Xín Mần nhân rộng mô hình nhóm "Tiết kiệm và vốn vay thôn, bản"

07:22, 23/05/2017

BHG- Sau khi được triển khai tại một số xã trên địa bàn huyện, mô hình nhóm “Tiết kiệm và vốn vay thôn, bản” do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Xín Mần và Dự án Plan phối hợp thực hiện đã cho thấy nhiều hiệu quả tích cực trong việc hỗ trợ người dân phát triển kinh tế và gắn kết tình cảm giữa các thành viên với nhau.

Quỹ tiết kiệm thôn, bản ở thôn Cốc Đông (xã Cốc Rế) đã hỗ trợ nhiều hộ dân nguồn vốn ban đầu để  phát triển sản xuất, chăn nuôi.
Quỹ tiết kiệm thôn, bản ở thôn Cốc Đông (xã Cốc Rế) đã hỗ trợ nhiều hộ dân nguồn vốn ban đầu để phát triển sản xuất, chăn nuôi.

Tiết kiệm và vốn vay thôn, bản là một phương thức phát triển dựa vào cộng đồng; trong đó, người dân địa phương và phụ nữ là những người tham gia tích cực nhằm khuyến khích sự tham gia của hộ nghèo nói riêng và cộng đồng trong dân cư nói chung để xây dựng khả năng tài chính của cộng đồng trong việc huy động các khoản tiết kiệm, sử dụng vốn tiết kiệm để tạo nên quỹ cho vay và tạo lập quỹ xã hội để hỗ trợ các thành viên trong nhóm khi có nhu cầu. Thông qua quản lý nhóm “Tiết kiệm và vốn vay thôn, bản” các thành viên được nâng cao kiến thức về quản lý tài chính gia đình, hình thành thói quen tiết kiệm, đồng thời giúp cho người nghèo có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế cải thiện đời sống gia đình.

Mô hình nhóm “Tiết kiệm và vốn vay thôn, bản” áp dụng thực hiện vào năm 2015, với sự phối hợp của Dự án Plan và Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Xín Mần ban đầu được triển khai tại 3 xã: Nấm Dẩn, Nàn Ma và Tả Nhìu thành lập 18 nhóm. Mỗi nhóm có 10 đến 25 thành viên là các hộ dân trong thôn và sinh hoạt theo từng tháng với quy định do nhóm đề ra. Về phương thức hoạt động, các thành viên trong nhóm đóng quỹ tiết kiệm theo trị giá của các con dấu và cho các thành viên vay vốn với lãi suất mà nhóm quy định nhưng đảm bảo điều kiện tốt nhất cho các thành viên. Nhóm được thành lập trên cơ chế tự quản về kinh tế và được hoạt động độc lập, do đó thời gian sinh hoạt, nội dung và các mức đóng phí được các thành viên thảo luận và thống nhất chung. Để nhóm hoạt động có hiệu quả, Hội Phụ nữ huyện và Dự án Plan cũng đã hỗ trợ cho mỗi nhóm bộ công cụ, như: Máy tính, hòm đựng tiền, quạt điện... Các nhóm bầu ra Ban Quản lý với 5 thành viên, bao gồm: Tổ trưởng, thư ký, 2 người đếm tiền và 1 người giữ hòm tiền. Ngoài ra, để đảm bảo tính dân chủ, bình đẳng và minh bạch về tài chính, nhóm sẽ có 3 người giữ chìa khóa hòm đựng tiền, khi được sự nhất trí, đồng thuận của các thành viên trong nhóm thì mới được sử dụng nguồn vốn tiết kiệm.

Sau khi được triển khai thực hiện, mô hình đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Tùy vào điều kiện kinh tế gia đình mà người dân tham gia nhóm có thể gửi tiết kiệm vào quỹ theo tuần, hai tuần hoặc hàng tháng hợp lý nhất, giúp cho người dân chủ động được nguồn vốn của mình. Khi kết thúc một chu kỳ theo quy định từ 9 tháng đến một năm, người gửi vào Quỹ tiết kiệm thôn, bản sẽ được trả lãi suất với mức mà nhóm quy định. Bên cạnh đó, nguồn quỹ được phát huy hiệu quả bằng việc hỗ trợ cho các thành viên vay để phát triển sản xuất, kinh doanh khi có nhu cầu đề xuất. Qua đó, đã giúp cho nhiều hộ dân có được nguồn vốn sản xuất ban đầu. Chị Xin Thị Coi, thôn Cốc Đông, xã Cốc Rế cho biết: Số tiền vay Quỹ tiết kiệm thôn, bản tuy không lớn nhưng phần nào giúp cho gia đình có thêm nguồn kinh phí để sửa chữa chuồng trại, mua thêm giống cỏ để mở rộng chăn nuôi nâng cao thu nhập...

Chị Nguyễn Thị Lâm, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Xín Mần cho biết thêm: Sau khi hoạt động, nhóm “Tiết kiệm và vốn vay thôn, bản” đã thấy nhiều hiệu quả rõ nét. Trước hết, Quỹ tiết kiệm thôn, bản đã giải quyết nguồn vốn tại chỗ cho người dân khi tham gia nhóm. Kịp thời hỗ trợ và giúp đỡ nhau phát triển kinh tế tại địa phương. Ngoài ra, nhóm có nguồn quỹ xã hội để phục vụ cho việc thăm hỏi khi ốm đau, qua đó làm tăng tình đoàn kết, gắn bó với các thành viên với nhau.

Đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Xín Mần đã nhân rộng mô hình tại xã Cốc Rế và TT Cốc Pài với 10 nhóm, mỗi nhóm có từ 10 đến 25 thành viên và nâng tổng số nhóm “Tiết kiệm và vốn vay thôn, bản” trên địa bàn huyện hiện lên đến 28 nhóm. Trong thời gian tới, huyện Xín Mần tiếp tục nhân rộng mô hình tại các xã còn lại để Quỹ tiết kiệm thôn, bản phát huy tốt hiệu quả đồng thời là kênh thông tin gắn kết của người dân trên địa bàn.

Văn Long


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ký kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phòng, chống chữa cháy rừng khu vực giáp ranh

BHG - Chiều 18.5 Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội nghị ký kết phối hợp giữa 3 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phòng, chống chữa cháy rừng (PCCCR), khu vực giáp ranh, năm 2016 và quý I năm 2017. 

19/05/2017
Công ty Quế Lâm Phương Bắc hỗ trợ 38 tấn phân bón thực hiện Mô hình "nông nghiệp tốt"

BHG - Ngày 18.5, tại huyện Bắc Quang, Công ty Quế Lâm Phương Bắc (Tập đoàn Quế Lâm) phối hợp với Sở NN-PTNT, Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin tỉnh triển khai Chương trình hỗ trợ phân bón NPK nhằm giúp các hộ nông dân huyện Bắc Quang, Quang Bình, Xín Mần thực hiện mô hình sản xuất "nông nghiệp tốt".

19/05/2017
Đảng bộ huyện Đồng Văn phát huy tính gương mẫu của đảng viên trong phát triển kinh tế

BHG - Phát triển kinh tế là vấn đề trọng tâm được Đảng bộ huyện Đồng Văn xác định rõ từng bước đi trong những năm qua, tìm giải pháp phù hợp với yêu cầu thực tế đặt ra, phát huy lợi thế địa phương, mỗi đảng viên là một tấm gương đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình để tuyên truyền quần chúng nhân dân học tập và làm theo, qua đó từng bước thực hiện thành công mục tiêu XĐGN.

18/05/2017
Mèo Vạc, mùa ngô xanh

BHG - Những ngày này, cả miền đá Mèo Vạc ngút ngát màu ngô xanh. Từ bãi nương trải dài dưới thung lũng đến các hốc đá dọc theo sườn núi, những cây ngô khỏe khoắn đang vươn mình. Đối với vùng đá khát, vụ Xuân – hè được coi là vụ chính, đảm bảo lương thực cho các gia đình trong cả năm. Do đó, người nông dân nơi đây đang tích cực chăm sóc cây ngô với hy vọng một mùa no ấm lại về. 

18/05/2017