Nhận diện những "nút thắt" để doanh nghiệp phát triển nhanh hơn, mạnh hơn
BHG- Thời gian vừa qua, tỉnh ta tích cực thực hiện cải cách hành chính (CCHC), đã thành lập được Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, củng cố hoạt động của các trung tâm “một cửa” cấp huyện. Qua đó, tỷ lệ doanh nghiệp (DN) đăng ký, sửa đổi đăng ký kinh doanh thông qua bộ phận “một cửa” đạt 100%, tăng gần 23% so với năm 2015. Tuy nhiên, nhiều DN cho rằng, hiệu quả hoạt động tại các bộ phận “một cửa” chưa tốt...
Người dân, DN làm thủ tục tại Trung tâm dịch vụ hành chính công thành phố Hà Giang. Ảnh: Phạm Hoan |
Đến Trung tâm giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) công thành phố Hà Giang những ngày gần đây, chúng tôi cảm nhận số lượng người dân, DN đăng ký làm thủ tục tăng nhiều. Mặc dù người đông, nhưng mọi việc diễn ra trật tự, không ồn ào, chen lấn, từ cán bộ đến người dân đều tận tình, lịch sự. Trung tâm giải quyết TTHC công đi vào hoạt động từ tháng 7.2015, được trang bị cơ sở vật chất hiện đại với hệ thống xếp hàng tự động; các màn hình cảm ứng, giúp công dân tra cứu trình tự thủ tục dễ dàng, thuận lợi; hệ thống tra cứu hồ sơ bằng mã vạch... Phần mềm giải quyết công việc được tin học hóa liên thông qua mạng nội bộ với toàn bộ quy trình, trình tự từ khâu tiếp nhận, bàn giao, phân công thụ lý, trình lãnh đạo ký duyệt và trả kết quả. Mỗi năm, Trung tâm tiếp nhận hàng nghìn hồ sơ liên quan đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, số lượng giải quyết đúng hạn đạt tỷ lệ cao, được người dân, DN đồng tình.
Thành phố Hà Giang - “đầu tàu” phát triển của tỉnh, chính vì vậy, yêu cầu CCHC bao giờ cũng cao nhất - Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Phương Lan khẳng định. Thời gian qua, công tác CCHC được cấp ủy, chính quyền thành phố quan tâm, thường xuyên chỉ đạo nên đạt được hiệu quả nhất định. Các TTHC được công khai, kỷ luật, kỷ cương hành chính được nâng cao; cơ chế “một cửa”, “một cửa” liên thông hoạt động có hiệu quả, giảm thời gian chờ đợi trong quá trình giao dịch giữa tổ chức, cá nhân với cơ quan Nhà nước. Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, điều hành đã phát huy tốt hiệu quả, tiết kiệm thời gian, giảm bớt chi phí hành chính.
Xác định cải cách TTHC là khâu đột phá, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và DN, thời gian qua, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành công tác kiểm soát, cải cách TTHC; bổ sung cán bộ, công chức làm đầu mối thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC tại các sở, ngành; phê duyệt danh mục TTHC đặc thù được chuẩn hóa thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh... Hiện nay, hầu hết sở, ngành đã công khai các quyết định, chính sách, TTHC cho DN, nhà đầu tư, đặc biệt thông tin liên quan đến kinh doanh, hỏi-đáp pháp lý, thị trường; ứng dụng CNTT vào quản lý, điều hành, giải quyết TTHC, xây dựng chính quyền điện tử; 100% sở, ngành, huyện, thành phố triển khai hệ thống “một cửa” điện tử, liên thông với hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Tỉnh ta đã ban hành 42 quyết định công bố TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã với 1.479 TTHC, trong đó mới ban hành 767 thủ tục, sửa đổi, bổ sung 55 thủ tục; có 1.281 TTHC được tin học hóa mức độ 3; cắt giảm 30-50% thời gian thực hiện các TTHC; 100% TTHC được niêm yết công khai, đầy đủ, rõ ràng trên trang thông tin điện tử của tỉnh và ngành chức năng...
Công cuộc CCHC của tỉnh đang được DN, người dân kỳ vọng và đã có tác động tích cực, góp phần đưa bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh tăng từ vị trí 62 năm 2015 lên 59/63 tỉnh, thành phố năm 2016, chuyển vị trí xếp hạng từ nhóm thấp, lên nhóm tương đối thấp. Trong đó, chỉ số chi phí không chính thức và tính năng động tăng điểm cao nhất, điều này phản ánh nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành trong việc cải thiện các chỉ số PCI. Trong năm vừa qua, tỉnh ta tích cực thực hiện CCHC, đã thành lập Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, củng cố hoạt động của các trung tâm “một cửa” cấp huyện. Qua đó, tỷ lệ DN đăng ký, sửa đổi đăng ký kinh doanh thông qua bộ phận “một cửa” đạt 100%, tăng gần 23% so với năm 2015. Tuy nhiên, theo khảo sát của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, các DN đánh giá hiệu quả hoạt động tại các bộ phận “một cửa” chưa tốt, chỉ có trên 41% DN cho rằng thủ tục được niêm yết công khai, gần 68% nhận xét những hướng dẫn về thủ tục rõ ràng, đầy đủ; trên 33% cho rằng cán bộ tại bộ phận này am hiểu về chuyên môn; trên 34% nhận xét cán bộ nhiệt tình, thân thiện và chỉ 21% nhận xét tốt về việc ứng dụng CNTT tại bộ phận “một cửa”.
Ở khía cạnh khác, quan sát dữ liệu 2 năm 2015-2016 cho thấy, các nỗ lực nhằm tăng khả năng tiếp cận thông tin cho DN chưa có sự cải thiện rõ rệt. Khả năng tiếp cận tài liệu về kế hoạch, quy hoạch, pháp lý của các DN vẫn chỉ dừng ở mức có thể nhưng khó. Bên cạnh đó, mối quan hệ cá nhân với công chức Nhà nước vẫn tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong khả năng tiếp cận thông tin, tài liệu đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Có đến gần 65% DN cho biết, phải sử dụng các mối quan hệ để tiếp cận thông tin; trên 53% thương lượng với các khoản thuế phải nộp là một phần thiết yếu. Điều này cho thấy, các DN vẫn phải đầu tư nguồn lực, thời gian để phát triển các mối quan hệ cá nhân với cơ quan công quyền.
Kết quả khảo sát CPI năm 2016 cũng nêu thực trạng, trên 64% DN thường phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức; trên 17% phải chi trả hơn 10% tổng doanh thu cho các loại phí không chính thức; trên 58% cho biết, hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN vẫn phổ biến, ngay cả khi đã chi trả những khoản này, vẫn có đến 32% cho rằng công việc không đạt kết quả như mong đợi. Đối với chỉ số cạnh tranh bình đẳng đã bị suy giảm, nguyên nhân do các DN tham gia điều tra cho rằng tỉnh đang ưu ái các tổng công ty, tập đoàn Nhà nước và ưu tiên giải quyết các vấn đề khó khăn cho DN nước ngoài hơn DN trong nước. Có gần 42% DN cho rằng, tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn phát triển khu vực tư nhân. Điều đáng lo ngại hơn, kinh doanh bằng mối quan hệ đang tiếp tục chèn lấn hoạt động của đông đảo DN; trên 70% cho biết hợp đồng, đất đai và các nguồn lực kinh tế chủ yếu rơi vào tay DN có liên kết chặt chẽ với chính quyền, đồng thời tình trạng phân biệt đối xử theo quy mô DN đang có xu hướng lớn lên...
Từ những nhận xét, đánh giá trên, đã đến lúc chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, cũng như bản chất vấn đề: Môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự thuận lợi; vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức tinh thần trách nhiệm thực thi công vụ hạn chế, thiếu năng động, dập khuôn, máy móc; tính quyết đoán và tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu một số sở, ngành chưa thật sự quyết liệt... từ đó có giải pháp khắc phục. Đặc biệt, từng ngành, cấp phải tập trung rà soát, nhận diện rõ những hạn chế, các “nút thắt” trong điều hành, đề xuất giải pháp tác động, khuyến khích, tạo điều kiện cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân; xây dựng cơ chế thông thoáng trong tiếp cận đất đai, tích tụ ruộng đất và các nguồn vốn... theo đúng chỉ đạo mới đây của người đứng đầu chính quyền tỉnh.
THIÊN THANH
Ý kiến bạn đọc