Phát triển chăn nuôi ở xã Nà Chì, giải pháp và bài học

07:31, 09/03/2017

BHG - 24 nhóm sở thích (NST) phát triển chăn nuôi đại gia súc đã mang lại thu nhập cao trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở Nà Chì (Xín Mần). Hiện nay, phát triển chăn nuôi đang tạo ra chất “xúc tác” thúc đẩy nhân dân xã Nà Chì vươn lên.

Để có được các mô hình chăn nuôi tập trung và các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, người dân xã Nà Chì đã chuyển đổi hàng trăm ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi. Các giống cỏ chất lượng cao như cỏ Voi, VA06, Mobasa đã được đưa vào trồng rộng trong toàn dân. Tính đến hết tháng 12.2016, người dân xã Nà Chì đã trồng được trên 134,5 ha cỏ các loại theo hướng tập trung. Còn lại, những diện tích đất trống, đất hở, đất rỗi (đất bên lề đường, đất bên sườn đồi núi có độ dốc cao...) đều được tận dụng trồng cỏ để làm thức ăn chăn nuôi gia súc. Theo thống kê đã có vài chục ha diện tích cỏ đã được trồng theo giải pháp tận dụng nêu trên và đã hỗ trợ thức ăn hiệu quả cho phát triển đàn trâu, bò, dê tại Nà Chì hiện nay.

Gia đình anh Hoàng Đức Hưng, thôn Nà Chì, xã Nà Chì, đầu tư chăn nuôi đại gia súc mang lại lợi ích cao hơn nhiều so với trồng cây lương thực.
Gia đình anh Hoàng Đức Hưng, thôn Nà Chì, xã Nà Chì, đầu tư chăn nuôi đại gia súc mang lại lợi ích cao hơn nhiều so với trồng cây lương thực.

Câu chuyện về các NST cùng chung ý chí phát triển chăn nuôi thành thế mạnh của sản xuất nông nghiệp địa phương, anh Hoàng Đức Hưng, thôn Nà Chì đang có đàn trâu 16 con, đàn dê và đàn lợn đen mỗi đàn vài chục con, cho biết: Tiềm năng phát triển chăn nuôi ở Nà Chì chính là tài nguyên về đất đai rộng lớn, độ ẩm cao, cỏ cây xanh tốt quanh năm. Tận dụng được mặt bằng đất đai rộng, lại có nguồn thức ăn xanh dồi dào, tận dụng được sức lao động nhàn dỗi... đấy là những điều kiện tiên quyết để các NST cùng chung ý tưởng “biến” đất đai, cỏ cây thành “sức bật” của ngành chăn nuôi đại gia súc ở Nà Chì. Hiện tại, chăn nuôi của các hộ trong xã đã và đang thực hiện có hiệu quả, rất tiềm năng, anh Hưng khẳng định.Làm thế nào xã Nà Chì tổ chức được 24 nhóm, hàng trăm hộ cùng chung sở thích chăn nuôi!? Các anh lãnh đạo xã cho biết, Đảng uỷ, chính quyền đã cùng các tổ chức: Hội Nông dân, Cựu chiến binh, Phụ nữ,... bám dân tuyên truyền, giải thích lợi ích của chăn nuôi, lợi thế của việc cắt giảm diện tích đất xấu để chuyển sang trồng cỏ, nuôi gia súc. Phân tích cái được, cái mất trong việc chuyển dịch cây trồng, vật nuôi cho người dân hiểu rõ, nhận thức rõ. Vận động cán bộ xã, đảng viên ở thôn bản đi trước, làm trước rồi lôi kéo quần chúng làm theo. Và các NST chăn nuôi cũng từ đó hình thành rồi lan rộng ra 13 thôn, bản, vài trăm hộ cùng làm.

Tính đến hết tháng 12.2016, xã Nà Chì đã có hàng trăm hộ trong các NST đầu tư trồng mới hàng chục ha cỏ, xây mới chuồng trại, vay thêm vốn Ngân hàng để nuôi trâu, bò, dê, lợn. Các hộ mới tham gia vào các NST thực hiện chăn nuôi đều cam kết với chính quyền, đầu tư quy mô, nuôi khép kín để xử lý ô nhiễm môi trường. Sự cam kết trên được nhân dân giám sát ngay tại thôn, bản và được sự trợ giúp tích cực của đội ngũ cán bộ thú y viên. Và cũng chính đội ngũ cán bộ thú y cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao kiến thức chăn nuôi, phòng dịch cho đàn gia súc, được hưởng thù lao tiêm phòng theo quy định do chính người chăn nuôi chi trả.

Với bản chất cần cù của người dân, sự vào cuộc của chính quyền cơ sở, sự hỗ trợ vốn vay từ phía Ngân hàng đồng bào Nà Chì đã từng bước đưa chăn nuôi đại gia súc từ manh mún trở thành hướng phát triển chủ đạo của nền kinh tế địa phương. Tính đến hết năm 2016, xã Nà Chì có đàn trâu 2.178 con, đàn dê gần 2.000 con, đàn lợn trên 5.500 con, gia cầm trên 35.000 con... Theo con số thống kê chưa đầy đủ, Nà Chì hiện nay có hàng trăm hộ chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung. Đã có rất nhiều hộ vượt qua đói nghèo vươn lên làm giàu nhờ vào chăn nuôi đại gia súc.

Mục tiêu phát triển chăn nuôi năm 2017, được xác định là hướng chỉ đạo đầu tư “trọng tâm” và hỗ trợ vốn vay có “trọng điểm”. Cụ thể: Phát triển đàn trâu theo quy mô trang trại dưới 2 thể thức là nuôi sinh sản (có tác động của KHKT để lai giống chất lượng cao để cải tạo đàn) và nuôi vỗ béo. Phát triển đàn lợn và mở rộng diện tích chăn thả đàn dê (ở các thôn có diện tích rừng lớn) thành các trang trại tập trung. Tiếp tục giao và gắn trách nhiệm đội ngũ thú y với các hộ, các mô hình chăn nuôi để phát triển đàn gia súc ổn định, hiệu quả và bền vững.

Bài, ảnh: Nguyễn Hùng


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội nghị trực tuyến giao ban tiến độ thực hiện chính sách Nghị quyết 209 và tham gia vào Dự thảo sửa đổi, bổ sung chính sách cho Nghị quyết

BHG - Ngày 28.2, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến giao ban tiến độ thực hiện chính sách theo Nghị quyết 209 và tham gia vào Dự thảo sửa đổi, bổ sung chính sách cho Nghị quyết 209. 

28/02/2017
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến làm việc với Đoàn đánh giá của ADB

BHG- Chiều 27.2, tại trụ sở UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số Sở, ngành đã có buổi làm việc với Đoàn đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) do ông David Salter, Chuyên gia cao cấp ADB làm Trưởng đoàn về Dự án Hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc -  Tiểu dự án tại Hà Giang.

28/02/2017
"Công ty Phương Đông đồng hành cùng sự phát triển của Hà Giang"

BHG - Đó là chia sẻ của Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Phương Đông, Đỗ Ngọc Thuận khi nói về hoạt hoạt động kinh doanh của công ty trong những năm qua và thời gian tới.

08/03/2017
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn tiếp xã giao Giám đốc chương trình Quốc gia IFAD tại Việt Nam

BHG- Chiều 7.3, tại trụ sở UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi tiếp xã giao ông Henning V.Pedersen, Giám đốc Chương trình Quốc gia IFAD tại Việt Nam.

08/03/2017