Tự tin hội nhập với nền kinh tế thế giới
BHG- Nghị quyết 06 - NQ/TW Hội nghị lần thứ 4, BCH T.Ư Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị, xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới xác định: Doanh nhân, doanh nghiệp, đội ngũ trí thức là lực lượng đi đầu trong tiến trình hội nhập. Nghị quyết ra đời đã tạo sự hứng khởi, khích lệ doanh nhân, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư công nghệ, nâng cao hàm lượng chất xám trong sản phẩm, chủ động, tự tin tiếp cận với “sân chơi” lớn.
Sản xuất ván dán xuất khẩu tại Nhà máy Chế biến gỗ công nghiệp Vị Xuyên. |
Sau khi thực hiện thành công tiến trình cổ phần hóa, Công ty Cổ phần Cơ khí khoáng sản Hà Giang đã có sự bứt phá mạnh mẽ, trở thành một trong những doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh chủ động mở rộng quan hệ, hợp tác, làm ăn với nước ngoài. Nắm trong tay dòng kim loại chiến lược của ngành sản xuất công nghiệp, xuất hiện sớm trên sàn chứng khoán, giá trị cổ phiếu luôn có sự tăng trưởng nên sản phẩm A-H của công ty đã tạo thương hiệu vững chắc, được nhiều đối tác biết đến. Khi mới vươn ra “biển lớn”, toàn bộ sản phẩm Ăng - ti - mon kim loại được công ty phối hợp với các đối tác xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Sau nhiều năm “mang chuông đi đánh xứ người”, công ty nhận thấy làm ăn với đối tác Nhật Bản có nhiều ưu thế hơn nên đã tập trung toàn bộ sản phẩm cho thị trường này. Năm 2016, Công ty khai thác được 7.140 tấn quặng nguyên khai, tăng trên 2 nghìn tấn so với năm 2015; luyện được trên 4.137 tấn kim loại; tiêu thụ trên 5 nghìn tấn A - H, doanh thu trên 90 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước gần 14 tỷ đồng.
Mặc dù “sinh sau, đẻ muộn”, nhưng Công ty Cổ phần công nghiệp và xuất, nhập khẩu lâm nghiệp Hà Giang cũng có thành tích đáng nể trong việc chủ động đưa sản phẩm tiếp cận thị trường thế giới. Nhà máy Chế biến gỗ công nghiệp Vị Xuyên của công ty được xây dựng tại Khu công nghiệp Bình Vàng, tổng vốn đầu tư trên 295 tỷ đồng gồm 3 dây chuyền sản xuất ván MDF, ván dán, ván thanh. Trong đó, dây chuyền sản xuất ván MDF, công suất 80 nghìn m3/năm, tổng mức đầu tư khoảng 163 tỷ đồng; dây chuyền sản xuất ván dán có công suất 50 nghìn m3/năm, tổng vốn đầu tư trên 74 tỷ đồng; dây chuyền ván thanh, ván ghép thanh, công suất 20 nghìn m3/năm, tổng mức đầu tư khoảng 57 tỷ đồng.
Hiện tại, dây chuyền sản xuất ván dán đã hoạt động ổn định, cho ra 2 dòng sản phẩm dùng làm cốp - pha xây dựng và bao bì đóng gói hàng hóa. Trong đó, 80% sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, 20% tiêu thụ nội địa. Thời gian tới, công ty tiếp tục hoàn thiện quá trình đầu tư, đưa dây chuyền sản xuất ván MDF và ván thanh, ghép thanh vào hoạt động nhằm tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho lao động địa phương, nâng cao giá trị gỗ rừng trồng cho người nông dân, góp phần tăng thu ngân sách địa phương. Trao đổi với phóng viên, đại diện lãnh đạo công ty cho biết, trên địa bàn tỉnh diện tích được cấp chứng chỉ rừng bền vững ngày càng nhiều, đây là nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng để doanh nghiệp tạo ra những sản phẩm có hồ sơ, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đáp ứng tốt yêu cầu của đối tác nước ngoài.
Cùng với việc chủ động đầu tư, đưa sản phẩm hàng hóa ra nước ngoài tiêu thụ, trong quá trình hợp tác kinh tế quốc tế, tỉnh ta cũng đón nhận nhiều doanh nhân, nhà đầu tư nước ngoài đến địa bàn. Thời gian gần đây, Công ty Cổ phần hỗ trợ Công nghiệp phụ trợ Nhật Việt đang tích cực triển khai các hoạt động hợp tác, đầu tư vào tỉnh. Ông Murooka Katsunory, Chủ tịch Tổ chức hỗ trợ công nghiệp phụ trợ Nhật Bản cho biết, qua tìm hiểu thực tế chính sách thu hút đầu tư, thị trường, sản vật, điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác, sản xuất của người dân, ông nhận thấy có nhiều tiềm năng, lợi thế trong hợp tác phát triển với Hà Giang, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, du lịch. Hiện đã có nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản đầu tư sang Việt Nam, nhưng Tổ chức hỗ trợ công nghiệp phụ trợ Nhật Bản mong muốn tạo ra mô hình hợp tác mới, bền vững, thân thiện môi trường và tôn trọng văn hóa bản địa.
Sau một thời gian triển khai các thủ tục, Công ty Cổ phần hỗ trợ Công nghiệp phụ trợ Nhật Việt đã được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Ngoài việc triển khai dự án, doanh nghiệp mong muốn sẽ trở thành cầu nối giữa người dân, các doanh nghiệp Nhật Bản với Hà Giang. Trước mắt, công ty sẽ phối hợp với các đối tác của Hà Giang, thực hiện Dự án Đầu tư Bệnh viện phục hồi chức năng Nhật Việt quy mô 300 giường bệnh chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng cho người cao tuổi, tổ chức hoạt động nghỉ dưỡng, an dưỡng, chăm sóc sức khỏe. Ông Murooka Katsunory cho biết, hiện có nhiều người cao tuổi của Nhật Bản muốn đăng ký điều trị bệnh tại Bệnh viện phục hồi chức năng, khu vực suối khoáng nóng Quảng Ngần (Vị Xuyên)...
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, Nghị quyết 06 về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị, xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã mở cánh cửa rất rộng cho doanh nghiệp, doanh nhân bước ra thế giới bên ngoài. Nhưng chỉ những doanh nghiệp làm ăn bài bản, trình độ quản trị tốt, sản phẩm chất lượng mới có thể tiến được vào “sân chơi” quốc tế. Từ thực tế đó, nhìn vào điều kiện địa phương, số doanh nghiệp của tỉnh có thể chủ động hội nhập kinh tế, triển khai các hoạt động hợp tác, đầu tư quốc tế còn khá khiêm tốn. Thực tại này một phần vì tư tưởng làm ăn vẫn mang tính “ao làng”, phần vì nhiều doanh nhân chưa có kiến thức, chưa đủ lực để tự tin vươn ra “biển lớn”.
Các chuyên gia cũng khuyên, muốn hội nhập được với thế giới, các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức, chủ động trang bị kiến thức, tìm hiểu sâu các quy định của WTO, cam kết trong các Hiệp định FTA... từ đó tận dụng cơ hội, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện nay, nước ta đã thiết lập quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã ký kết, thực thi nhiều hiệp định thương mại quan trọng, mở ra con đường hội nhập thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và nền kinh tế với đối tác thương mại lớn. Thông qua thực thi các cam kết, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam cũng được cải thiện mạnh mẽ, tạo điều kiện để doanh nghiệp tự do sáng tạo, kinh doanh, làm ra nhiều của cải cho xã hội.
Nghị quyết 06 Hội nghị lần thứ 4, BCH T.Ư Đảng khóa XII đã mở rộng cánh cửa, tạo mọi điều kiện thuận lợi, còn tiếp cận được “sân chơi” lớn hay không hoàn toàn phụ thuộc vào chính bản thân mỗi doanh nghiệp. Hơn lúc nào hết, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp, doanh nhân của tỉnh cần tận dụng tốt mọi thời cơ, tập trung đầu tư, sản xuất kinh doanh bài bản, chuyên nghiệp, đúng pháp luật, bắt nhịp được những chuẩn mực của khu vực, quốc tế, tự tin, hội nhập thành công với nền kinh tế thế giới.
THIÊN THANH
Ý kiến bạn đọc