Nguồn vốn Nghị quyết 209 giúp người dân Quang Bình vươn lên làm giàu

08:20, 13/07/2017

BHG - Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Quang Bình đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, phát triển thâm canh chè, cam, chăn nuôi trâu, bò hàng hóa... Sau một năm thực hiện, huyện Quang Bình có trên 1.000 hộ dân đăng ký vay vốn, với nhu cầu hơn 81,9 tỷ đồng, đã giải ngân 34,9 tỷ đồng.

Vườn cam VietGAP của anh Đào Duy Hạnh (bên trái) ở thôn Xuân Phú (xã Yên Hà) phát triển tốt nhờ nguồn vốn vay theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh.
Vườn cam VietGAP của anh Đào Duy Hạnh (bên trái) ở thôn Xuân Phú (xã Yên Hà) phát triển tốt nhờ nguồn vốn vay theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh.

Đến thăm mô hình trồng cam VietGAP của anh Đào Duy Hạnh ở thôn Xuân Phú, xã Yên Hà; một trong những hộ đầu tiên đăng ký vay vốn ưu đãi theo Nghị quyết 209 tại địa phương. Gia đình anh Hạnh hiện có 7 ha cam, trong đó có 2 ha đăng ký chuẩn VietGap (5 ha cam còn lại mới trồng được 3 năm). Do chăm sóc tốt, sản lượng cam mỗi niên vụ được khoảng 15 tấn, mẫu mã, chất lượng quả đều, giá thu mua tại vườn vào chính vụ khoảng 10.000 - 12.000 đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh Hạnh thu về khoảng 150 triệu đồng. Cuối năm ngoái, anh Hạnh được vay 150 triệu đồng vốn ưu đãi theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh cam Sành VietGAP. Anh Hạnh cho biết: “Được sự hỗ trợ, tư vấn nhiệt tình của cán bộ nông nghiệp huyện, xã; vợ chồng tôi đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay để đầu tư thêm phân bón, các trang thiết bị chăm sóc, thu hái cam để tăng cường chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm cam VietGAP của gia đình”.

Cuối năm 2016, gia đình ông Phàn Thái Anh ở thôn Đồng Tâm, xã Yên Thành được giải ngân 60 triệu đồng, vốn vay theo Nghị quyết 209 để phát triển chăn nuôi trâu sinh sản. Trước đây gia đình ông chỉ nuôi 3 - 4 con trâu lấy sức kéo là chính, sau khi được các cấp, các ngành và cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp&PTNT Quang Bình tuyên truyền, phổ biến những lợi ích khi vay vốn theo Nghị quyết 209 và trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng trại, thủ tục vay vốn; gia đình ông Anh đã mạnh dạn đăng ký vay vốn để mua thêm trâu về nuôi. Ông cho biết: “Trước khi được giải ngân nguồn vốn, với sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp huyện, xã, vợ chồng tôi đã sửa chữa chuồng trại và chuyển đổi hơn 1 ha đất dốc sang trồng cỏ. Đến nay, gia đình đã trồng được 2 ha cỏ, đảm bảo đủ thức ăn cho đàn gia súc. Được Nhà nước hỗ trợ về lãi suất từ nguồn vốn vay, gia đình tôi đã mua thêm trâu giống. Hiện, đàn trâu của gia đình có 7 con, trong đó có 2 con trâu mẹ. Vợ chồng tôi sẽ cố gắng chăm sóc đàn trâu sinh trưởng tốt để nguồn vốn vay phát huy hiệu quả”.

Anh Nguyễn Văn Tám, Chủ tịch UBND xã Yên Thành cho biết: Đến nay, xã Yên Thành có 10 hộ được giải ngân theo Nghị quyết 209 với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Nhu cầu vay vốn của người dân địa phương gần 5 tỷ đồng, hiện nay, nhiều hộ đang chờ thẩm định. Nguồn vốn vay đã giúp cho nhiều hộ dân có điều kiện phát triển kinh tế, chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa. Nhiều gia đình đã mở rộng được quy mô chăn nuôi đàn gia súc từ 5 - 10 con trâu, bò như gia đình ông Phàn Thái Anh, anh Phàn Văn Canh...

Hiện nay, xã đang tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tăng diện tích trồng cỏ tại các vùng canh tác kém hiệu quả, xây dựng chuồng trại theo quy định để người dân được tiếp cận với nguồn vốn vay theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh nhanh chóng, hiệu quả. Trao đổi về việc triển khai giải ngân nguồn vốn vay theo Nghị quyết 209 cho người dân có nhu cầu trong năm 2017, anh Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quang Bình cho biết: Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Quang Bình có gần 400 hộ dân đã được giải ngân vốn vay theo Nghị quyết 209, tổng số tiền lên đến 34,9 tỷ đồng. Hiện, Phòng Nông nghiệp huyện đang tích cực phối hợp với Agribank Quang Bình đẩy mạnh công tác thẩm định cho các hộ đã đăng ký, nhanh chóng giải ngân nguồn vốn kịp thời, nhằm hỗ trợ người dân mở rộng quy mô chăn nuôi, sản xuất kinh doanh.

Qua thực tế cho thấy, nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh thực sự là động lực “chắp cánh” cho ý chí, khát vọng làm giàu chính đáng của người dân Quang Bình. Nguồn vốn này đã góp phần giúp người dân đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, chăn nuôi; từng bước mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Có thể khẳng định, lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện Quang Bình đang ngày một khởi sắc, cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao; góp phần vào mục tiêu phát triển KT - XH của toàn huyện.

YẾN VŨ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bắc Quang sau hơn 4 năm thi hành Luật Hợp tác xã

BHG - Sau hơn 4 năm thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) 2012, trên địa bàn huyện Bắc Quang đã có sự phân hóa rõ ràng: Số HTX vận động tích cực theo "dòng chảy" của Luật tiếp tục sản xuất, kinh doanh (SXKD) hiệu quả. 

13/07/2017
Hợp tác xã kiểu mới - Tiếp sức cho Thanh niên Khởi nghiệp

BHG - Trên cơ sở hỗ trợ và thúc đẩy hình thành các HTX kiểu mới, nhằm phát huy sức mạnh của các hộ cá thể, các hộ kinh tế tư nhân cùng liên kết với nhau phát triển sản xuất trên địa bàn huyện. 

12/07/2017
Phát triển các mô hình "Thanh niên khởi nghiệp" ở Hoàng Su Phì

BHG - Những năm gần đây, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ, trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đã và đang xuất hiện nhiều mô hình đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) làm kinh tế giỏi, góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập và thúc đẩy sự phát triển KT-XH tại địa phương.

12/07/2017
Anh Sùng Vả Chính làm giàu trên quê hương Sà Phìn

BHG - Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất vùng cao núi đá còn nhiều gian khó, hiểu được nỗi khó khăn, vất vả và cái nghèo đói ở nơi thiên nhiên hùng vĩ nhưng đầy khắc nghiệt như Sà Phìn (Đồng Văn), anh Sùng Vả Chính, dân tộc Mông, ở thôn Lũng Hòa B luôn trăn trở suy nghĩ làm sao để thoát khỏi cuộc sống nghèo khổ. 

12/07/2017