Giá lợn hơi giảm mạnh - bài học nào cho việc mở rộng sản xuất?
BHG - Giá lợn hơi bán tại các địa bàn trong tỉnh hiện nay chỉ còn giao động từ 22.000 – 25.000 đồng/kg. Giá bán lợn hơi “đặc sản” hiện cũng không vượt quá 30.000 đồng/kg. Để tăng trọng được 1 kg lợn hơi, người chăn nuôi phải mất ít nhất là 2,5 kg thức ăn chăn nuôi. Bình quân mỗi kg thức ăn chăn nuôi phải mua ít nhất là 13.000 đồng/kg. Người chăn nuôi lợn đang thua lỗ nặng, đã có nhiều hộ lâm vào nợ nần và phải bỏ chuồng...
Một người làm trang trại tại xã Vĩ Thượng (Quang Bình) cho biết: Gia đình anh vừa bán vội 4 con lợn nái cho thương lái mổ thịt bán tại các chợ vùng cao. Số lợn con còn lại trong trang trại hiện là 55 con, số lợn thịt đến kỳ xuất chuồng hiện là 68 con. Cả số lợn con, lợn đã được thịt gọi bán không có người mua; hẹn hết người này, kêu đến người khác cùng chung mổ chia nhau ăn ai cũng từ chối. Anh lắc đầu, đàn lợn hiện đang làm tôi mắc nợ. Trong đó, mổ ăn thì ăn sao nổi, mà vứt bỏ đói thì đâu có đành... Thế mới có chuyện, cả làng hết người nọ đến nhà kia gọi nhau mổ lợn “làm rau” ăn cho vui. Nhiều người nói giễu cợt: Giai đoạn này, đời sống kinh tế nông thôn lên cao, nên nông dân cứ nuôi được bao nhiêu mổ ăn bấy nhiêu, không cần bán? Và thực tế tại các gia đình, các trang trại nuôi lợn đang khốn khổ vì nợ nần tiền mua cám, tiền vay vốn ngân hàng vì lợn nuôi không bán được, hoặc bán với giá quá thấp gây thua lỗ nặng.
Khảo sát một số người chuyên làm nghề mổ lợn bán tại các điểm chợ, họ cho biết: Giá lợn mà họ đang mua hiện chỉ dao động từ 22.000 – 25.000 đồng/kg, con lợn nào thật “xịn” có thời gian nuôi hàng năm trời trở lên và nuôi hoàn toàn bằng ngô, sắn họ mới bắt mà giá cũng không quá 30.000 đồng/kg. Giá mua lợn rẻ bắt đầu từ khoảng tháng 6.2016, kéo dài đến thời điểm hiện nay. Giá lợn hơi giảm mạnh, dẫn đến giá thịt lợn bán tại các chợ hiện tại cũng xuống rất thấp chỉ 35.000 – 45.000 đồng/kg. Hiện, người tiêu dùng được hưởng lợi, còn người chăn nuôi thì lâm vào thua lỗ. Đã có rất nhiều người chăn nuôi đang đứng trước tình trạng phá sản vì nợ ngân hàng, nợ tiền mua cám bã, và đã có rất nhiều gia đình, nhiều trang trại bỏ chuồng không dám đầu tư nuôi tiếp. Hiện tượng người chăn nuôi bỏ chuồng trong thời gian dài sẽ là lời “cảnh báo” dẫn đến thiếu hụt nguồn cung thực phẩm trong một tương lai không xa.
Vậy đâu là bài học? Nhìn lại thực tiễn cho thấy: Từ cuối năm 2015 đến đầu năm 2016, giá bán lợn hơi, lợn con tăng mạnh và không ngừng tăng cao trong những tháng đầu năm 2016. Thời điểm đó, mỗi kg lợn hơi bán ra có lúc lên tới 55.000 đồng/kg. Giá bán lợn con có những lúc đạt đỉnh 90.000 – 100.000 đồng/kg. Thế là làn sóng xây thêm chuồng, nuôi thêm lợn nái sinh sản cứ tăng lên như “diều gặp gió” trong nhân dân. Đã có rất nhiều lần các cơ quan chức năng đưa ra những lời khuyến cáo đối với người chăn nuôi, tuy nhiên, vẫn bị người chăn nuôi phớt lờ. Và đấy là bài học đắt giá cho “một cuộc chạy đua” thiếu cân nhắc.Quy luật thị trường vẫn dựa trên nguyên tắc “cung – cầu” để người sản xuất có hay không quyết định đầu tư mở rộng, hay dừng đầu tư. Riêng trong sản xuất nông nghiêp, việc cân nhắc thị trường là việc làm hết sức cần thiết. Bởi vì, điệp khúc “được mùa, mất giá” lâu nay, lúc nào, bao giờ cũng vẫn luôn đúng. Việc trong thời gian dài người chăn nuôi chạy theo tâm lý đám đông là anh làm, tôi cũng làm là sai lầm lớn. Kinh nghiệm của sản xuất nông nghiệp là làm trước, đi đầu, hoặc bỏ, dừng lại khi nhận thấy cây, con nào đó được tập trung đầu tư quá nhiều trong cùng một thời điểm. Hãy biết cách dừng lại, nhìn lại đúng lúc, đúng chỗ, đúng thời điểm để tránh thiệt hại.
Còn giai đoạn hiện tại, khi giá bán lợn hơi quá thấp người chăn nuôi phải biết lượng sức nuôi, liệu giá bán. Đồng thời, phải thận trọng cân nhắc có nên bỏ chuồng, hay nên đầu tư thích hợp để “đón lõng” thị trường chờ giá phục hồi...?. Đấy là những câu hỏi cần cân nhắc trước khi quyết định đầu tư sản xuất đối với từng hộ để tránh rủi ro.
Nguyễn Hùng
Ý kiến bạn đọc