Xã Quảng Nguyên tập trung nuôi trâu hàng hóa
BHG- Xã Quảng Nguyên được đánh giá là xã có đàn trâu lớn nhất huyện Xín Mần. Hiện nay, phong trào trồng cỏ, mở rộng diện tích chuồng trại và vay thêm vốn ngân hàng để nuôi trâu hàng hoá đang trở thành mục tiêu phấn đấu của đồng bào nơi đây.
Một mô hình nuôi trâu hàng hóa của bà con xã Quảng Nguyên. |
Nghị quyết Đảng bộ xã Quảng Nguyên đề ra, đến năm 2020, tận dụng mọi nguồn lực về đất đai, sức lao động, tiền vốn, kinh nghiệm để phát triển đàn trâu hàng hoá. Phấn đấu, mỗi gia đình nuôi ít nhất từ 3 – 5 con trâu, từ 3 – 7 con dê và 10 con lợn. Phấn đấu đến năm 2020, đưa giá trị chăn nuôi chiếm trên 35% tổng giá trị thu nhập trong sản xuất nông nghiệp.
Vậy, giải pháp nào để Quảng Nguyên thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết. Chủ tịch UBND xã Quảng Nguyên, Nguyễn Thế Hệ cho biết: Sử dụng hiệu quả kinh nghiệm chăn nuôi truyền thống tại địa phương và coi đó là vấn đề mấu chốt để phát triển đàn trâu; vận dụng sáng tạo nguồn lực có sẵn trong dân về đất đai, sức lao động để phát triển sản xuất. Chuyển toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ, nuôi trâu. Thành lập các tổ, nhóm chăn nuôi, trang bị đầy đủ kiến thức cho họ; xây dựng chuồng trại theo quy chuẩn, vừa đảm bảo xử lý chất thải hiệu quả để bảo vệ môi trường và phòng, chống dịch bệnh tốt cho đàn gia súc, gia cầm...
Từ các giải pháp nêu trên, Quảng Nguyên đã trồng 217 ha cỏ, thành lập thêm 6 nhóm sở thích, 33 thành viên tham gia chăn nuôi trâu. Các nhóm sở thích được tập huấn đầy đủ kiến thức về, làm chuồng trại, cách chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh. Trước khi bước vào đầu tư chăn nuôi, chính quyền cơ sở phối kết hợp với cán bộ Ngân hàng, Phòng NN & PTNT tiến hành kiểm tra, thẩm định có đủ các tiêu chuẩn cho phép chăn nuôi mới cấp vốn. Song song việc làm đó, Quảng Nguyên còn giao trách nhiệm cho từng cán bộ trong Ban Chấp hành Đảng uỷ xã trực tiếp theo dõi và hỗ trợ các hộ, nhóm chăn nuôi nhằm đảm bảo cho các hộ, nhóm sử dụng hiệu quả đồng vốn đầu tư. Tính đến hết tháng 4.2017, Quảng Nguyên đã giải ngân cho 26/68 hộ vay vốn nuôi trâu. Trong tháng 5, tiếp tục xem xét cho vay 16 hộ đủ điều kiện đầu tư. Và phấn đấu trồng mới thêm 57 ha cỏ để chủ động thức ăn. Tính đến thời điểm hiện tại, Quảng Nguyên có tổng đàn trâu 3.197 con, đạt 96% kế hoạch đề ra, mức chăn nuôi trung bình toàn xã đạt khoảng 3,2 con trâu/hộ. Đánh giá của UBND huyện Xín Mần cho biết, Quảng Nguyên là xã dẫn đầu về phát triển chăn nuôi gia súc với mức 3,2 con trâu, gần 2,3 con dê và 5,32 con lợn/hộ (chưa tính đàn bò 108 con và đàn gia cầm trên 37.000 con). Hiện nay, giá trị chăn nuôi chiếm trên 33% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp tại xã Quảng Nguyên. Như vậy, mục tiêu đưa chăn nuôi chiếm 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp vào năm 2020, tại Quảng Nguyên đã nằm trong tầm tay.
Khẳng định với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Quảng Nguyên, Nguyễn Thế Hệ, nhấn mạnh: UBND xã sẽ bám sát thực tiễn cùng nhân dân phấn đấu đưa Quảng Nguyên thành “thủ phủ” của ngành chăn nuôi trâu nói riêng và chăn nuôi gia súc nói chung. Mức phấn đấu đạt bình quân từ 15 - 20 con gia súc/hộ. Thu nhập của chăn nuôi đạt khoảng 40% giá trị sản xuất nông nghiệp vào cuối năm 2019, để lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp vào năm 2020.
Nguyễn Hùng
Ý kiến bạn đọc