Quang Bình thực hiện tốt chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa
BHG- Trong thời gian qua, thực hiện Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân tỉnh “Về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá”, với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự đồng thuận cuả người dân, Nghị quyết 209 triển khai trên địa bàn huyện Quang Bình đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có tổng số 1.020 hộ gia đình đăng ký vay vốn, với nhu cầu vốn vay 81.192 triệu đồng. Trong đó vay vốn thâm canh chè 125 hộ, với nhu cầu vốn vay 4.451 triệu đồng, diện tích thực hiện 148 ha; vốn vay thâm canh cam 348 hộ, nhu cầu vốn vay 37.202 triệu đồng, với diện tích thực hiện 688 ha; vốn vay mua trâu, bò 546 hộ, nhu cầu vốn vay 39.479 triệu đồng, số trâu, bò 1.974 con; vốn vay làm chuồng trại 1 hộ, nhu cầu vốn vay 60 triệu đồng... Sau quá trình thẩm định các chương trình, dự án, Tổ thẩm định vay vốn của huyện đã thực hiện thẩm định 846 hồ sơ vay vốn tại 15/15 xã, thị trấn, với số hộ đủ điều kiện vay vốn là 433 hộ, nhu cầu vốn vay phải giải ngân là 40.436 triệu đồng. Trong đó có 18 hộ vay vốn thâm canh chè, với nhu cầu vốn 921 triệu đồng, diện tích thực hiện 30,7 ha. 229 hộ vay vốn thâm canh cam, nhu cầu vốn vay 25.095 triệu đồng, diện tích thực hiện 502 ha. 185 hộ vay vốn mua trâu, bò, nhu cầu vay 14.420 triệu đồng, với số trâu, bò các hộ cần mua 721 con. 1 hộ vay vốn làm chuồng trại, nhu cầu vốn vay là 60 triệu đồng. Tính đến nay, toàn huyện đã giải ngân được 378/433 hộ, với số tiền là 34.972 triệu đồng.
Để thực hiện tốt chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá trên địa bàn huyện, đồng chí Phùng Viết Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình, cho biết: Trước hết, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn triển khai các nội dung theo chính sách của Nghị quyết 209 HĐND tỉnh và Quyết định số 04 của UBND tỉnh. Đồng thời triển khai rộng rãi đến toàn thể nhân dân trên địa bàn biết đăng ký nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, tập trung chủ yếu vào các hình thức sản xuất, kinh doanh có thế mạnh của huyện đó là thâm canh cây cam, chè và phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản và trâu, bò hàng hoá gắn với việc trồng cỏ làm thức ăn; tổ chức thẩm định, giải ngân vốn vay, giám sát việc sử dụng vốn vay sau khi giải ngân đúng mục đích. Bên cạnh đó, biên tập lại các hướng dẫn của tỉnh để tổ chức triển khai tại cơ sở một cách ngắn gọn, dễ hiểu nhưng không làm thay đổi nội dung các chính sách của tỉnh để kịp thời hỗ trợ vốn vay cho các tổ chức, cá nhân phát triển hàng hoá trên địa bàn. Phân công các thành viên Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 209 huyện phụ trách các xã thực hiện nhiệm vụ được phân công và báo cáo kết quả thực hiện định kỳ hàng tháng. Chỉ đạo các ngành chuyên môn, UBND các xã, thị trấn phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT tổ chức hướng dẫn người dân đăng ký và tổ chức thẩm định, giải ngân theo quy định và theo đúng các nội dung của Nghị quyết...
Nhằm đảm bảo tính chính xác và tránh sử dụng vốn vay không đúng mục đích trong việc thực hiện các quy định, UBND huyện đã ban hành kế hoạch về thẩm định, giải ngân và công tác kiểm tra sử dụng vốn vay sau giải ngân, yêu cầu các xã, thị trấn duy trì công tác tuyên truyền, đưa nội dung Nghị quyết 209 vào cuộc họp BTV, các cuộc họp hàng tuần, xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết, báo cáo theo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của huyện, của tỉnh. Chủ động thực hiện các biện pháp kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết, đặc biệt là kiểm tra việc sử dụng vốn vay. Qua kiểm tra, các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, tuy nhiên do một số hộ vẫn đang trong thời gian mở rộng quy mô sản xuất nên còn chậm so với thời gian cam kết thực hiện. Số hộ chưa được kiểm tra, UBND huyện đã giao cho cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn kiểm tra và báo cáo cụ thể trong thời gian tới.
Anh Đặng Văn Đeng, thôn Nghè, xã Hương Sơn và anh Nông Văn Vịnh, thôn Thượng Minh, xã Vĩ Thượng cho biết: “Thông qua việc được hỗ trợ vốn vay theo Nghị quyết 209, người dân chúng tôi đã có thêm điều kiện chăm sóc vật nuôi và cây trồng cũng như mở rộng quy mô sản xuất đáp ứng về chất lượng cũng như số lượng sản phẩm đem lại hiệu quả về kinh tế, giúp người dân từng bước xóa đói giảm nghèo...”.
Có thể nói, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 209 ở Quang Bình đã và đang mở ra một hướng mới cho người dân phát triển sản xuất hàng hóa, tuy nhiên để đem lại hiệu quả thiết thực giúp người dân xóa đói giảm nghèo bền vững, huyện mong muốn tỉnh mở rộng thêm đối tượng vay vốn phát triển chăn nuôi hàng hoá đối với đàn dê, đàn lợn và gia cầm theo Nghị quyết 209 để phát triển gia trại với quy mô lớn. Đặc biệt đối với các vùng phát triển hàng hoá đặc trưng như xã Hương sơn, Tiên Nguyên, Xuân Minh phát triển mạnh về cây cam, cây chè tỉnh có cơ chế khoanh vùng trọng điểm và có những cơ chế đặc biệt như hỗ trợ về thị trường, máy móc, nhà xưởng chế biến hoặc hỗ trợ kết nối với các đơn vị sản xuất thành vùng nguyên liệu để người dân yên tâm tập trung sản xuất...
Hiến Chương
Ý kiến bạn đọc