Ngẫm... từ chuyện quả cam
BHG- “Được mùa – rớt giá”, cam tiêu thụ chậm; cam thối, rụng kín gốc cây là những gì người ta đang nhắc đến nhiều về vụ cam Sành 2016 - 2017. Tại sao người trồng cam năm nay lại gặp nhiều “trắc trở” đến vậy?
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, sản lượng cam toàn tỉnh niên vụ 2016 – 2017 đạt trên 33 nghìn tấn, trung bình năng suất khoảng gần 10 tấn/ha, giá thu mua xô tại vườn trong vụ trung bình khoảng 8 – 10 nghìn đồng/kg. Giá cam năm nay nếu so với vụ trước là thấp hơn, tuy nhiên, năng suất thì cao hơn rất nhiều, cụ thể: vụ cam năm 2015 – 2016 sản lượng đạt trên 13,2 nghìn tấn nhưng năm nay đã cao hơn khoảng 2,5 lần (trên 33 nghìn tấn).
Theo tính toán của ngành chuyên môn, cam quả chỉ cần bán với giá 5 nghìn đồng/kg người nông dân đã có lãi thì với giá bán trung bình của cả vụ cam năm nay như vậy, trừ các loại chi phí, người trồng cam có thể thu lãi vài chục đến hàng trăm triệu đồng/ha.
Những nhà vườn diện tích lớn vẫn sẽ có lãi hàng tỷ đồng.Nhưng, thay vì tự đi tìm đầu ra cho sản phẩm, các đầu mối thu mua, người trồng cam lại ung dung... “chờ” thương lái tìm đến mua. Cam được mùa, sản lượng lớn, thương lái có thể chọn bất kỳ vườn cam nào để thu mua nếu có giá tốt, đồng thời với hơn 1.000 ha cam theo tiêu chuẩn VietGAP, các hộ trồng cam thông thường sẽ khó cạnh tranh với cam VietGAP. Vì vậy, nhiều chủ vườn có sản lượng hàng trăm tấn cam nhưng chỉ bán được bằng việc bày bán dọc đường hay trong các buổi chợ với lượng tiêu thụ rất nhỏ. Do đó, mới xảy ra tình trạng dù đến cuối tháng 2 – gần cuối vụ cam nhưng sản lượng cam bán ra thị trường mới chỉ quá một nửa - thông tin từ các phòng chuyên môn của Sở Nông nghiệp và PTNT. Cam bán chậm, giá thấp, thay vì tìm cách thu hái rồi bảo quản sản phẩm, người trồng cam quyết “được ăn cả, ngã về không” khi cố giữ cam trên cây đợi qua vụ, thời tiết nóng lên, giá cam tăng sẽ bán để thu lãi cao. Một nguyên nhân nữa là các thương lái đặt cọc tiền mua cam của người dân từ đầu mùa với giá thấp nhưng muốn chủ vườn giữ cam giúp họ trên cây đến cuối vụ thu hái bán sẽ ăn chênh lệch giá cao. Nhưng, ai ngờ, khi quả cam đã “gắng hết sức” bám trên cành để chờ được thu hái, thì sau một vài trận mưa đầu mùa, cam bắt đầu thối và rụng kín gốc cây. Chỉ tính riêng huyện Bắc Quang, đã có gần 4.000 tấn cam bị rụng (thời điểm cuối tháng 3.2017), và vẫn tiếp tục tăng khi các hộ vẫn cố giữ cam trên cây. Vậy là bao công sức chăm bón, bao hi vọng cũng theo cam mà đi. Với những hộ có cam bị rụng, không chỉ thất thu mà có họ còn đứng trước nguy cơ phải bồi hoàn lại tiền cho thương lái. Cùng với đó, vụ cam 2018 tới cũng sẽ đứng trước nguy cơ mất mùa. Bởi, khi nhiều vườn cam đã bắt đầu ra hoa, kết trái cho một vụ mới, thì các vườn cam giữ quả cuối vụ, cây chưa thể ra hoa bởi mọi chất dinh dưỡng cây cam đều dồn cả vào việc nuôi quả trên cây, khiến cây cam trở nên kiệt quệ, xác xơ.
Tỉnh ta đã ban hành rất nhiều chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người trồng cam từ hỗ trợ cây giống, lãi suất vay vốn thâm canh, xây dựng kho bảo quản cam, xúc tiến quảng bá sản phẩm, bao bì, tem nhãn chứng nhận VietGAP... mong muốn người dân có thể vươn lên làm giàu từ trồng cam, kinh tế nông nghiệp của tỉnh ngày càng phát triển. Nhưng qua vụ cam này, đã cho thấy tư duy làm ăn thiếu tính toán, trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước trong mọi khâu sản xuất của người dân cần phải được thay đổi để thích nghi hơn với cơ chế thị trường.
Lương Hà
Ý kiến bạn đọc