"Sinh khí" mới cho nông nghiệp vươn xa
BHG - Không thể cạnh tranh được với các tỉnh miền xuôi về sản lượng, giá thành các sản phẩm nông nghiệp vì chi phí cao và điều kiện sản xuất khó khăn, nhưng để phát triển nông nghiệp bền vững trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của thị trường nông sản hiện nay, Hà Giang đã chọn cho mình hướng đi riêng: Tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp “Sạch” gắn với thương hiệu dựa trên tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Công nhân Công ty TNHH Côn Hà chăm sóc rau được sản xuất theo quy trình công nghệ cao. |
Năm 2017, năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 – 2020, ngành Nông nghiệp tiếp tục thực hiện 2 chương trình trọng tâm lớn của tỉnh là Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới và chương trình phát triển cây dược liệu gắn với xóa đói, giảm nghèo. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương vào cuộc quyết liệt, triển khai tốt các giải pháp khuyến khích phát triển nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, tích cực chuyển hướng sản xuất từ chiều rộng sang chiều sâu, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, mục tiêu là nâng cao giá trị thu hoạch/ha diện tích cây trồng hàng năm, nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Các địa phương chủ động triển khai sản xuất đúng khung thời vụ, bố trí giống cây trồng có năng suất, chất lượng; đẩy mạnh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; vận dụng linh hoạt, hiệu quả Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh về khuyết khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Toàn tỉnh hiện có trên 1.390 ha cam, trên 1.580 ha chè và hàng nghìn ha rau được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; 1.720 ha chè được cấp chứng nhận vùng sản xuất chè chất lượng hữu cơ; trồng mới trên 887 ha cây dược liệu, phát triển trên 28.400 đàn ong. Đặc biệt, nhiều mô hình có sự liên kết giữa doanh nghiệp và người dân đang mang lại hiệu quả, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp như: Mô hình sản xuất liên kết phát triển trồng dứa huyện Bắc Quang, Vị Xuyên; liên kết trồng mía huyện Vị Xuyên; sản xuất mạ khay, áp dụng máy cấy ở huyện Quang Bình; sản xuất lúa chất lượng cao gắn với cơ sở chế biến tại Quang Bình; dồn điền, đổi thửa tại Bắc Quang, Quang Bình...
Trao đổi về đầu tư phát triển nông nghiệp “Sạch”, anh Trương Anh Minh, Giám đốc Công ty TNHH Côn Hà cho biết: “Công ty TNHH Côn Hà đầu tư vào sản xuất các loại rau theo công nghệ cao, hướng đến sản xuất rau hữu cơ tại thôn Tiến Thắng, xã Phương Thiện, TP Hà Giang. Ở đây, người dân cần cù, chịu khó, điều kiện tự nhiên, khí hậu rất phù hợp để trồng các loại rau ăn lá ngắn ngày. Đi vào hoạt động từ cuối năm 2016, với diện tích trên 3 ha, đến nay công ty đã cho thu hoạch nhiều đợt rau với sản lượng trên 10 tấn; thị trường chủ yếu là TP Hà Giang và Hà Nội. Rau của Công ty Côn Hà có giá bán cao hơn một chút so với giá thị trường vì phải chi phí nhiều hơn cho vận chuyển và sản xuất đảm bảo nghiêm ngặt theo trình sản xuất công nghệ cao, nhưng người tiêu dùng rất yên tâm và tin tưởng. Khi xây dựng được thương hiệu sản phẩm nông nghiệp “Sạch”, tôi tin người tiêu dùng sẽ không quay lưng”.
Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp thực sự mang lại một luồng “Sinh khí” mới cho nông nghiệp tỉnh nhà khi cơ giới hóa trong sản xuất được đẩy mạnh ở tất cả các khâu từ làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến; các sản phẩm nông nghiệp chủ lực được đầu tư, chú trọng nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý như: Mật ong Bạc hà, Cam sành Hà Giang, chè Shan tuyết; chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn được nâng cao; xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp có thế mạnh; thành lập nhiều HTX kiểu mới và chuyển đổi mô hình HTX theo luật HTX năm 2012; duy trì hoạt động của trên 1.250 tổ hợp tác để tổ chức lại sản xuất cho nông dân.
Với mục tiêu lấy giá trị gia tăng và thu nhập cho người dân làm đích đến, ngành Nông nghiệp tỉnh nhà đang từng bước tạo đột phá để phát triển ổn định và bền vững. Nhưng để người tiêu dùng không quay lưng và sản phẩm nông nghiệp không rơi vào tình trạng chờ “giải cứu” với điệp khúc “được mùa, mất giá”, bị tư thương ép giá, hay chịu ảnh hưởng nặng nề của thời tiết, thiết nghĩ ngành chức năng và các địa phương cần có giải pháp thiết thực, hiệu quả; kêu gọi và thu hút đầu tư để phát triển chuỗi giá trị bền vững. “Bài toán” về thị trường không thể để người sản xuất tự loay hoay tìm lời giải.
Bài, ảnh: AN GIANG
Ý kiến bạn đọc