của việc tham gia tiền gửi qua tổ, đặc biệt tham gia tiền gửi tại điểm giao dịch xã, đây là điểm mới của Ngân hàng CSXH tạo điều kiện tốt nhất cho những tổ chức và cá nhân muốn gửi tiền nhưng không phải lên trụ sở Ngân hàng huyện để gửi. Đồng thời qua gửi tiền tại điểm giao dịch xã, lãnh đạo chính quyền địa phương rất ủng hộ, nhiều lãnh đạo chủ chốt của Đảng ủy và UBND xã tham gia đều hàng tháng, tạo bước động lực mới cho hoạt động tiền gửi tại điểm giao dịch xã của Ngân hàng CSXH. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, nguồn vốn được giao đã hoàn thành được 98% công tác giải ngân.
Ông Nguyễn Văn Thế, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Bắc Mê cho biết: Mặc dù hoạt động tín dụng chính sách năm 2017 chịu ảnh hưởng lớn từ những khó khăn chung của kinh tế tỉnh nhà, nhưng Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện đã bám sát Nghị quyết HĐQT, chỉ đạo của Ngân hàng CSXH tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và tình hình thực tế tại địa phương; chỉ đạo bộ phận điều hành nỗ lực, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Để thực hiện tốt kế hoạch được giao về tín dụng chính sách những tháng cuối năm thì việc đầu tiên các thành viên Ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện là lãnh đạo các ngành, đoàn thể và Chủ tịch các xã, thị trấn phải thực hiện nghiêm túc chương trình kiểm tra, giám sát; tăng cường công tác tuyên truyền về hoạt động tín dụng chính sách và công tác huy động tiền gửi tiết kiệm. Đối với các xã có tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,3% phải có giải pháp xử lý nợ quá hạn, xây dựng kế hoạch giảm nợ quá hạn. Ngoài ra Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện tiếp tục rà soát chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV xếp loại trung bình, yếu kém để tiến hành phân tích, tìm ra nguyên nhân để củng cố, kiện toàn Ban Quản lý Tổ TK&VV, thực hiện tốt khâu bình xét cho vay đảm bảo công khai, minh bạch; đôn đốc, giám sát hộ vay vốn trong việc sử dụng vốn vay đúng mục đích...
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, việc triển khai đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách không chỉ thể hiện vào những con số trên mà còn tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về hoạt động tín dụng chính sách. Nhìn chung, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Bắc Mê đã dần đi vào nề nếp, nguồn vốn phát huy hiệu quả rõ rệt, khẳng định được vai trò quan trọng trong công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đang hứa hẹn những bứt phá mới trong thời gian tới.
Bài, ảnh: Văn Quân
Ý kiến bạn đọc