Anh Sùng Vả Chính làm giàu trên quê hương Sà Phìn
BHG - Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất vùng cao núi đá còn nhiều gian khó, hiểu được nỗi khó khăn, vất vả và cái nghèo đói ở nơi thiên nhiên hùng vĩ nhưng đầy khắc nghiệt như Sà Phìn (Đồng Văn), anh Sùng Vả Chính, dân tộc Mông, ở thôn Lũng Hòa B luôn trăn trở suy nghĩ làm sao để thoát khỏi cuộc sống nghèo khổ. Mặc dù chưa học hết cấp 2, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn như bao đứa trẻ khác ở đây; anh Chính đã sớm biết tự mình tìm tòi cách phát triển kinh tế gia đình.
Anh Sùng Vả Chính (bên phải) chăm sóc đàn bò của gia đình. |
Qua nhiều lần tự tìm hiểu và nghiên cứu thị trường, thấy nhiều hộ quanh vùng phát triển kinh tế từ việc may quần áo cho thu nhập khá. Từ năm 2011, anh Chính sang Trung Quốc mua vải về may quần áo bán cho bà con quanh vùng. Mới đầu cắt quần áo chưa chuẩn, tốc độ làm việc chậm nên lợi nhuận không đáng là bao; với sự kiên trì, tay nghề của anh chị dần tiến bộ lên, chất lượng các đường cắt may ngày càng đẹp và được nhiều khách hàng lựa chọn.
Ngày đầu, anh Chính chỉ bán quần áo ở chợ phiên của xã. Về sau, số lượng quần áo gia đình sản xuất được nhiều hơn, dần quen với các mối hàng, hai vợ chồng chuyển sáng bán quần áo ở các chợ phiên quanh huyện Đồng Văn và Mèo Vạc. Anh Chính chia sẻ: “Ngoài tự may quần áo, anh còn lấy thêm quần áo ở các nơi khác về bán tại chợ phiên; trung bình mỗi tháng bán được gần 200 chiếc quần, áo; thu lãi khoảng 4 triệu đồng”. Việc buôn bán của gia đình anh Chính ngày càng phát triển, ngoài bán quần áo, anh còn bán thêm các dụng cụ sản xuất nông nghiệp, như: Cày, cuốc, liềm,... theo mùa vụ từ tháng 1 đến tháng 5 (âm lịch).
Được sự tuyên truyền của chính quyền địa phương về việc đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc, anh đã dành dụm tiền mua thêm bò, lợn về nuôi. Theo anh Chính “việc chăn nuôi bò cũng không quá khó khăn, do trước đây nhà cũng đã từng nuôi. Bò giống thường mua là giống bò lai có đặc điểm cao to, trọng lượng lớn hơn giống bò bản địa. Nhà tôi thường nuôi vỗ béo khoảng 5 con bò một lứa, mỗi năm bán được 2 lứa, lãi hơn 20 triệu đồng/con. Muốn bò phát triển tốt, tăng nhanh trọng lượng thì cần phải làm theo đúng kỹ thuật được cán bộ khuyến nông hướng dẫn; nhà tôi còn nuôi thêm lợn đen, giống bản địa, mỗi lứa nuôi từ 4 – 5 con, trọng lượng khoảng 50 – 60 kg thì xuất chuồng”. Để có đủ nguồn thức ăn cho bò, anh trồng thêm cỏ trên diện tích hơn 800 m2, cùng đó, anh còn nuôi thêm gà, chim bồ câu để bán trong các phiên chợ.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Sà Phìn, Sùng Sính Vư, cho biết: “Để giúp các hộ dân phát triển kinh tế, xã thường xuyên vận động, tuyên truyền cho mọi người chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tôi thấy hộ anh Chính là một trong những hộ chịu khó làm ăn, mạnh dạn và biết đầu tư vào chăn nuôi, dịch vụ buôn bán, gia đình anh chính hiện là một tấm gương biết làm giàu trên chính quê hương mình đáng để cho các hộ trong xã học tập và noi theo”.
Nhờ sự chăm chỉ, chịu khó, hộ anh Chính đã được vinh danh là hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh trong nhiều năm liền, với mức thu nhập bình quân trên 70 triệu đồng/khẩu/năm. Ở mảnh đất còn nhiều khó khăn như Sà Phìn, gia đình anh Chính là tấm gương vượt khó, thoát nghèo bền vững, cần được nhân rộng.
LÊ HẢI
Ý kiến bạn đọc