Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động chi trả dịch vụ môi trường rừng
BHG - Cuối tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh phối hợp với Bộ NN-PTNT, Dự án Formis II (Hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp) tổ chức Hội thảo Tham vấn phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) lâm nghiệp. Hội thảo chuyên ngành này lần đầu tiên được tổ chức trên địa bàn tỉnh, thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học với nhiều tham luận quan trọng, bổ ích và hiệu quả khi áp dụng vào công tác quản lý Nhà nước về lâm nghiệp. Đặc biệt, đối với công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), những nội dung nêu trong tham luận của nhà khoa học đã gợi mở cách tiếp cận mới, hiệu quả, chính xác và hoàn toàn áp dụng được vào thực tiễn, thay thế phương pháp quản lý thủ công, truyền thống.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có trên 275 nghìn ha rừng được giao khoán, nhận tiền bảo vệ, cung ứng DVMTR, chiếm gần 62% diện tích rừng của tỉnh. Tổng số tiền DVMTR thu được từ các đơn vị sử dụng dịch vụ, tính đến thời điểm hiện tại đạt gần 70 tỷ đồng, số thực chi quý I.2017 đạt trên 38 tỷ đồng. Thống kê của cơ quan chuyên môn cho thấy, còn một số đơn vị sử dụng DVMTR chưa thực hiện ủy thác tiền chi trả đủ theo kế hoạch như Công ty Cổ phần Thủy điện Thái An phát sinh nợ kế hoạch năm 2016. Theo ông Đinh Xuân Lượng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ phát triển rừng (BVPTR) tỉnh, các số liệu liên quan đến công tác chi trả DVMTR được tỉnh ta cập nhật thường xuyên, tuy nhiên việc chỉnh lý những biến động vẫn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, khi áp dụng hệ thống CSDL thông tin về chi trả DVMTR vào thực tế hoạt động, sẽ giúp các bên liên quan, từ cán bộ quản lý, chi trả, đơn vị sử dụng và người dân cung cấp DVMTR nắm bắt thông tin, thực hiện một cách chuẩn xác.
Trình bày tham luận tại hội thảo, thầy Vương Văn Quỳnh - Trường Đại học Lâm nghiệp cho biết, CSDL về chi trả DVMTR gồm các nhóm thông tin chủ yếu về rừng, chủ rừng, cơ sở sử dụng DVMTR, tình hình chi trả DVMTR, hiệu quả và chính sách chi trả DVMTR. CSDL chi trả DVMTR được xây dựng dựa trên phương pháp cùng tham gia với sự hỗ trợ của phần mềm quản trị CSLD, việc thu thập dữ liệu thực hiện bởi nhiều bên như UBND xã, Hạt kiểm lâm, Quỹ BVPTR. Hiện tại, hầu hết các địa phương đã cập nhật được dữ liệu vào hệ thống quản trị CSDL. CSDL chi trả DVMTR gồm tập hợp dữ liệu có cấu trúc về hoạt động chi trả, liên hệ mật thiết với nhau, được lưu trữ trong máy tính, được chia sẻ và đáp ứng đồng thời yêu cầu của các nhà quản lý, các bên sử dụng, cung cấp dịch vụ trong quá trình tổ chức thực hiện, giám sát, đánh giá chi trả DVMTR. Dữ liệu về chi trả DVMTR có khối lượng lớn, liên quan đến hàng triệu ha rừng, hàng vạn chủ rừng, hàng nghìn cơ sở sử dụng DVMTR của hơn 40 tỉnh, thành trong cả nước. Không một cơ quan, tổ chức nào đủ nhân lực, thời gian và kinh phí thực hiện độc lập việc thu thập, cập nhật dữ liệu về chi trả DVMTR.
Phần mềm quản trị CSLD chi trả DVMTR cũng là công cụ hỗ trợ đảm bảo tính an toàn, bảo mật, cho phép các bên liên quan cập nhật, khai thác dữ liệu qua mạng internet theo những phương pháp, quy trình thống nhất trong toàn quốc với trách nhiệm, sự phân quyền nhất định của mỗi cơ quan, tổ chức. Dữ liệu về rừng được chi trả DVMTR có thể thay đổi trong quá trình phát triển, khai thác, sử dụng; chủ rừng có thể thay đổi do chuyển nhượng, chia tách; các cơ sở sử dụng DVMTR có thể thêm mới, giải thể, chuyển nhượng; năng suất, tiền trả của các cơ sở sử dụng DVMTR có thể thay đổi bởi nhiều yếu tố sản xuất, kinh doanh, tiến độ; mức tiền chi trả cũng có thể thay đổi bởi kế hoạch, tiến độ trả tiền của cơ sở sử dụng DVMTR; hiệu quả và chính sách chi trả DVMTR cũng có thể thay đổi do những đổi mới của tổ chức, chính sách... vì vậy, dữ liệu về chi trả DVMTR sẽ liên tục được cập nhật, bổ sung.
Nhằm xây dựng hệ thống CSDL thống nhất dùng chung trên toàn quốc, từ tháng 5.2015, Quỹ BVPTR T.Ư đã gửi công văn thu thập, cập nhật dữ liệu về chi trả DVMTR cho Quỹ BVPTR các tỉnh. Trên cơ sở đó, Quỹ BVPTR các địa phương và T.Ư đã tiến hành thu, cập nhật 14 biểu thuộc 5 nhóm dữ liệu về chi trả DVMTR. Đến nay, hầu hết các địa phương đã thu thập được dữ liệu về cơ sở sử dụng DVMTR, tình hình nộp tiền của cơ sở sử dụng DVMTR, việc miễn, giảm nộp tiền DVMTR, tỷ lệ nghiệm thu kết quả BVPTR của các chủ rừng, kế hoạch thu, chi tiền DVMTR, hiệu quả và chính sách chi trả DVMTR. Như vậy, việc quản lý công tác chi trả DVMTR thông qua hệ thống CSDL sẽ góp phần nâng cao hiệu quả, đảm bảo tính minh bạch, khách quan và quyền lợi, nghĩa vụ của các bên liên quan.
Thiên Thanh
Ý kiến bạn đọc