Hiệu quả phân vùng nguyên liệu chè ở Quang Bình

09:31, 12/04/2017

BHG - Năm vừa qua, huyện Quang Bình đã bước đầu thực hiện chính sách phân vùng nguyên liệu chè, giúp người dân có điều kiện tập trung nâng cao năng suất, sản lượng cây chè, đẩy mạnh liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp chế biến chè trên địa bàn. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng, giá thành sản phẩm chè, đồng thời giúp người dân gắn bó với cây chè, ổn định cuộc sống.

Người dân xã Tiên Nguyên thu hái búp chè.
Người dân xã Tiên Nguyên thu hái búp chè.

Cây chè được xác định là một trong những cây trồng mũi nhọn về kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển KT - XH của huyện Quang Bình. Theo thống kê, toàn huyện hiện có gần 3.000 ha chè; trong đó diện tích cho thu hoạch là 2.433 ha, diện tích chăm sóc là 512 ha. Sản lượng chè búp tươi ước đạt 10.950 tấn (tăng 3.000 tấn so với cùng kỳ năm 2015), giá bán bình quân 5.800 - 6.000đ/kg chè búp tươi, tổng giá trị ước đạt trên 65 tỷ đồng. Hiện nay, cùng với việc tập trung phát triển chè theo hướng sản xuất hàng hóa, sản phẩm sạch đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (chè VietGAP, chè hữu cơ), giá trị cao, huyện Quang Bình cũng bước đầu thực hiện phân vùng nguyên liệu chè, góp phần ổn định vùng nguyên liệu cho các cơ sở, doanh nghiệp chè hoạt động, từng bước nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chè địa phương.

Theo đó, huyện tập trung chỉ đạo sản xuất hàng hóa gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, theo phương châm giảm về chiều rộng, tăng chiều sâu, không dàn trải, lấy giá trị trên đơn vị diện tích làm mục tiêu phát triển. Từng bước hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm khép kín, thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP và hữu cơ để tăng giá trị sản phẩm. Kết hợp với việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh để tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, tạo cơ chế thông thoáng, hình thành môi trường đầu tư tiềm năng để thu hút các doanh nghiệp đầu tư và liên kết đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp. Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quang Bình, Nguyễn Văn Hoàng cho biết: Đến nay, huyện Quang Bình có 300 ha chè đã được chứng nhận vùng sản xuất VietGAP gồm: Xã Xuân Minh 200 ha, xã Tân Bắc 100 ha. Dự kiến trong năm nay, huyện sẽ đánh giá chứng nhận VietGAP cho 550 ha chè đang cho thu hoạch tại các xã Tân Trịnh, Tân Nam, Tiên Nguyên; nâng diện tích chè sản xuất theo hướng VietGAP trên địa bàn lên 850 ha.

Anh Vũ Hồng Thắng, Giám đốc HTX Xuân Mai giới thiệu các sản phẩm chè của HTX.
Anh Vũ Hồng Thắng, Giám đốc HTX Xuân Mai giới thiệu các sản phẩm chè của HTX.

Việc thực hiện phân vùng quản lý và bao tiêu sản phẩm chè đã cơ bản hoàn thiện cho 1 công ty và 3 hợp tác xã (HTX) trên địa bàn với 33 tổ, nhóm hộ sản xuất phát triển chè gồm: Công ty TNHH MTV Chè Quang Bình quản lý và bao tiêu sản phẩm chè tại xã Tiên Nguyên, Yên Thành, Bản Rịa, Tân Bắc, Tân Trịnh và thị trấn Yên Bình; HTX Xuân Mai tập trung tại xã Xuân Minh và thôn Hạ Bình (xã Tiên Nguyên); HTX Nam Hải, HTX Cao Nguyên quản lý và bao tiêu sản phẩm chè tại xã Tân Bắc và Tiên Nguyên.

 Trên cơ sở vùng nguyên liệu chè được giao, các công ty, HTX thực hiện việc liên doanh, liên kết với người trồng chè thông qua hợp đồng đầu tư thu mua, chế biến chè búp tươi cho các hộ dân theo nhiều hình thức: Cung ứng trước vốn hoặc bán vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cây giống trồng dặm không tính lãi suất; hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn giám sát bà con chăm sóc chè đúng quy trình và thu mua lại chè búp tươi cho người dân. Với cơ chế đó, cả doanh nghiệp và người dân đều phải nâng cao trách nhiệm để cùng hướng tới mục tiêu nâng cao sản lượng và giá trị kinh tế của sản phẩm chè, nâng cao thương hiệu chè Quang Bình.

Trao đổi với chúng tôi, anh Vũ Hồng Thắng, Giám đốc HTX Xuân Mai cho hay: Hiện nay, diện tích vùng nguyên liệu chè của HTX Xuân Mai là hơn 100 ha chè (chiếm 1/5 tổng diện tích chè của xã Xuân Minh), tổng sản lượng ước đạt 500 tấn chè búp tươi và 12,3 tấn chè vàng (chè qua sơ chế ). Tổng số tiền thu mua sản phẩm chè cho người dân trong năm vừa qua là gần 3,7 tỷ đồng. Việc phân vùng quản lý chè giúp ổn định giá thành sản phẩm chè, đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho HTX; tuy nhiên do khâu thu hái, vận chuyển sản phẩm chè của bà con chưa đảm bảo ổn định chất lượng nên giá thành thu mua chè búp tươi chưa cao, đồng thời còn cạnh tranh nguyên liệu với một số công ty chè ở Bắc Quang, Hoàng Su Phì. Hướng tới, HTX sẽ phối hợp với các đơn vị chuyên môn tập huấn kỹ thuật cho bà con để nâng cao hơn nữa chất lượng, giá trị sản phẩm chè.

Thời gian tới, huyện Quang Bình sẽ tăng cường thực hiện công tác quản lý, phát triển chè và thực hiện việc phân vùng nguyên liệu chè cho các cơ sở chế biến chè trên địa bàn; chỉ đạo các cơ sở chế biến thực hiện đầy đủ việc ký cam kết bao tiêu sản phẩm tại các thôn đã được phân vùng nguyên liệu chè; thành lập các tổ, nhóm hộ sản xuất phát triển chè đạt 100%; trồng mới 150 ha chè tại xã Tân Bắc và Tân Trịnh; mở rộng diện tích chè VietGAP...

Bài, ảnh: YẾN VŨ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hướng đi vững chắc trong tái cơ cấu Nông nghiệp ở Bắc Mê

BHG - Nhằm từng bước nâng cao giá trị sản xuất nông – lâm nghiệp theo hướng hàng hóa, huyện Bắc Mê đã triển khai  đồng bộ các giải pháp trọng tâm theo Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp (TCCNNN) của tỉnh  phù hợp với điều kiện của địa phương. 

12/04/2017
Xín Mần chú trọng phát triển kinh tế mậu dịch biên giới

BHG - Phát triển mậu dịch biên giới với nước bạn Trung Quốc đã được Đảng bộ, chính quyền huyện Xín Mần đưa vào chiến lược để phát triển kinh tế. Đồng thời, còn tạo điều kiện cho nhân dân 2 nước, các tỉnh bạn, huyện bạn tới thăm thân trao đổi, mua bán. Từ đó, tình hữu nghị giữa 2 dân tộc Việt Nam – Trung Hoa, giữa Xín Mần với bạn bè các nơi ngày càng trở nên gắn bó, ổn định, phát triển bền vững.

12/04/2017
Xã Quyết Tiến đổi mới hoạt động Ban quản lý thôn

BHG - Về thôn Tân Tiến, xã Quyết Tiến là thôn đầu tiên thực hiện thí điểm việc triển khai mô hình Ban quản lý phát triển thôn (BQLPTT) ở huyện Quản Bạ. Sau hơn 1 năm thực hiện, mô hình này đã cho thấy sự hiệu quả, gọn nhẹ, năng động của bộ máy ở thôn.

12/04/2017
Chương trình 135, "Thương hiệu" đặc biệt

BHG - Chương trình 135 (CT135) giờ đây đã trở thành "thương hiệu" đặc biệt, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) nơi địa đầu Tổ quốc. Từ chủ trương đúng đắn và nhân văn của Chương trình xuyên suốt nhiều năm qua đã tạo diện mạo, sức sống mới, đẩy lùi sự ĐBKK trong phát triển KT-XH tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.

12/04/2017