Bắc Quang hướng đến quản lý bền vững tài nguyên rừng

07:25, 27/04/2017

BHG- Chuyển đổi từ quản lý rừng truyền thống sang quản lý rừng bền vững (QLRBV) theo các tiêu chuẩn QLRBV của Hội đồng Quản trị rừng thế giới là việc làm chưa từng có trong tiền lệ của tỉnh. Song, từ năm 2016 đến nay, Bắc Quang là huyện tiên phong thực hiện việc làm này nhằm hướng đến mục tiêu QLRBV, góp phần đảm bảo lợi ích bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường cho con người ở thế hệ hiện tại và tương lai.

Việc tham gia xây dựng FSC mở ra cơ hội phát triển rừng bền vững cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Bắc Quang.
Việc tham gia xây dựng FSC mở ra cơ hội phát triển rừng bền vững cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Bắc Quang.

Hiện nay, huyện Bắc Quang có tổng diện tích đất lâm nghiệp đạt trên 79 nghìn ha (chủ yếu là rừng phòng hộ và sản xuất), đưa tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 65,4%. Đặc biệt, đây không chỉ là vùng nguyên liệu chính cung cấp cho hoạt động của 3 công ty lâm nghiệp đóng trên địa bàn huyện mà còn giúp nhiều hộ trồng rừng nâng cao thu nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của huyện. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc khai thác tiềm năng rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện chưa thực sự hiệu quả. Giá trị kinh tế từ rừng chưa cao, năng suất, chất lượng rừng trồng còn thấp. Cùng với đó, công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng đa phần nhỏ lẻ, đầu tư chưa đồng bộ, chưa tạo được chuỗi liên kết trong phát triển sản xuất lâm nghiệp và chưa thu hút được nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất lâm nghiệp...

Xuất phát từ thực tế trên, nhằm xây dựng vùng nguyên liệu bền vững theo tiêu chuẩn QLRBV của Hội đồng Quản trị rừng thế giới, tháng 1.2016, cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang phối hợp với Công ty Cổ phần Công nghiệp và Xuất, nhập khẩu lâm nghiệp (CPCN&XNK) Hà Giang thí điểm áp dụng QLRBV và Chứng chỉ rừng (FSC) cho nhóm hộ trồng rừng, thuộc 4 xã: Đồng Yên, Thượng Bình, Bằng Hành, Kim Ngọc của huyện Bắc Quang. Anh Đỗ Xuân Hân, Công ty CPCN&XNK Hà Giang cho biết: FSC được ví như công cụ mềm để thiết lập QLRBV, nghĩa là chuyển lâm nghiệp khai thác lâm sản là chính sang sử dụng tổng hợp rừng với 3 chức năng: Kinh tế, môi trường và xã hội theo các tiêu chuẩn QLRBV của Hội đồng Quản trị rừng thế giới. Trong đó, để đảm bảo rừng sản xuất được quản lý bền vững, các cơ sở kinh doanh rừng phải đạt Tiêu chuẩn QLRBV. Và để xác nhận QLRBV không thể thiếu khâu tổ chức đánh giá, cấp FSC...

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, đến nay 1.006,87 ha rừng, chủ yếu là rừng keo thuộc sở hữu của 374 hộ trên địa bàn huyện Bắc Quang đã được cấp FSC. Với độ tuổi trung bình từ 2 – 3 tuổi, những diện tích rừng được cấp FSC này sẽ rút ngắn chu kỳ kinh doanh, tạo thu nhập sớm cho hộ trồng rừng. Không những vậy, sản phẩm từ rừng được cấp FSC có tính cạnh tranh cao, dễ dàng xuất khẩu sang thị trường quốc tế. Vì gỗ được khai thác từ diện tích rừng được cấp chứng chỉ không những tuân thủ các quy định liên quan đến tính pháp lý mà còn tuân thủ các quy định liên quan đến môi trường, xã hội và kinh tế. Trong khi đó, chương trình QLRBV của cộng đồng quốc tế (bao gồm tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chế biến, tiêu thụ gỗ) đã cam kết chỉ sử dụng và lưu thông trên mọi thị trường thế giới những sản phẩm gỗ được khai thác hợp pháp từ những khu rừng được quản lý bền vững, nghĩa là đã được cấp FSC. Như vậy, hàng nghìn ha rừng của huyện Bắc Quang được cấp FSC đã mở ra bước ngoặt quan trọng cho nghề trồng rừng trên địa bàn huyện. Từ đây, sản phẩm từ rừng được cấp chứng chỉ có quyền xuất khẩu vào thị trường quốc tế và được hưởng giá trị kinh tế cao hơn so với rừng không được cấp FSC. Đặc biệt, trong chương trình phối hợp với cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang, Công ty CPCN&XNK Hà Giang cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm gỗ keo (ngọn, cành, thân) cho các hộ xây dựng FSC với giá tăng từ 10-15% so với cây cùng loại không có FSC theo giá tại thời điểm thu mua.

Chia sẻ thêm về nội dung trên, Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang Nguyễn Trung Hiếu cho biết: Qua nghiên cứu và thực tế cho thấy việc quản lý, kinh doanh rừng theo tiêu chuẩn QLRBV của Hội đồng Quản trị rừng thế giới tạo giá trị kinh tế cao, đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng dân cư và góp phần quan trọng bảo vệ môi trường sống. Vì việc QLRBV là nhằm đạt những mục tiêu quản lý đã đề ra. Trên cơ sở đó, đảm bảo sản xuất liên tục sản phẩm, dịch vụ từ rừng mà không làm giảm đáng kể giá trị và năng suất của rừng trong tương lai, nhất là không gây ra những tác động tiêu cực với môi trường tự nhiên và xã hội... Với mong muốn hình thành chuỗi liên kết “4 nhà” trong lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân từ trồng rừng, huyện Bắc Quang quyết tâm thực hiện hiệu quả việc xây dựng FSC và QLRBV, mặc dù đây là việc làm rất mới đối với huyện...

Trong xu thế hội nhập hiện nay, đặc biệt là hợp tác về lâm nghiệp trong khối ASEAN tập trung chủ yếu vào quá trình QLRBV, thì việc xây dựng FSC để QLRBV là việc làm cấp thiết. Song song với đó, với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của rừng sản xuất, ứng phó trước biến đổi khí hậu... thì cách làm của huyện Bắc Quang sẽ tạo đà quan trọng để sản phẩm từ rừng có bước vươn xa đến thị trường quốc tế.

THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nâng cao ý thức hội nhập qua giá trị nông sản

BHG- Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập từ cuối năm 2015, tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng thị phần xuất khẩu sang thị trường các nước trong khu vực. Tuy nhiên, muốn hiện thực hóa các cơ hội, từng doanh nghiệp, nông dân cần chủ động, linh hoạt nâng cao năng lực cạnh tranh nhiều mặt.

27/04/2017
Agribank Quang Bình, nguồn lực thúc đẩy các hộ sản xuất, kinh doanh phát triển hiệu quả

BHG - Thời gian qua, Agribank Quang Bình đã giúp nhiều hộ dân nơi đây phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng quy mô, lĩnh vực sản xuất; tiếp tục là "điểm tựa" tin cậy cho người dân vươn lên, làm giàu chính đáng.

26/04/2017
Agribank Thanh Thủy tạo mọi điều kiện tiếp cận vốn tín dụng

BHG- Chi nhánh Agribank Thanh Thủy hoạt động chính trên địa bàn 5 xã của huyện Vị Xuyên, gồm: Thanh Thủy, Thanh Đức, Lao Chải, Xín Chải và Phương Tiến. Đây là khu vực có mặt bằng dân trí không đồng đều, KT – XH  chênh lệch lớn; nhu cầu vay vốn của người dân các xã lớn, nhưng số hộ có điều kiện, nhu cầu vay vốn lớn để mở rộng quy mô phát triển kinh tế không nhiều... đã gây khá nhiều khó khăn trong hoạt động của ngân hàng.

26/04/2017
Quản Bạ tổ chức Hội chợ việc làm

BHG - Ngày 26.4, huyện Quản Bạ tổ chức hội chợ việc làm năm 2017. Tham dự có đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo huyện Quản Bạ. 

26/04/2017