Thu hút đầu tư vào nông nghiệp - giải pháp phát triển sản xuất hàng hóa ở Quang Bình

16:49, 30/08/2017

BHG - Trên 100 ha lúa Xuân đã được người dân vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp hàng hóa huyện Quang Bình thu hoạch xong; hàng chục tấn thóc của người dân đang được doanh nghiệp thu mua với giá 6,5 nghìn đồng/kg. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chu trình khép kín với sự tham của doanh nghiệp ngay từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, bao tiêu sản phẩm... đang mở ra cơ hội làm giàu cho người dân Quang Bình.

Sau những ngày trời mưa như trút nước, cả cánh đồng ngập mênh mông nước, một số nhỏ diện tích lúa Mùa mới cấy bị ảnh hưởng nên bác Chi cùng nhiều hộ dân xã Bằng Lang luôn có mặt trên đồng, kiểm tra, đánh giá độ sinh trưởng, từ đó có phương án chăm sóc phù hợp. Đưa chúng tôi ra cánh đồng sản xuất nông nghiệp hàng hóa rộng cả chục ha, toàn bộ diện tích được cấy giống lúa TBR 225 theo hình thức liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp, bác Chi hồ hởi nói: Cả cuộc đời gắn bó với đồng ruộng, nhưng chưa bao giờ thấy cuộc đời anh “tá điền” lại thảnh thơi như hiện nay. Trước kia, người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, may mắn được mùa thì đủ ăn, chẳng may mưa không thuận, thiên tai, dịch bệnh xảy ra coi như đói. Nhưng nay khác rồi, khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa được người dân áp dụng vào quá trình sản xuất, dịch bệnh được xử lý kịp thời nên năng suất, sản lượng thóc tăng lên, không sợ thiếu ăn.

Cán bộ nông nghiệp huyện và xã Bằng Lang kiểm tra diện tích lúa hàng hóa mới gieo cấy vụ mùa.
Cán bộ nông nghiệp huyện và xã Bằng Lang kiểm tra diện tích lúa hàng hóa mới gieo cấy vụ mùa.

Nhìn những diện tích lúa Mùa cấy đúng khung thời vụ, đang thì con gái, lá xanh mơn mởn, hứa hẹn một mùa no ấm, bác Chi cho biết, gia đình có trên 400 m2 đất cấy lúa 2 vụ. Nhiều năm trước, chủ yếu gieo cấy các giống lúa cao sản như Shan ưu, Nhị ưu... năng suất cao, nhưng chất lượng gạo không ngon, nên bán không được giá. Hiện nay, toàn bộ diện tích được cấy giống lúa chất lượng cao TBR 225 theo hình thức liên kết, huyện hỗ trợ giống gieo mạ khay, doanh nghiệp đầu tư phân bón và bao tiêu sản phẩm. Việc thực hiện cơ giới hóa đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người nông dân giảm được 50% chi phí trên cùng đơn vị sản xuất, thời gian làm đồng cũng giảm được 1/3.

Tiếp câu chuyện với người nông dân trên cánh đồng lúa hàng hóa, anh Hoàng Văn Thụ, cán bộ nông nghiệp xã Bằng Lang cho biết: Bằng Lang có nhiều lợi thế sản xuất nông nghiệp 2 vụ, trong đó diện tích gieo cấy lúa Xuân 256 ha, vụ Mùa 438 ha. Từ vụ sản xuất 2017, người dân gieo cấy được trên 30 ha lúa Xuân hàng hóa với giống TBR 225, vụ Mùa gieo cấy trên 40 ha, toàn bộ diện tích lúa hàng hóa thực hiện theo hình thức gieo mạ khay, có sự hỗ trợ của máy cấy. Nhằm phát triển sản xuất lúa hàng hóa, Bằng Lang được huyện hỗ trợ 1 máy gieo mạ, 3.400 khay để thành lập tổ dịch vụ chuyên sản xuất mạ khay. Sau một thời gian hoạt động, các tổ viên đóng góp, mua thêm trên 1 vạn khay, đảm bảo cung cấp đủ mạ chất lượng cao cho người dân trong xã và các lân cận với giá 7 nghìn đồng/khay.

Cùng chúng tôi đi thực tế trên những cánh đồng lúa hàng hóa, có sự liên kết với doanh nghiệp được triển khai tại các xã Bằng Lang, Xuân Giang, Vĩ Thượng, Yên Thành... đại diện lãnh đạo Phòng NN-PTNT Quang Bình cho biết: Vụ Xuân vừa qua, bà con gieo cấy được trên 100 ha lúa hàng hóa tại 15 cánh đồng, 15 tổ sản xuất, 593 hộ tham gia, cơ cấu giống lai 3 dòng HKT99, năng suất bình quân 60 tạ/ha, sản lượng trên 600 tấn. Trong vụ Mùa này, trên cơ sở quy hoạch diện tích sản xuất lúa hàng hóa của các xã, huyện tiến hành xác minh, lựa chọn được 17 cánh đồng, diện tích thực hiện 150 ha, 773 hộ thuộc 5 xã Bằng Lang, Yên Thành, Xuân Giang, Tiên Yên và Vĩ Thượng tham gia. Trạm Khuyến nông huyện đã hợp đồng, cung ứng 8.571kg giống lúa TBR225 cho các xã, các tổ gieo mạ khay của 5 xã vùng lúa hàng hóa đã sản xuất được 32,8 nghìn khay mạ, tương đương cấy được 152 ha lúa, trong đó có 15,5 ha cấy bằng máy, hiện tại, diện tích lúa hàng hóa đang sinh trưởng, phát triển tốt.

Vụ Xuân 2017 thu hoạch xong, lúa vừa khô, Công ty TNHH MTV Tin học và Xây dựng Quang Anh (Công ty Quang Anh) - doanh nghiệp liên kết sản xuất, thu mua, bao tiêu sản phẩm lúa hàng hóa với người nông dân đã cử cán bộ đến các tổ sản xuất, thu mua theo hợp đồng ký kết. Anh Phan Văn An, cán bộ phụ trách thu mua thóc của Công ty Quang Anh cho biết, sản lượng thu mua đến thời điểm hiện tại đạt gần hai chục tấn, doanh nghiệp đang tích cực thu mua, tập kết về kho, sản xuất gạo mang thương hiệu và nguồn gốc xuất xứ Quang Bình. Cùng với việc thu mua thóc, vụ Mùa này, Công ty Quang Anh đang phối hợp chặt chẽ với Trạm Khuyến nông huyện, tổ chức cung ứng phân bón, giúp người dân canh tác tốt trên diện tích lúa hàng hóa.

Công ty Quang Anh chuyên kinh doanh, chế biến các sản phẩm nông, lâm sản; mua bán thiết bị máy tính, máy văn phòng, thiết bị điện tử, lắp đặt thiết bị điện lạnh, điều hòa; xây dựng các công trình dân dụng, giao thông, thủy lợi... Thực hiện chủ trương, định hướng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh, Công ty đã mạnh dạn huy động nguồn lực xây dựng 3.500 m2 nhà xưởng chế biến lúa gạo, lắp đặt dây chuyền xay xát thóc gạo 20 tấn/ngày, hệ thống sân phơi 1.000m2… Cuối năm 2016, Công ty Quang Anh ký hợp đồng đối tác công tư với Ban điều phối Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP), thực hiện tiểu dự án: Đầu tư, hoàn thiện cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh gạo chất lượng cao. Dự án được thực hiện trên địa bàn 9 xã của huyện Quang Bình, tổng vốn đầu tư trên 4 tỷ đồng, trong đó vốn Chương trình CPRP hỗ trợ trên 1,6 tỷ đồng, vốn Công ty Quang Anh trên 2,4 tỷ đồng.

Giám đốc Công ty Quang Anh, Phạm Xuân Hiền cho biết, từ nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình CPRP, doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng mới nhà máy xay, xát chế biến gạo với kho lúa có sức chứa 500 tấn, hệ thống sấy tuần hoàn 20 tấn/ngày, dây chuyền xay xát, bóc vỏ và lau bóng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, năng suất 2 tấn/giờ. Nhà máy đi vào hoạt động đã góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch cho bà con, tạo giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị lúa gạo, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định với tổng diện tích 600 ha.

Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình, Phùng Viết Vinh khẳng định, nền nông nghiệp trên địa bàn huyện đang chuyển mạnh từ thời kỳ “ăn no mặc ấm” sang “ăn ngon mặc đẹp”. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa được huyện chú trọng với một loạt cơ chế, chính sách mang tính kích cầu về sản xuất lúa chất lượng cao gắn với thu mua, chế biến nông sản đã đi vào cuộc sống. Trên cơ sở đó, huyện đã và đang thu hút được một số doanh nghiệp trong, ngoài địa bàn thành lập chi nhánh, bổ sung ngành nghề hoạt động như cung cấp máy nông cụ, xây dựng vùng sản xuất lúa giống chất lượng cao, thu mua, bao tiêu sản phẩm... Sự kết hợp chặt chẽ giữa người nông dân, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp, đang mở ra hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa bền vững trên địa bàn huyện.

Thiên Thanh


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Lễ phát động Chương trình Thanh niên xây dựng đường bê- tông nông thôn

BHG- Nhằm thiết thực chào mừng Đại hội Đoàn các cấp, tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017-2022; sáng 30.8, tại UBND xã Phú Linh (Vị Xuyên), Khối Đoàn Cụm thi đua số 4 trực thuộc Tỉnh Đoàn 

30/08/2017
Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Việt Nam khai trương Văn phòng kinh doanh tại Hà Giang

BHG- Ngày 29.8, tại tầng 2, tòa nhà Viettel Hà Giang, 218B Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang, Công ty Bảo hiểm nhân thọ (BHNT) Dai-ichi Việt Nam đã tổ chức khai trương Văn phòng kinh doanh tại Hà Giang. 

30/08/2017
Bà con Phố Trồ tăng thu nhập từ rau trái vụ

BHG- Phố Trồ là thôn Trung tâm của thị trấn Phó Bảng (Đồng Văn) và là thôn có điều kiện khí hậu, thời tiết mát mẻ thuận lợi cho việc trồng những loại rau ưa lạnh. Tuy nhiên, trước đây, người dân trong thôn chỉ biết đến cây ngô là cây trồng chính; đây là vụ đầu tiên người dân Phố Trồ mạnh dạn chuyển đổi cây ngô sang trồng rau bắp cải trái vụ và đã mang lại thu nhập cao.

30/08/2017
Thị trấn Việt Quang tập trung phát triển tiểu thủ công nghiệp và thúc đẩy thương mại – dịch vụ

BHG- Trong 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu từ sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN) của thị trấn Việt Quang (Bắc Quang) ước đạt gần 79 tỷ đồng. Tổng doanh thu từ thương mại, dịch vụ ước đạt trên 179 tỷ đồng. Mục tiêu của thị trấn là tập trung phát triển sản xuất TTCN và thương mại,dịch vụ để trở thành "đầu tàu" kéo theo mọi sự phát triển KT-XH của huyện Bắc Quang.

30/08/2017