"Bông hoa mới" trong phát triển kinh tế nơi rẻo cao
BHG - Đối với người nông dân trên cả nước, các mô hình gia trại đã không còn mấy xa lạ. Nhưng trên mảnh đất rẻo cao, anh Đặng Văn Lệnh, Trưởng thôn kiêm Bí thư Chi bộ thôn Tùng Nùn, xã Lùng Tám (Quản Bạ) đã mạnh dạn đầu tư, đưa mô hình phát triển kinh tế gia trại vào sản xuất, phát triển kinh tế.
Từ việc nhìn thấy những lợi thế của địa phương như: Có diện tích đất đai rộng; điều kiện khí hậu mát mẻ... rất thích hợp để phát triển đàn chăn nuôi và đặc biệt gia đình anh đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc chăn nuôi trâu, bò. Anh Lệnh đã mạnh dạn đầu tư và vay vốn ngân hàng theo Nghị quyết 209 của UBND tỉnh để xây chuồng trại theo hướng gia trại. Khác so với cách làm chuồng truyền thống, dựng từ gô, lợp bằng lá hoặc Pờ rô xi măng, phân được xả thẳng xuống chân đàn gia súc, rất mất vệ sinh và không đảm bảo điều kiện thuận lợi để đàn gia súc phát triển; chuồng mới được anh xây dựng và học hỏi tại Tuyên Quang đã tạo một cái nhìn mới cho người dân khắp vùng, chuồng được thiết kế xây dựng rộng rãi, ấm về mùa đông và mát về mùa hè, có hệ thống tưới nước truyền thẳng tới các máng ăn, hệ thống nước thải sạch sẽ...
Mô hình gia trại của gia đình anh Đặng Văn Lệnh sẽ có khoảng 30 – 40 con bò, 20 -30 con lợn và hàng trăm đàn chim bồ câu được nuôi tại đây. |
Theo đồng chí, Lý Thành Sơn, Chủ tịch UBND xã Lùng Tám cho biết: “Đảng viên đi đầu là một xu hướng giúp người dân học tập về sản xuất, chăn nuôi hàng hóa, quy mô. Mô hình gia trại của anh Lệnh sẽ tạo một luồng gió mới trong lĩnh vực phát triển trang trại chăn nuôi, giúp người dân nhận định phương hướng mới cho phát triển kinh tế. Tuy quy mô chưa lớn, nhưng là vừa với sức lao động, tiềm năng, vốn của gia đình anh Lệnh...”.
Quy mô gia trại nhà anh Lệnh khoảng hơn 2,5 ha, với diện tích như vậy anh đã xây dựng chuồng có phạm vi 370 m2, để khoảng hơn 1ha trồng cỏ nhằm giảm tải sức lao động khi trồng cỏ xa nhà. Chuồng anh thiết kế rộng rãi với việc chia làm hai gian, một gian là các ngăn để nhốt trâu, bò, phía sau mỗi ngăn anh đều có đường ống thoát nước thải và có bình Bio gas giúp chứa phân, xử lý chất thải và một gian anh để nuôi chim bồ câu. Theo anh Lệnh cho biết: “Với việc được đi thăm nhiều mô hình, anh đã áp dụng thiết kế, xây dựng mô hình của gia đình với 6 ngăn, mỗi ngăn anh dự tính nuôi được khoảng từ 6 -8 con trâu, bò, bên cạnh đó anh để 2 ngăn nuôi lợn và nuôi chim bồ câu....”. Chi phí xây dựng chuồng trại tuy lớn nhưng theo anh, nếu chính thức đi vào sử dụng sẽ giúp gia đình anh mỗi năm thu về khoảng 300 triệu đồng, bởi hiện giờ nhu cầu thị trường lớn, chỉ cần có sản phẩm là thương lái sẽ trực tiếp đến thu mua...
Không gian chuồng thoáng đãng, sạch sẽ và đảm bảo vệ sinh, là nhận xét của mọi người khi đến thăm mô hình gia trại nhà anh. Những ưu điểm khi chăn nuôi theo hình thức gia trại như: Tiết kiệm được sức lao động; tiết kiệm thức ăn cho đàn gia súc; kết hợp nuôi được nhiều loại gia súc... Đặc biệt với việc xây dựng chuồng trại quy củ, tập trung đã giúp anh dễ dàng chăm sóc đàn gia súc của gia đình tốt hơn.
Đây chắc hẳn là mô hình điển hình trên mảnh đất Cao nguyên Hà Giang, giúp người dân có cái nhìn mới, tạo hướng đi cho nhiều hộ dân.
Bài, ảnh: Hoàng Yến
Ý kiến bạn đọc