Các nhóm đồng sở thích thuộc Chương trình CPRP hoạt động tương đối hiệu quả
BHG- Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) được triển khai trên địa bàn 30 xã, thuộc 5 huyện: Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, Hoàng Su Phì, Xín Mần với tổng nguồn vốn 33,712 triệu USD. Mục tiêu của CPRP nhằm nâng cao thu nhập, giảm mức độ dễ bị tổn thương cho hộ nghèo nông thôn; đẩy mạnh hợp tác giữa các doanh nghiệp tư nhân, HTX, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, hộ sản xuất nông nghiệp trên tinh thần hợp tác có lợi và bền vững trong môi trường nông thôn mới theo định hướng thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu.
Đối tượng tham gia chương trình gồm các hộ nông thôn nghèo có đất đai và lao động, người dân nông thôn thiếu kỹ năng sản xuất, thiếu đất sản xuất nhưng có mong muốn, khả năng kinh doanh, các nông dân chủ chốt có kỹ năng thúc đẩy sản xuất theo hướng thương mại. Ngoài ra, các đối tượng khác cũng được hưởng lợi từ chương trình bao gồm doanh nghiệp nông nhiệp tư nhân, hộ nông dân hoạt động trong chuỗi giá trị có cùng lợi ích phát triển các sản phẩm và dịch vụ bền vững phù hợp với người nghèo. Chương trình CPRP được triển khai với 3 hợp phần như xây dựng năng lực phát triển định hướng thị trường; đầu tư phát triển hàng hóa phù hợp với người nghèo và hợp phần điều phối.
Năm 2017, kế hoạch hoạt động ngân sách của Chương trình CPRP được UBND tỉnh phê duyệt trên 187 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn IFAD trên 116,4 tỷ đồng, nguồn Chính phủ Việt Nam gần 38 tỷ đồng, gồm vốn Chương trình Xây dựng Nông thôn mới và các nguồn vốn khác trên địa bàn huyện, xã lồng ghép đầu tư các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng trên 19 tỷ đồng, người dân hưởng lợi đóng góp gần 33 tỷ đồng. Trong các tiểu hợp phần của chương trình, hoạt động đồng tài trợ cạnh tranh cho nhóm đồng sở thích (CIG) sau một thời gian triển khai đã phát huy hiệu quả thực sự. Đến nay, tại các xã vùng triển khai chương trình đã thành lập được 393 nhóm CIG với 4.851 thành viên; 107 nhóm được Chương trình CPRP phê duyệt đề xuất, 86 nhóm đã ký hợp đồng tài trợ, 82 nhóm đã được giải ngân cấp vốn tài trợ với tổng số tiền trên 7,8 tỷ đồng.
Qua theo dõi cho thấy, sau khi nhận tài trợ, các nhóm CIG đã triển khai thực hiện mục tiêu phát triển sản xuất, kinh doanh như mua cây, con giống, làm chuồng trại, xây dựng cơ sở sơ chế biến nông sản... Một số nhóm chăn nuôi dê tại Hoàng Su Phì, Quang Bình đã có sản phẩm bán ra thị trường. Nhìn chung, các nhóm CIG hoạt động tương đối hiệu quả, cơ bản thực hiện đúng phương án sản xuất phê duyệt, phần lớn nguồn vốn tài trợ của Chương trình CPRP đã thực hiện theo hình thức quay vòng. Tuy nhiên, việc triển khai hoạt động của nhóm CIG bước đầu cũng gặp khó khăn do đa số thành viên thuộc hộ nghèo nên khó huy động đối ứng bằng tiền mặt; một số nhóm không tự xây dựng được đề xuất tài trợ nên phải nhờ sự hỗ trợ của cán bộ CPRP huyện, xã; các sản phẩm của nhóm chủ yếu bán ở dạng tươi, thô, phân phối nhỏ, lẻ, chưa có sự liên kết chặt chẽ với cơ sở chế biến hoặc nguồn tiêu thụ ổn định.
Khắc phục tình trạng này, Ban Điều phối Chương trình CPRP đang định hướng tổ hỗ trợ các huyện, Ban quản lý các xã hỗ trợ nhóm CIG phát triển mạnh sản phẩm, đưa đi tiêu thụ tại Trung tâm Giới thiệu và bán sản phẩm nông sản của tỉnh đặt tại thành phố Hà Giang. Việc đưa sản phẩm ra trung tâm sẽ phát huy hiệu quả cao, bởi lẽ từ đầu năm đến nay, trung tâm đã giới thiệu, tiêu thụ được 1.800 kg chè, 2.100 lít mật ong, 450 kg dược liệu, 300kg miến dong, 150 kg gạo đóng túi. Tuy nhiên, việc kinh doanh một số sản phẩm tươi thuộc nhóm CIG như thịt bò, thịt lợn, rau quả... chưa thực hiện được do việc liên kết tiêu thụ giữa hai bên còn hạn chế, thiếu hệ thống bảo quản lạnh.
Thiên Thanh
Ý kiến bạn đọc