Các cấp chính quyền đã thực sự"kiến tạo và hành động" vì doanh nghiệp
BHG - Chưa bao giờ giới doanh nhân cảm nhận được vai trò trung tâm phục vụ, cũng chưa bao giờ việc chuyển biến từ chính quyền quản lý sang phục vụ thể hiện rõ như hiện nay. Tinh thần kiến tạo, liêm chính, phục vụ đang lan tỏa mạnh mẽ trong khối hành chính Nhà nước, tiếp thêm động lực để các doanh nhân cống hiến, làm ra nhiều của cải cho xã hội. Những chia sẻ trên của các doanh nhân, chúng tôi ghi nhận được sau gần một năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Miền Tây, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng cơ bản (XDCB), đầu tư thủy điện cho rằng, cuộc đời doanh nhân của mình chưa bao giờ được đề cao như hiện nay. Mặc dù DN của ông, mỗi năm đóng nhiều tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động, trước đây, khi đến làm việc với cơ quan công quyền vẫn thấy bị phân biệt đối xử. Bởi lẽ, suốt một thời gian dài, mối quan hệ giữa DN với chính quyền mang nặng tính xin - cho. Từ khi Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ ra đời, cả guồng máy trong hệ thống chính trị đã chuyển động, tinh thần phục vụ được đặt lên hàng đầu, người dân và DN trở thành trung tâm, doanh nhân tập trung trí tuệ, nâng cao trình độ quản trị.Trước đây, DN thường gặp khó khăn, khi tiếp cận các thủ tục liên quan đến đất đai, quyết toán thuế, khai hải quan... Nhưng hiện nay, những thủ tục đó lại rất thuận lợi, chỉ cần ngồi tại văn phòng làm việc cũng có thể tra cứu đầy đủ thông tin trên Trang thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước - ông Bùi Văn Thích, Giám đốc Công ty TNHH Giang Sơn chia sẻ. Công ty TNHH Giang Sơn đã có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực XDCB, khai thác, chế biến khoáng sản, đầu tư thủy điện, doanh nhân Bùi Văn Thích không nhớ đã bao lần gõ cửa cơ quan công quyền; mặc dù cán bộ chuyên môn đã tạo thuận lợi, tuy nhiên có quá nhiều thủ tục trói buộc nên vẫn phải đi lại nhiều lần. Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng của tỉnh đã nỗ lực cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nhiều thủ tục cản trở đến sự phát triển chung đã bị loại bỏ, công tác thanh, quyết toán thuế thuận lợi hơn bao giờ hết.Từ những chia sẻ của các doanh nhân cho thấy, Nghị quyết 35/NQ-CP ra đời, sự chỉ đạo quyết liệt của các đồng chí lãnh đạo tỉnh; các cấp chính quyền, từng công bộc của dân đã thực hiện nghiêm tinh thần kiến tạo, phục vụ và mở ra nhiều thuận lợi, tạo niềm tin để DN, người dân phát huy tốt tính chủ động, sáng tạo. Hiện, hầu hết sở, ngành đã công khai các quyết định, chính sách, TTHC cho DN, nhà đầu tư, đặc biệt thông tin liên quan đến kinh doanh, hỏi đáp pháp lý, thị trường; ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác quản lý, điều hành, giải quyết TTHC, xây dựng chính quyền điện tử; 100% sở, ngành, huyện, thành phố đã triển khai hệ thống một cửa điện tử, liên thông với hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Tỉnh ta đã ban hành 42 quyết định công bố TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã với 1.479 TTHC; trong đó, mới ban hành 767 thủ tục, sửa đổi, bổ sung 55 thủ tục; có 1.281 TTHC được tin học hóa mức độ 3; cắt giảm 30-50% thời gian thực hiện các TTHC; 100% TTHC được niêm yết công khai, đầy đủ, rõ ràng trên Trang thông tin điện tử của tỉnh và ngành chức năng.
“Với tinh thần kiến tạo, phục vụ, cơ quan Thuế đã rút ngắn thời gian giải quyết TTHC từ 20-30% so với quy định; công khai cơ sở dữ liệu về hoàn thuế, đảm bảo 100% hồ sơ hoàn thuế được kiểm tra, 100% hồ sơ khiếu nại của người nộp thuế được giải quyết đúng thời hạn; 88% doanh nghiệp nộp thuế điện tử, giảm chi phí đi lại, thời gian khai thuế và nộp thuế; rút ngắn thời gian làm các thủ tục về thuế từ 537 giờ/năm, xuống còn 121 giờ/năm; thời gian hoàn thành các thủ tục đăng ký thuế, thay đổi thông tin đăng ký thuế 8 giờ, thời gian hoàn hành thủ tục nộp thuế 1,5 giờ” - Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Vũ Mạnh Hùng khẳng định.
Ông Hoàng Cừ, Phó cục trưởng Cục Hải quan tỉnh cho biết, với thời gian thông quan một lô hàng từ 2,5-2,7 phút, Hải quan Hà Giang trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu thực hiện CCHC trên địa bàn tỉnh. Qua đó, thu hút được nhiều DN, tư thương trong và ngoài tỉnh triển khai hoạt động xuất, nhập khẩu (XNK) hàng hóa qua các cửa khẩu. Nếu như trước đây, bình quân mỗi ngày chỉ có vài chục công - ten - nơ hàng hóa làm thủ tục XNK, thì nay bình quân cán bộ Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy tiếp nhận, xử lý từ 180-200 xe/ngày. Thực hiện phương châm làm hết việc, không ngại hết giờ; cán bộ Hải quan Hà Giang đã xử lý công việc một cách nhanh chóng, chuyên nghiệp, giúp hàng hóa thông quan nhanh, giảm chi phí phát sinh cho DN. Nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu suất công việc, Cục Hải quan đã chú trọng đầu tư, ứng dụng CNTT, thực hiện khai báo Hải quan từ xa, Hải quan điện tử, thông quan tự động..., nên kim ngạch XNK hàng hóa liên tục tăng qua các năm.Mới đây, tại buổi làm việc với Đoàn công tác Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN Nhà nước T.Ư về tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ, lãnh đạo tỉnh ta khẳng định: Các cấp, ngành luôn cố gắng, phấn đấu thực hiện có hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ; luôn song hành cùng nhà đầu tư, DN. Tỉnh ta đã triển khai thực hiện các đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; các hoạt động xúc tiến đầu tư, tuyên truyền, quảng bá, CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được đẩy mạnh..., thu hút nhiều dự án lớn đầu tư vào địa bàn; khuyến khích DN đổi mới thiết bị, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại hóa và khoa học quản lý mới vào sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tỉnh ta thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển DN, tạo công ăn việc làm cho lao động, góp phần tích cực vào tiến trình phát triển KT-XH.
Bên cạnh những chuyển biến sau gần một năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP, việc giải quyết thủ tục về đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng cho các DN có lúc, có nơi còn lúng túng, thiếu đồng bộ, chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả; nợ đọng xây dựng cơ bản chưa giải quyết dứt điểm, trình độ nguồn nhân lực thấp; sức cạnh tranh của DN địa phương ở mức thấp, quy mô nhỏ, trình độ công nghệ và thiết bị còn lạc hậu, cơ cấu ngành, nghề chưa hợp lý, khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng còn hạn chế, các sản phẩm chủ lực của địa phương chưa đa dạng, chưa thiết lập được thị trường tiêu thụ ổn định... Nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ, tỉnh ta tiếp tục đẩy mạnh CCHC, tạo thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo, bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh; giảm chi phí kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN.
THIÊN THANH
Ý kiến bạn đọc