Thực hiện Nghị quyết 209 ở Quản Bạ
BHG- Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh, toàn huyện Quản Bạ có 2.192 hộ đăng ký vay vốn, đã giải ngân 26.198,204 triệu đồng. Những đồng vốn vay ưu đãi giúp nông dân mua thêm con giống, mở rộng chuồng trại, quy mô sản xuất đi vào chiều sâu.
Khu chuồng trại chăn nuôi bò của anh Lò Xín Quân ở xã Quyết Tiến. |
Nhắc đến Nghị quyết 209, nhân dân ở các xã, thị trấn đều phấn khởi vì đây là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất có hiệu quả nhất hiện nay. Đó là nguồn lực hỗ trợ giúp hàng trăm hộ dân mở rộng quy mô sản xuất, vượt qua thời kỳ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, muốn làm nhưng “lực bất tòng tâm”. Trong đó, tiêu biểu có những hộ vay 1 – 2 tỷ đồng để mở rộng quy mô gia trại lên đến 60 con bò như hộ ông Lò Xín Quân, Đặng Đức Thành ở xã Quyết Tiến. Hay 3 hộ phát triển dược liệu ở xã Quyết Tiến và thị trấn Tam Sơn vay vốn 875 triệu đồng, để gieo trồng 17,5 ha dược liệu các loại như: Atiso, Đương Quy, Đan Sâm. HTX Nặm Đăm ở xã Quản Bạ được vay vốn để xây dựng 1 nhà xưởng, mua máy móc. Giám đốc HTX, Lý Tà Dèn cho biết, HTX đã đưa vào sơ chế, bảo quản và sản xuất được 2 tấn Atiso; 5 tạ trà hoa gạo; 1 tấn đương quy khô và 3 mẻ trà gừng.
Không khí tăng gia sản xuất, chăn nuôi sôi nổi khắp nơi trên địa bàn huyện trong thời gian qua. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tam Sơn, Viên Tiến Hưng cho biết: “Thị trấn có 44 hộ đăng ký vay vốn, trong đó có 33 hộ được giải ngân với tổng số tiền là 2.580 triệu đồng. Do đặc thù đất ở thị trấn hạn hẹp nên quy mô các hộ đều nuôi từ khoảng 10 con trâu, bò. Có được nguồn vốn vay ưu đãi này bà con rất vui mừng, tìm cách đáp ứng các điều kiện để vay vốn như tu sửa chuồng trại, trả hết nợ trước”. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân của ngân hàng còn chậm do số lượng cán bộ ngân hàng ít, quá trình thẩm định kéo dài. Một số hộ dân chưa có sổ đỏ để tín chấp hoặc giấy tờ không đầy đủ cũng là nguyên nhân dẫn đến chậm trễ. Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Phạm Ngọc Pha cho biết: “Nghị quyết đã giúp thay đổi nhận thức của người dân. Đến nay, huyện có 2.192 hộ đăng ký vay vốn, trong đó có 340 hộ được cho vay với tổng số tiền 26.198,204 triệu đồng. Nhân dân các xã, thị trấn đã mua 798 con trâu, bò; nuôi 570 tổ ong. Đối với xây dựng chuồng trại, có 52 hộ được vay vốn xây dựng 1.082 m2 chuồng trại, với tổng số tiền là 3.824 triệu đồng. Ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay vốn tại Ngân hàng Agribank là 393 triệu đồng. Thực hiện cho vay theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh, UBND huyện đã thành lập Tổ tư vấn hỗ trợ triển khai Nghị quyết; chỉ đạo các ngành thành viên tổ tư vấn của huyện, UBND các xã, thị trấn thẩm định, giải ngân cho các hộ đủ điều kiện vay vốn. Chỉ đạo quản ly, kiểm tra các hộ được giải ngân về sử dụng nguồn vốn vay theo quy định để thực hiện chính sách đảm bảo chắc chắn, hiệu quả và bền vững... Huyện cũng thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chính sách, tổ chức hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng để tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện.
Nguồn vốn 209 còn là “đòn bẩy” cho phong trào khởi nghiệp ở huyện, hiện nay số đoàn viên, thanh niên vay vốn từ Nghị quyết là 98 người, với tổng số tiền là 6.951 triệu đồng. Trong đó, có các HTX tiêu biểu do đoàn viên, thanh niên làm Giám đốc gồm: HTX Cộng đồng Nặm Đăm, HTX Dược liệu Bình Dương, HTX Đồng Nhất đang hoạt động tốt. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn gặp phải một số vướng mắc như việc giải ngân chậm do cán bộ ngân hàng ít người; các hộ dân chưa chủ động trong việc nộp các thủ tục hồ sơ để Ngân hàng hoàn thiện thủ tục giải ngân. Hơn nữa các hộ vay trên 100 triệu đồng phải có tài sản thế chấp và đánh giá tài sản theo giá trị thị trường, nhưng có một số hộ không có tài sản có giá trị. Một hạn chế nữa là các hộ vay chăn nuôi trang trại với quy mô lớn chưa có chính sách bảo hiểm nên dễ gặp rủi ro. Đối với phát triển rau hoa công nghệ cao, do kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạng tầng lớn nên người dân không có vốn đối ứng để làm. Những vấn đề trên rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương và nâng cao nhận thức của người dân hơn nữa.
Lê Hải
Ý kiến bạn đọc