Nơi quy tụ những người gắn bó nghề trồng cam
BHG - Lần đầu tiên trong lịch sử làm vườn, 100% người trồng cam trên địa bàn huyện Bắc Quang được sinh hoạt trong một tổ chức hội đặc biệt, mang tên Hội trồng Cam huyện Bắc Quang. Sự đặc biệt này mở ra bước ngoặt quan trọng để cam Sành – cây trồng thế mạnh của huyện Bắc Quang tiếp tục khẳng định bước phát triển bền vững.
BCH Hội trồng Cam huyện Bắc Quang khóa I ra mắt Đại hội. |
Xuyên suốt thời gian gắn bó phát triển kinh tế vườn, người trồng cam trên địa bàn huyện Bắc Quang không ít lần nếm trải nghịch cảnh được mùa, mất giá hoặc được giá, mất mùa. Hơn nữa, chỉ tính riêng niên vụ 2016 – 2017, với tổng diện tích 2.103,3 ha cam đã cho thu hoạch, giúp các nhà vườn tăng lợi nhuận nhiều tỷ đồng khi cam đạt sản lượng 23.557 tấn. Điều này cho thấy, năng suất bình quân mỗi ha cam đạt 11,2 tấn/ha/vụ. Như vậy, trong tương lai không xa, khi 3.126,3 ha cam mới trồng bắt đầu cho thu hoạch thì tổng diện tích 5.229,6 ha cam của toàn huyện sẽ đạt sản lượng không hề nhỏ, lên đến trên 58,5 nghìn tấn. Thực tiễn tăng diện tích, tăng sản lượng cam đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với cấp ủy Đảng, chính quyền sở tại và mỗi chủ vườn chính là đầu ra ổn định cho sản phẩm. Trong khi đó, nếu dựa vào mối quan hệ đơn lẻ của cá nhân người trồng cam, khó có thể đủ tư cách pháp nhân để ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm số lượng lớn với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Tương tự như vậy, dịch vụ đầu vào phục vụ sản xuất cam như: Giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,... không chỉ cần số lượng lớn, giá thành rẻ mà còn gắn với yêu cầu cao về chất lượng. Và cá nhân người trồng cam cũng khó có thể ký hợp đồng mua – bán với cơ sở cung ứng vật tư uy tín, nếu không thông qua một tổ chức hội có đầy đủ tư cách pháp nhân...
Khắc phục hạn chế trên, để cam Sành Bắc Quang tiếp tục khẳng định bước tiến bền vững, ngày 11.5.2017, Hội trồng Cam huyện Bắc Quang chính thức đi vào hoạt động, quy tụ 3.639 hộ trồng cam của 22/23 xã, thị trấn trên địa bàn huyện (duy nhất xã Tân Lập không có diện tích cam nên không có hội viên). Đây là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đặt dưới sự quản lý của UBND huyện Bắc Quang (trực tiếp qua Phòng Nội vụ); chịu sự chỉ đạo về chuyên môn, kỹ thuật của Phòng NN&PTNT huyện và các phòng, ban liên quan; hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự đóng góp quỹ và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chủ tịch Hội trồng Cam huyện Bắc Quang, Phạm Quang Lân cho biết: Hội đã tiến hành Đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2017 – 2020. Trên cơ sở đó, bầu Chủ tịch, 4 Phó Chủ tịch, 22 thành viên BCH, 7 thành viên BTV Hội (thuộc 7 xã trọng điểm cam của huyện), bầu 3 thành viên Ban kiểm tra Hội và thông qua Điều lệ Hội với 7 chương cơ bản. Trong đó, thể hiện rõ tôn chỉ, mục đích của Hội: Tự nguyện thành lập Hội để tập hợp, đoàn kết những hộ trồng cam, nhằm hợp tác và giúp đỡ nhau phát triển nghề trồng cam trên địa bàn huyện để tăng thu nhập, nâng cao đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Hội và hội viên. Đồng thời, cùng nhau sản xuất cam hàng hóa, nâng cao uy tín, thương hiệu, chất lượng sản phẩm cam Sành trên địa bàn huyện Bắc Quang. Đặc biệt, Hội có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng theo quy định của Nhà nước. Đây chính là cơ sở quan trọng để Hội đại diện cho hội viên trong các quan hệ có liên quan đến mục đích, chức năng, nhiệm vụ của Hội; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Hội và hội viên theo quy định của pháp luật. Đồng thời, ký các hợp đồng cung ứng dịch vụ cho việc phát triển cây cam và tiêu thụ sản phẩm cam trên địa bàn huyện với các tổ chức, cá nhân liên quan...
Hội trồng Cam huyện Bắc Quang mở ra triển vọng phát triển bền vững cho nghề trồng cam trên địa bàn huyện. Trong ảnh: Người dân xã Vĩnh Hảo chăm sóc cam sau thu hoạch. |
Sau Đại hội Hội trồng Cam huyện Bắc Quang, trở về cuộc sống thường nhật, các thành viên Hội đã và đang triển khai nhiều hoạt động tích cực, góp sức xây dựng Hội phát triển vững mạnh, đưa các tổ chức cơ sở trực thuộc là Chi hội, Tổ trồng cam hoạt động hiệu quả. Và chắc hẳn trong trái tim nhiệt huyết, trách nhiệm của mỗi người trồng cam sẽ khó có thể quên chia sẻ ấn tượng của Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hảo, Hoàng Văn Nhiên và Trưởng phòng Nội vụ Bắc Quang, Vũ Văn Tú về trách nhiệm cao cả và quyền lợi vô giá của hội viên. Đó là việc phát triển bền vững cây cam Sành phải gắn liền với yếu tố bảo vệ môi trường. Vì ví như người trồng cam không tuân thủ quy trình kỹ thuật, sử dụng thuốc diệt cỏ tràn lan thì có thể đời con, cháu tương lai sẽ gánh hệ lụy xấu về sức khỏe, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện từ chính việc làm không đúng của thế hệ hôm nay... Và khi cả tập thể Hội cùng chung tay bảo vệ, đưa sản phẩm cam Sành không ngừng khẳng định chất lượng, thương hiệu trên thị trường, tạo dựng uy tín với người tiêu dùng thì phương thức mua – bán dần thay đổi: Từ việc tư thương ép giá, định giá sản phẩm cho người trồng cam đến việc người trồng cam chủ động định giá sản phẩm cam Sành khi cắt bán, nghĩa là họ thực sự làm chủ sản phẩm của mình...
Với tâm huyết, quyết tâm phát triển, nâng cao chất lượng, bảo vệ thương hiệu cam Sành Hà Giang của Hội trồng Cam huyện Bắc Quang, kỳ vọng tạo nên bước ngoặt quan trọng để cam Sành tiếp tục khẳng định vị trí xứng đáng cây trồng chủ lực, cây làm giàu của huyện Bắc Quang.
THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc