Quản Bạ sơ kết chương trình phát triển cây dược liệu từ năm 2012 – 2017
BHG- Sáng 5.7, tại Hội trường UBND huyện Quản Bạ, UBND huyện Quản Bạ tổ chức Hội nghị sơ kết chương trình phát triển cây dược liệu giai đoạn từ năm 2012 – 2017. Dự Hội nghị có đồng chí Hoàng Đình Phới, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Quản Bạ, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh; lãnh đạo Sở Y tế; lãnh đạo các xã, thị trấn cùng đại diện một số Công ty, Hợp tác xã (HTX), hộ trồng dược liệu trên địa bàn huyện.
Toàn cảnh Hội nghị sơ kết chương trình phát triển cây dược liệu giai đoạn từ năm 2012 – 2017. |
Năm 2012, tổng diện tích cây dược liệu của các doanh nghiệp, HTX, Tổ hợp tác và nhân dân các xã, thị trấn trên huyện Quản Bạ là 2.245 ha; năm 2013 là 2.436 ha; năm 2014 là 2.532,5 ha; năm 2015 là 2665.82 ha; năm 2016 là 2.486 ha; 6 tháng đầu năm 2017 huyện đã trồng mới được 212,8/350 ha, đạt 60,8 % kế hoạch. Cùng với sản xuất, các doanh nghiệp, HTX như: Công ty Cổ phần TM PTNLN Bình Minh 3, HTX Cộng đồng Nặm Đăm, HTX du lịch Nà Chang, HTX PTDL Thanh Long, HTX Tùng Vài cũng đầu tư xây dựng hệ thống nhà xưởng và mua sắm máy móc, thiết bị, nhà sơ chế để chế biến các sản phẩm dược liệu tương đối hoàn chỉnh và bước đầu đã có sản phẩm bán ra thị trường. Với nguồn vốn T.Ư, huyện đã lập hồ sơ hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ được trên 2,7 tỷ đồng; thực hiện Nghị quyết 47 của HĐND tỉnh, huyện đã hỗ trợ 150 triệu đồng cho 5 HTX phát triển dược liệu, thực hiện Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh, đã có 2 hộ dân vay trồng dược liệu và HTX Cộng đồng Nặm Đăm vay xây dựng nhà xưởng với tổng số tiền giải ngân 1,1 tỷ đồng. Diện tích các loại cây dược liệu ngày càng tăng và tạo việc làm, thu nhập cho trên 2.000 hộ với hơn 5.000 lao động. Bước đầu hình thành mối liên kết 4 nhà trong phát triển dược liệu...
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về những khó khăn trong việc phát triển dược liệu như: Về cơ sở vật chất, kinh phí, giống, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Điều kiện thời tiết diễn biến thất thường, một số loại dược liệu đầu ra chưa ổn định. Nhận thức một bộ phận người dân còn hạn chế, ỷ lại, chưa tin tưởng vào sự thành công của cây dược liệu... Và bàn về giải pháp phát triển cây dược liệu thời gian tới giai đoạn 2016 – 2020.
MỸ HẰNG
Ý kiến bạn đọc