Quỹ tiết kiệm và vay vốn ở xã Nấm Dẩn - mô hình cần nhân rộng

08:22, 13/07/2017

BHG - Để giúp bà con miền núi tiết kiệm tiền, lập kế hoạch chi tiêu trong gia đình hợp lý; mô hình “Quỹ vay vốn và tiết kiệm thôn, bản” (TK&VVTB) do tổ chức Plan tài trợ được triển khai thực hiện ở xã Nấm Dẩn (Xín Mần) từ năm 2014, đã đem lại hiệu quả đáng kể với đời sống còn nhiều khó khăn của bà con nơi đây.

Mô hình Quỹ TK&VVTB do tổ chức Quốc tế Plan tài trợ đã được triển khai tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện Xín Mần, trong đó mô hình ở xã Nấm Dẩn được đánh giá là thực hiện có hiệu quả. Đây là phương thức phát triển dựa vào cộng đồng, trong đó phụ nữ là những người tham gia tích cực. Khuyến khích sự tham gia của hộ nghèo nói riêng và cộng đồng nói chung, xây dựng khả năng tài chính, sử dụng vốn tiết kiệm để tạo nên quỹ cho vay và quỹ xã hội để hỗ trợ những trường hợp khó khăn; là cách quản lý có ý nghĩa về nhiều mặt, sáng tạo, phù hợp với thực tế, có khả năng nhân rộng.

 “Nhóm tiết kiệm và vay vốn thôn, bản” thôn Nấm Lu, xã Nấm Dẩn họp nhóm.   Ảnh: CTV
“Nhóm tiết kiệm và vay vốn thôn, bản” thôn Nấm Lu, xã Nấm Dẩn họp nhóm. Ảnh: CTV

Theo đó, số tiền tiết kiệm không giới hạn, tùy quy định mỗi nhóm của từng nơi thực hiện sẽ khác nhau. Với xã Nấm Dẩn, mỗi thành viên nộp ít nhất từ 30.000 đồng tương đương 1 con dấu. Tối đa một tháng, các thành viên có thể đóng 5 con dấu tương đương với 150.000 đồng. Quỹ được hình thành từ việc tiết kiệm tiền chi tiêu hàng tháng của gia đình. Tùy vào điều kiện của từng thành viên trong nhóm mà đóng nộp theo các mức từ: 30.000, 60.000, 90.000, 120.000 hay 150.000 đồng mỗi tháng. Hòm sắt nhỏ của nhóm có 3 ổ khóa, có 5 thành viên quản lý. Trưởng nhóm là người có uy tín, tạo được sự tin tưởng do bà con bình bầu; có Thư ký và thêm 1 thành viên được tín nhiệm giữ hòm khóa và 3 thành viên khác cầm 3 chìa khóa. Mỗi tháng nhóm lại tổ chức sinh hoạt một lần. Hòm khóa tiết kiệm chỉ được mở khi có cả 3 chìa và trước sự chứng kiến của các thành viên để tránh thất thoát, đảm bảo các giao dịch của nhóm sẽ chỉ được tiến hành trong cuộc họp nhóm, không phải cá nhân nào cũng mở được. Mỗi nhóm có khoảng 25 thành viên, trong đó có cả hộ nghèo, cận nghèo, trung bình và hộ khá tham gia. Nhóm được tổ chức Plan cử cán bộ tập huấn chương trình, được đầu tư cho một số đồ dùng vật chất như: Hòm sắt nhỏ có 3 ổ khóa, ấm chén, sổ sách,... những thứ cần thiết cho một buổi sinh hoạt. Mô hình Nhóm TK&VVTB xã Nấm Dẩn ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Từ năm 2014, nhóm hình thành ở thôn Nấm Lu và 2 nhóm ở thôn Ngăm La. Năm 2016, xã xây dựng thêm 3 nhóm ở các thôn Lủng Cháng, thôn Nhè và Nấm Chanh. Cả 6 nhóm của xã Nấm Dẩn đã và đang hoạt động hiệu quả. Đến thời điểm hiện tại, số dư quỹ của mỗi nhóm đều hơn 10 triệu đồng.

Anh Cháng Văn Sướng, Trưởng nhóm TK&VV TB thôn Nấm Lu cho biết: “Từ nguồn quỹ do các thành viên tiết kiệm, vốn sẽ được quay vòng cho người có hoàn cảnh khó khăn để vay vốn phát triển kinh tế. Vốn vay được tính với lãi suất 0,3%. Các thành viên được vay dễ dàng vì không cần hồ sơ, thủ tục và chờ lâu như Ngân hàng. Ai gặp khó khăn thì đều có thể được nhóm trưởng và thư ký giải quyết cho vay”.

Việc góp số tiền tiết kiệm được công khai trước tất cả các thành viên nên bà con đều rất vui vẻ, phấn khởi và nhiệt tình tham gia. Anh Lù Văn Nghiêm, thành viên nhóm thôn Nấm Lu cho biết: “Năm 2016, tôi được vay của nhóm 1 triệu đồng để mua 1 con dê, giờ dê đã đẻ được 3 con rồi. Số tiền bán dê lớn đi, tôi có thể trả số vốn ban đầu và tiếp tục phát triển kinh tế”. Hiệu quả xã hội rõ ràng của Nhóm TK&VVTB là thành viên sẽ được nâng cao kiến thức về quản lý tài chính hộ gia đình, có thói quen tiết kiệm, đồng thời giúp cho người nghèo có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn dễ dàng để phát triển kinh tế nhằm cải thiện đời sống của mình.

Anh Cháng Văn Kinh, Chủ tịch UBND xã Nấm Dẩn cho biết: “Mục đích của Nhóm TK&VV TB trước hết là giúp người dân học tính tiết kiệm, thứ hai là bà con có thể vay các khoản tiền nhỏ ở đây. Nguồn vốn vay tuy nhỏ nhưng được đưa đến đúng địa chỉ, đúng đối tượng nên phát huy được hiệu quả. Người dân tự tiết kiệm cho nhau, cùng nhau phát triển kinh tế, góp phần vào công tác giảm nghèo ở địa phương một cách làm sáng tạo và hiệu quả”.

MỸ HẰNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bắc Quang sau hơn 4 năm thi hành Luật Hợp tác xã

BHG - Sau hơn 4 năm thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) 2012, trên địa bàn huyện Bắc Quang đã có sự phân hóa rõ ràng: Số HTX vận động tích cực theo "dòng chảy" của Luật tiếp tục sản xuất, kinh doanh (SXKD) hiệu quả. 

13/07/2017
Nguồn vốn Nghị quyết 209 giúp người dân Quang Bình vươn lên làm giàu

BHG - Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Quang Bình đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, phát triển thâm canh chè, cam, chăn nuôi trâu, bò hàng hóa... 

13/07/2017
Phát triển các mô hình "Thanh niên khởi nghiệp" ở Hoàng Su Phì

BHG - Những năm gần đây, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ, trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đã và đang xuất hiện nhiều mô hình đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) làm kinh tế giỏi, góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập và thúc đẩy sự phát triển KT-XH tại địa phương.

12/07/2017
Hợp tác xã kiểu mới - Tiếp sức cho Thanh niên Khởi nghiệp

BHG - Trên cơ sở hỗ trợ và thúc đẩy hình thành các HTX kiểu mới, nhằm phát huy sức mạnh của các hộ cá thể, các hộ kinh tế tư nhân cùng liên kết với nhau phát triển sản xuất trên địa bàn huyện. 

12/07/2017