Đào tạo nghề trong bối cảnh hội nhập ở Bắc Quang
BHG - Trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế như hiện nay, đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với công tác đào tạo nghề (ĐTN), nâng cao chất lượng nguồn lao động. Vì đây là yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển KT-XH của mỗi địa phương... Nắm bắt yêu cầu cấp thiết này, cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Bắc Quang đã và đang dồn lực cho công tác đổi mới, nâng cao chất lượng ĐTN, giải quyết việc làm (GQVL) gắn với giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện.
UBND huyện Bắc Quang tổ chức Hội thi Tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc chè theo quy trình VietGAP và Thi hái chè lần thứ Nhất đã góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề cho người lao động trên địa bàn huyện. Trong ảnh: Thí sinh thực hành thi hái chè. |
Ngày 31.12.2015 là mốc thời gian quan trọng đánh dấu việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Một trong những mục tiêu quan trọng được Cộng đồng AEC hướng tới là tạo ra một thị trường chung duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất. Trong đó, có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động qua đào tạo. Thực tế trên cho thấy, ĐTN cũng như nhiều lĩnh vực khác ở nước ta có thêm cơ hội thuận lợi để phát triển bằng chính việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực thông qua công tác ĐTN.Không nằm ngoài “dòng chảy” trên, BCH Đảng bộ huyện Bắc Quang qua từng nhiệm kỳ đã xây dựng và ban hành nhiều nghị quyết, chương trình hành động liên quan đến công tác ĐTN, GQVL cho lao động, nhất là lao động khu vực nông thôn. Trên cơ sở đó, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và yêu cầu hội nhập. Chỉ tính riêng giai đoạn 2011 – 2015, công tác ĐTN, GQVL được cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở quan tâm chỉ đạo và nhận được sự tham gia thực hiện tích cực của nhân dân. Minh chứng điều này cho thấy, chỉ trong 5 năm, toàn huyện đã có 6.984 lao động qua ĐTN (đạt tỷ lệ bình quân 2,4%/năm). Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua ĐTN trên địa bàn huyện lên 40% vào cuối năm 2015; đưa tỷ lệ ĐTN gắn với GQVL đạt 45,3%. Không những vậy, chất lượng, hiệu quả sau đào tạo được nâng cao, cơ cấu ngành nghề đào tạo từng bước được điều chỉnh phù hợp với cơ cấu kinh tế. Đặc biệt, công tác GQVL cho người lao động bình quân đạt 2.000 lao động/năm, trong đó, lao động tại chỗ chiếm 65%...
Mặc dù giành nhiều kết quả tích cực, song thực tiễn ĐTN tại huyện Bắc Quang còn bộc lộ một số hạn chế. Bởi chất lượng ĐTN và tỷ lệ lao động gắn với việc làm sau đào tạo chưa cao, nhất là nghề phi nông nghiệp. Hơn nữa, công tác đào tạo ngành, nghề có chuyên môn kỹ thuật, tay nghề cao chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động. Mặt khác, công tác GQVL tại chỗ cho người lao động thiếu tính ổn định, thu nhập bấp bênh. Sự chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp tương đối chậm... Song, xác định rõ nguyên nhân dẫn đến hạn chế trên, nhiệm kỳ 2015 – 2020, BCH Đảng bộ huyện Bắc Quang đã ban hành Nghị quyết đổi mới, nâng cao chất lượng ĐTN, GQVL và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn huyện. Từ đó, đặt mục tiêu phấn đấu đào tạo khoảng 1.200 lao động/năm, trong đó có 1.000 lao động nông thôn được ĐTN ngắn hạn. Phấn đấu đến hết năm 2020, đưa tỷ lệ lao động qua ĐTN đạt 51% và GQVL cho 70% số lao động sau đào tạo. Đồng thời, phấn đấu đến hết nhiệm kỳ đại hội, GQVL cho 12.500 lượt lao động. Trong đó, số lao động được GQVL tại chỗ chiếm 45%; tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm từ 67% xuống 51% vào năm 2020...
Để thực hiện hiệu quả những mục tiêu trên, Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang Nguyễn Trung Hiếu cho biết: Về quan điểm chung, huyện xác định, ĐTN cho lao động, nhất là lao động nông thôn phải gắn với nhu cầu học nghề của người lao động và yêu cầu của thị trường lao động; theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tham gia học nghề, tập huấn nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu học nghề của bản thân. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người lao động tự tạo việc làm, tìm kiếm việc làm thông qua chương trình xuất khẩu lao động hoặc làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền huyện không ngừng nỗ lực kết nối với đơn vị hữu quan, giới thiệu các doanh nghiệp uy tín, có năng lực trong sản xuất kinh doanh, xuất khẩu lao động về tuyển dụng và tư vấn cho lao động địa phương. Và một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu trên, hiện nay, các đơn vị hữu quan của huyện đang tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, vận động làm chuyển biến công tác hướng nghiệp trong nhà trường. Tổ chức, hoạt động ngoại khóa để các cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp sử dụng lao động tham gia hướng nghiệp cho học sinh, cung cấp đầy đủ thông tin, tư vấn tới học sinh THPT về địa chỉ ĐTN, ngành đào tạo, chính sách ưu đãi về học nghề của Nhà nước, của tỉnh để học sinh lựa chọn ngành, nghề cần học, ... Qua đó, giúp các em có thể định hướng nghề nghiệp cho bản thân ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường...
Có thể khẳng định, công tác ĐTN, GQVL gắn với giảm nghèo bền vững được cả hệ thống chính trị huyện Bắc Quang xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu. Hơn nữa, việc đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công bằng, minh bạch, phát huy vai trò làm chủ của người dân trong quá trình tổ chức thực hiện đang từng bước đưa Nghị quyết của Đảng bộ huyện vào cuộc sống. Trên cơ sở đó, tạo nền tảng quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển KT-XH địa phương. Đồng thời, từng bước đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế như hiện nay.
THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc