Bắc Mê đẩy mạnh phát triển trâu, bò hàng hóa tập trung theo vùng
BHG - Những năm qua, huyện Bắc Mê đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa tập trung; khuyến khích bà con phát triển các mô hình chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại. Từ chăn nuôi nhỏ lẻ, nay người dân đã biết đầu tư chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại, có đầu tư lớn và ứng dụng kỹ thuật chuyên sâu, rút ngắn chu kỳ sản xuất.
Được biết đến là một trong những hộ tiêu biểu trong phong trào phát triển đàn gia súc trên địa bàn xã, những năm gần đây, gia đình anh Bế Văn Bằng, thôn Nà Sài, xã Minh Ngọc đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mở rộng chuồng trại. Hiện, gia đình anh có 13 con trâu, 25 con lợn và trồng chuối; sau khi trừ chi phí gia đình anh thu nhập trung bình từ 80 triệu đồng/năm. Đây là điều đáng mơ ước của nhiều hộ dân ở thôn cũng như trên địa bàn xã Minh Ngọc, từ một hộ có đời sống khó khăn, đến nay, gia đình anh đã có cuộc sống ổn định. Anh Bằng cho biết: “Được lãnh đạo xã tuyên truyền về việc huyện hỗ trợ kinh phí, nếu chăn nuôi trâu, bò từ 20 con trở lên; vì vậy, gia đình tôi đã quyết tâm đầu tư xây dựng chuồng trại, mở rộng diện tích trồng cỏ, đảm bảo cho đàn trâu phát triển ổn định”. Không chỉ gia đình anh Bằng, xã Minh Ngọc còn có nhiều hộ thu nhập cao từ chăn nuôi. Đến nay, tổng đàn trâu, bò toàn xã có trên 1.600 con; đàn lợn 1.800 con và đàn gia cầm trên 11.000 con.
Mô hình gia trại chăn nuôi trâu của gia đình anh Bế Văn Bằng, thôn Nà Sài, xã Minh Ngọc được huyện Bắc Mê kích cầu với mức hỗ trợ là 100 triệu đồng. |
Những năm qua, huyện Bắc Mê đã có nhiều chính sách tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển đà gia súc, tập trung thực hiện các chương trình cải tạo nâng cao tầm vóc đàn trâu, bò. Cùng với việc vận động người dân mở rộng quy mô chăn nuôi, cán bộ của huyện, xã cũng đã tăng cường nhiều biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động đầu tư con giống; trang bị kiến thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tích lũy các phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu, bò; làm chuồng trại kiên cố, đưa gia súc về nuôi nhốt tập trung, tạo thế phát triển bền vững trong chăn nuôi. Hiện nay, tổng đàn gia súc của huyện là trên 85 nghìn con; trong đó, đàn trâu có trên 19 nghìn con; đàn bò trên 7 nghìn con; đàn lợn trên 38 nghìn con và đàn dê trên 20 nghìn con. Để từng bước nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi, huyện đã thực hiện nhiều chương trình, mô hình chăn nuôi tới các xã, thị trấn trên địa bàn như: Nhân rộng mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản, hỗ trợ kinh phí cho các hộ chăn nuôi từ 10 con trâu, bò để làm chuồng trại...
Trao đổi với chúng tôi, bà Củng Thị Mẩy, Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê cho biết: Để phát triển chăn nuôi hiệu quả và bền vững, UBND huyện đã có những chính sách khuyến khích nhân dân hình thành các gia trại, trang trại chăn nuôi; từ đầu năm 2017 đến nay, huyện đã có thêm 9 gia trại. Cùng với đó, huyện đã có định hướng cho các xã về phát triển nông nghiệp giai đoạn 2017 – 2020; trong đó, phải hình thành được các HTX sản xuất nông-lâm nghiệp; phấn đấu mỗi xã phải có trên 10 hộ nuôi và phát triển được 20 con trâu, bò trở lên. Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các vùng chăn nuôi theo quy hoạch. Vận động, khuyến khích các hộ nông dân thuê đất làm trang trại tập trung. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi, nhất là các cơ sở chăn nuôi lớn nhất thiết phải có hầm bi-ô-ga và các biện pháp kỹ thuật khác bảo đảm môi trường. Phấn đấu tăng tổng đàn gia súc, gia cầm và hình thành một số trang trại kiểu mẫu về hiệu quả sản xuất, đạt tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường.
Thành công bước đầu từ những mô hình gia trại chăn nuôi theo hướng hàng hóa tại cơ sở sẽ tạo hướng đi mới giúp bà con nông dân ở huyện Bắc Mê từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng.
Bài, ảnh: Văn Quân
Ý kiến bạn đọc