Bắc Quang tìm các giải pháp tiêu thụ lạc cho nông dân
BHG- Lạc được mùa là niềm vui lớn của nhà nông hiện nay tại Bắc Quang. Làm thế nào để lạc bán được giá mới đem lại niềm vui trọn vẹn cho những người nông dân chân lấm, tay bùn. “Bài toán” tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch cho nhà nông năm nào cũng là nỗi trăn trở của các cấp chính quyền!
Nông dân thôn An Xuân, xã Đồng Yên được mùa lạc. |
Lạc được mùa:
Theo báo cáo của Phòng NN & PTNT huyện Bắc Quang, toàn huyện trồng trên 2.200 ha lạc Xuân. Giống lạc L14 được trồng đại trà trên hầu hết diện tích. Còn lại là một số diện tích nhỏ lẻ được bà con trồng bằng các giống lạc địa phương. Đánh giá của cơ quan chức năng cũng cho thấy, lạc trồng vụ Xuân năm nay thuận thời tiết, cây phát triển tốt, ít sâu bệnh và cho năng suất thu hoạch khá cao, đạt trên 36,3 tạ/ha. Tổng sản lượng lạc hàng hoá tại Bắc Quang vụ này ước đạt trên 8.000 tấn. Riêng đối với diện tích trồng lạc giống mới L26 (khảo nghiệm) cho năng suất vượt trội, lên tới trên 43 tạ/ha, cao hơn giống lạc L14 khoảng 7 tạ/ha. Khảo sát ý kiến đánh giá thực tiễn ngay trên đồng ruộng tại các mô hình trình diễn, bà con nông dân cho rằng, giống lạc L26 có nhiều triển vọng về năng suất, chất lượng có thể áp dụng từng bước vào thực tiễn cho các vụ tiếp theo. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích trồng giống lạc L26 cũng cần có thêm thời gian khảo nghiệm diện rộng để đánh giá khách quan hơn trước khi được áp dụng đại trà. Cách làm này vừa có tác dụng khảo nghiệm tính thích ứng của bộ gen giống lạc L26 trên các vùng đất đai, khí hậu khác nhau, lại vừa tránh rủi ro không đáng có cho nhà nông.
Đánh giá tổng quan cho thấy, vụ thu hoạch lạc Xuân tại Bắc Quang năm nay được mùa trên diện rộng. Bà con trồng lạc rất phấn khởi trước thành quả thu hoạch do chính họ làm ra.
Nỗi lo tiêu thụ sản phẩm và giải pháp tiêu thụ:
Thực tiễn, mấy vụ thu hoạch lạc gần đây đều xảy ra tình trạng giá bán lạc bấp bênh, làm thiệt hại cho người nông dân. Thời điểm này năm ngoái, người nông dân bán lạc còn chưa khô ngay sau thu hoạch với giá dao động từ 18 – 20 ngàn đồng/kg. Đến cuối vụ, giá bán lạc rớt xuống chỉ còn 12 – 15 ngàn đồng/kg. Mức giá bán trên thấp hơn cùng kỳ giá bán lạc vụ thu hoạch trước đó từ 2 – 3 ngàn đồng/kg lúc đầu vụ (vụ năm 2014 - 2015). Còn so với giá bán cuối vụ (năm 2015 – 2016) người trồng lạc mất đi ít nhất từ 8 – 12 ngàn đồng/kg. Với giá bán lạc cuối vụ rớt quá nhiều so với vụ lạc của năm trước đó nhiều nhà nông đã hạn chế trồng lạc vụ Mùa để giữ giống cho vụ trồng tiếp theo. Thực tế đó dẫn đến, giá mua lạc giống để trồng vụ Xuân (2016 – 2017) tăng cao trở lại, tới 45 – 53 ngàn đồng/kg. Thực tế này cho thấy, người trồng lạc mua giống thì đắt, bán sản phẩm làm ra sau thu hoạch thì rẻ. Và lẽ đương nhiên, sự thiệt thòi vẫn đổ lên đầu người trồng lạc. Thực tiễn giá bán giao động khó lường qua các vụ thu hoạch lạc mấy năm gần đây đã làm thiệt hại không nhỏ cho người sản xuất. Kết cục thì người trồng lạc vẫn loay hoay trong vòng “Được mùa – mất giá”, và ngược lại.
Còn tình hình tiêu thụ lạc hiện tại sẽ ra sao vẫn là câu hỏi thường trực đối với các vùng chuyển đổi diện tích trồng lạc hàng hoá trọng điểm trong thời gian này? Bởi lẽ, thời điểm hiện tại đã là thời điểm bước vào chính vụ thu hoạch lạc Xuân. Đã có rất nhiều vùng, nhiều thôn, nhiều xã có diện tích chuyển đổi trồng lạc hàng hoá lớn, như Đồng Yên, Vĩnh Phúc, Đông Thành nhà nông đang tập trung cao độ thu hoạch, lạc lại được mùa. Cũng thời điểm này năm trước, các tiểu thương đã về thu mua lạc cho bà con nông dân với giá dao động 18 – 20 ngàn đồng/kg. Còn vụ lạc hiện nay gần như “thiếu vắng” người mua lạc. Nỗi trăn trở này đã và đang gây sức ép tiêu thụ lạc làm ra đến từng nhà, từng người dân trên các vùng trồng lạc trọng điểm ở Bắc Quang trong thời điểm thu hoạch rộ.
Các đồng chí lãnh đạo huyện Bắc Quang cho biết, địa phương đã có nhiều giải pháp quảng bá và mời gọi doanh nghiệp bắt tay với nhà nông trong sản xuất theo chuỗi giá trị. UBND huyện cũng đưa ra nhiều giải pháp ưu tiên về cơ chế, chính sách mời gọi các nhà đầu tư liên kết với nhà nông để bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch. Tuy nhiên, các hợp tác liên kết chưa nhiều, chưa đủ lớn để bao trùm, chi phối thị trường bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Mong rằng, các bộ, ngành từ tỉnh đến Trung ương sẽ cùng vào cuộc hỗ trợ Bắc Quang cả về cơ chế, chính sách, tài chính đầu tư đủ mạnh để hỗ trợ nông dân tiêu thụ các sản phẩm nông sản làm ra, tránh tình trạng ứ đọng nông sản sau mỗi vụ thu hoạch như thời gian qua.
Hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ các sản phẩm nông sản nhất thiết phải có bàn tay từ phía Nhà nước và doanh nghiệp mới tránh được rủi ro không đáng có cho người nông dân.
NGUYỄN MẠNH HÙNG
Ý kiến bạn đọc