Xây dựng điển hình từ thôn, xóm - cách làm hay trong phát triển kinh tế
BHG- Hà Giang là vùng đất biên thùy còn đầy khó khăn, gian khổ; Một trong những bước đi nhằm tạo nên đột phá trong phát triển kinh tế vùng chính từ việc “Phấn đấu mỗi huyện xây dựng một xã, mỗi xã xây dựng một thôn điển hình về phát triển kinh tế” gắn “mỗi làng một sản phẩm”. Sau một thời gian thực hiện, các huyện, thành phố đã, đang xây dựng, triển khai thực hiện mục tiêu trên; không chỉ phát huy các sản phẩm, cây, con thế mạnh của mỗi địa phương mà còn giúp nâng cao thu nhập cho bà con.
Thực hiện theo chủ trương, chính sách của tỉnh, người dân đã, đang tích cực phát triển sản xuất dựa trên chính nguồn lực sẵn có của địa phương. Trong ảnh: Người dân xã Quyết Tiến (Quản Bạ) mở rộng diện tích trồng dược liệu. |
Căn cứ vào Nghị quyết các cấp, các huyện, thành phố từ thực tiễn sản xuất, tiềm năng, lợi thế phát triển cây, con; khả năng tham gia thực hiện của người dân, của xã, thôn; những khu vực cánh đồng có giao thông thuận lợi, tiện việc chăm sóc, vận chuyển vật tư phân bón, thu hoạch sản phẩm; căn cứ các chính sách của tỉnh về phát triển nông nghiệp...; để từ đó xem xét thống nhất lựa chọn một xã và các xã chọn một thôn tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn; chuyển sản xuất từ bề rộng sang chiều sâu, lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu, đích đến để tổ chức thực hiện.Theo đó, các huyện đã tích cực triển khai những bước đi mang tính chiều sâu cho sự phát triển của từng vùng rõ ràng, như: Bắc Quang ban hành Đề án xây dựng xã Vĩnh Phúc, Quang Minh trở thành xã điển hình về phát triển kinh tế, định hướng đến năm 2020; Vị Xuyên xây dựng 2 xã thực hiện giá trị sản phẩm thu nhập bình quân/ha đất trồng cây hàng năm và phát triển xã, thôn điển hình về phát triển kinh tế nông nghiệp, giai đoạn 2017 - 2020...
Với sự chủ động vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương từ huyện đến xã, đến nay sau một năm rưỡi thực hiện, đã lựa chọn, xác định được gần 20 xã, 46 thôn điển hình phát triển kinh tế/11 huyện, thành phố để xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện. Tính đến tháng 6.2017, toàn tỉnh đã có 22 sản phẩm, nhóm sản phẩm chính, chủ lực đạt yêu cầu về nội dung Nghị quyết của tỉnh đề ra; thu hút được hơn 6.500 hộ dân tham gia sản xuất hàng hóa; trên 2.300 lao động nông thôn được đào tạo nghề, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi; sản phẩm được xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, như: Cam Sành Hà Giang; Hồng không hạt... Cùng với đó, các doanh nghiệp, HTX cũng đã có sự liên kết chặt chẽ hơn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người dân, góp phần đưa giá trị sản phẩm năm 2016 đạt 80.855 triệu đồng. Đồng thời, để tạo thêm lòng tin vào sự phát triển bền vững, sát cánh cùng người lao động, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng và ra mắt Văn phòng Giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tại thành phố Hà Giang để trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm của các huyện, thành phố. Hiện, Văn phòng hoạt động tốt, thu hút rất đông khánh hàng, đặc biệt là khách du lịch, các tư thương đến khảo sát, ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các nhà sản xuất. Không chỉ vậy, để đẩy mạnh hơn nữa thực hiện chỉ tiêu mỗi huyện một xã, mỗi xã một thôn điển hình, UBND tỉnh còn tập trung chỉ đạo, lồng ghép với các chương trình, như: Dồn điền - đổi thửa; cánh đồng mẫu; đầu tư có thu hồi - tái đầu tư; phát triển dược liệu trên cùng một địa bàn để tập trung nguồn lực thực hiện. Ngoài ra, còn triển khai gắn kết tổ chức sản xuất cho nông dân, như thành lập các HTX; thôn tự chủ, tự quản, Quỹ phát triển thôn để làm tiền đề, cơ sở phát triển xã, thôn điển hình...
Nhìn chung, sau một năm rưỡi thực hiện “Mỗi huyện xây dựng một xã, mỗi xã xây dựng một thôn điển hình về phát triển kinh tế” với sự tham gia trực tiếp của người dân; được sản xuất thực tiễn trên địa bàn thông qua đối tượng cây, con cụ thể là giải pháp tốt nhất để khắc phục những khó khăn, hạn chế từ sản xuất của người dân đến công tác chỉ đạo, quản lý của các cấp ủy, chính quyền cơ sở; làm tăng năng suất, chất lượng cũng như giá trị sản phẩm thu hoạch/ha cây trồng hàng năm. Qua thực tiễn cũng đã tạo dựng được tư duy sản xuất mới với quan điểm chuyển phát triển sản xuất nông nghiệp từ bề rộng sang chiều sâu một cách toàn diện, nâng cao giá trị gia tăng, lấy giá trị thu nhập làm đích đến. Từ đó, bộ mặt đời sống của nông thôn Hà Giang đã có những bước tiến bền vững, người dân đã tích cực hơn trong lao động, sản xuất dựa trên chính nguồn lực, thế mạnh sẵn có mỗi làng, quê.
PHI ANH
Ý kiến bạn đọc