Nhói lòng... cam rụng!

07:41, 21/03/2017

BHG- Chỉ sau đêm mưa, những trái cam Sành nức tiếng nơi miền cam Bắc Quang bỗng dưng thối, rụng vàng khắp khu vườn. Hiện tượng bất thường, chưa từng có trong lịch sử làm vườn này khiến nhiều người trồng cam ở đây không khỏi xót xa...

Sau những trận mưa, cam rụng với số lượng lớn khiến nhiều nhà vườn trên địa bàn huyện Bắc Quang không khỏi xót xa.
Sau những trận mưa, cam rụng với số lượng lớn khiến nhiều nhà vườn trên địa bàn huyện Bắc Quang không khỏi xót xa.

Cam rụng bất thường

Nhiều ngày qua, trên địa bàn các xã trọng điểm cam Sành của huyện Bắc Quang, như: Việt Hồng, Tiên Kiều, Vĩnh Hảo,... xuất hiện những cơn mưa. Và sau những cơn mưa này, cam bắt đầu rụng với số lượng lớn, thậm chí có vườn cam Sành thiệt hại hoàn toàn.Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND xã Việt Hồng cho thấy: Hiện toàn xã có 11 hộ/19 ha cam Sành tập trung ở thôn Việt Hà và Hồng Thái bị thiệt hại, ước tính trên 368 tấn quả; tương đương số tiền 5,1 tỷ đồng. Sở hữu 5 ha cam Sành với sản lượng ước đạt 250 tấn, giờ đây, anh Vũ Duy Túc, xã Việt Hồng khó có thể nguôi nỗi xót xa khi ước thiệt hại lên đến 200 tấn quả. Hay hộ anh Nguyễn Xuân Định cùng xã có 2,6 ha cam Sành với sản lượng khoảng 27 tấn quả thì nay, con số thiệt hại lên đến 24 tấn... Tương tự xã Việt Hồng, Tiên Kiều là địa phương có số lượng cam thối, rụng tương đối lớn, lên đến 1.960 tấn quả, trải rộng khắp 6/8 thôn của xã với 112 hộ bị thiệt hại (ước thiệt hại từ 40 – 60% sản lượng quả). Cá biệt, nhiều hộ trồng cam của thôn Giàn Hạ, như anh  Ấu Văn Kỳ (2,8 ha), Đặng Văn Liều (0,2 ha) bị thiệt hại 100% sản lượng/diện tích vườn...

Ai đã từng mãn nhãn trước những vườn cam Sành trĩu quả, nhuộm vàng khu vườn mùa thu hoạch thì nay không khỏi xót xa trước cảnh cam rụng la liệt, thối, mốc khắp vườn... Thay vì được cắt từng trái cam Sành thơm ngon nức tiếng đến tay người tiêu dùng thì nay, biết bao người trồng cam trên địa bàn huyện Bắc Quang nghẹn lòng gom từng trái cam rụng đem chôn lấp. “Vì nếu không dọn vườn, số lượng lớn cam thối, rụng sẽ làm ô nhiễm đất. Dễ lây lan, phát tán bệnh nấm mốc đến những quả còn nguyên và làm ảnh hưởng đến đất sản xuất vụ sau”, anh Vũ Duy Tiến (xã Việt Hồng) nghẹn ngào chia sẻ. 

Thiệt hại “kép”...

Vụ thu hoạch năm nay, người trồng cam phải đối diện với thực tế: Được mùa – mất giá. Và đây cũng là một trong những nguyên do khởi phát dẫn đến hệ lụy nghẹn lòng... cam rụng. Thời điểm trước Tết Nguyên đán, giá cam Sành cắt tại vườn chỉ đạt mức bình quân 5 – 6 nghìn đồng/kg, rồi nhích dần lên mốc 11 – 15 nghìn đồng/kg sau Tết. Càng về cuối vụ, giá bán cam có xu hướng tăng. Đến thời điểm này, giá cam Sành VietGAP tại vườn đã có giá dao động từ 17 – 20 nghìn đồng/kg. Chính điều này khiến nhiều nhà vườn quyết giữ cam cho đến khi được giá mới xuất bán. Song, “niềm vui chưa tày gang”, đúng thời điểm cam Sành lên giá thì nghịch cảnh xuất hiện. Đó là thiên tai, khiến cam Sành rụng bất thường với số lượng lớn.

Không chỉ thiệt hại hàng tỷ đồng về kinh tế, nhà vườn còn phải đối diện với nhiều lo lắng. Bởi, từ thực tế này, dễ khiến tư thương ép giá vì e ngại chất lượng cam khó đảm bảo vẹn nguyên từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng. Hơn nữa, theo nhận định của Chủ tịch UBND xã Việt Hồng, Phan Văn Công: Nhiều tư thương đã đầu tư tiền tỷ để thu mua một số vườn cam trên địa bàn xã. Tiền đặt cọc trao tay nhưng chưa kịp thu hoạch thì thiệt hại xảy đến. Do vậy, nếu không hài hòa quyền, lợi ích chính đáng giữa chủ vườn và tư thương thì hệ lụy xấu từ bất đồng quan điểm là điều khó tránh khỏi... Mặt khác, để đầu tư chăm sóc vườn cam, nhiều nhà vườn phải vay vốn ngân hàng. Giờ họ đối diện thực tế thất thu mà chưa tìm được lời giải cho bài toán hoàn vốn. Hơn nữa, nhiều hộ kinh doanh vật tư nông, lâm nghiệp như anh Vũ Duy Tiến, Vũ Duy Túc (xã Việt Hồng) đã đầu tư hàng tỷ đồng tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho hàng trăm hộ dân trong xã, chờ sau thu hoạch cam mới thu hồi vốn. Và nay, bao hộ trong số đó, vụ cam này thất thu...

... Và bài học quý

Trước thực tế cam rụng bất thường, ngày 15.3.2017, đoàn công tác của Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm, thủy sản tỉnh (Sở NN&PTNT Hà Giang) đã kiểm tra, khảo sát thực tế tại một số nhà vườn trên địa bàn huyện Bắc Quang.

Dù còn trên cây nhưng nhiều quả cam có hiện tượng thối, mốc chờ rụng.
Dù còn trên cây nhưng nhiều quả cam có hiện tượng thối, mốc chờ rụng.

Đánh giá sơ bộ nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, đoàn công tác nhận định: Thời điểm cam rụng, hầu hết sản lượng cam của các nhà vườn đã đạt độ chín vượt ngưỡng. Trước thời gian phát sinh đợt mưa, thời tiết ấm và khô hanh. Do vậy, khi gặp mưa lớn, kéo dài, cây hút nước đưa lên quả, làm tăng trọng lượng quả. Mặt khác, tế bào biểu bì và lớp tầng rời giữa quả và cuống gặp nước gây trương, nở, tạo nấm mốc phát triển. Từ đó, dẫn đến hiện tượng cam thối, rụng với số lượng lớn... Trước thực tế trên, nhiều nhà vườn nhận ra rằng: Không nên để cam treo cành quá lâu. Vì điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng quả, dễ thiệt hại do thiên tai mà còn khiến cây suy kiệt dinh dưỡng, ảnh hưởng đến khả năng ra hoa, đậu quả ở vụ sau. Hơn nữa, cần đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt cho vườn cam, nếu không, phải thực hiện tưới thủ công khi thời tiết hanh khô. Điều này giúp cây thời kỳ thu hoạch dễ cân bằng lượng nước, tránh tình trạng thất thu như trên.

Mặc dù phải đối diện với thiệt hại “kép”, song, quyết tâm của anh Vũ Duy Tiến (xã Việt Hồng) khiến chúng tôi thêm trân trọng người trồng cam chân chính: “Dù có mất thêm bạc tỷ, khi cam chưa ổn định sau thiệt hại, chúng tôi kiên quyết không bán sản phẩm. Không tận dụng cam rụng đem đi tiêu thụ, làm ảnh hưởng đến thương hiệu cam Sành Hà Giang”. Và chia sẻ của anh cũng khiến chúng tôi trăn trở: “Bằng lương tâm, trách nhiệm, danh dự của mình chúng tôi luôn mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm cam Sành chất lượng. Nhưng thiệt hại này là điều không lường trước, khiến nhiều nhà vườn thiệt hại lớn về kinh tế, thậm chí mất trắng và tăng dần khoản nợ. Do vậy, chúng tôi mong nhận được sự hỗ trợ một phần của Nhà nước để đảm bảo sản xuất vụ sau”...

THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Vị Xuyên đẩy mạnh sản xuất rau trong nhà lưới

BHG- Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Vị Xuyên có 21 hộ dân tham gia sản xuất rau an toàn trong nhà lưới, tổng diện tích đăng ký và đã thực hiện được trên 18,2 nghìn m2. Sản phẩm rau trồng trong nhà lưới gồm bắp cải các loại, cà chua, su hào, dưa kim cô nương, rau thủy canh... qua 5 vụ sản xuất cho thấy, rau sinh trưởng, phát triển tốt, được thị trường đón nhận, giá bán cao hơn phương pháp canh tác truyền thống. 

21/03/2017
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Giang triển khai Thông tư 39

BHG- Sáng 18.3 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Hà Giang đã tổ chức Hội nghị triển khai Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tham dự hội nghị có đại diện Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc và cán bộ tín dụng của 9/9 quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh.

19/03/2017
Lễ ký kết thỏa thuận liên ngành về việc thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn

BHG- Chiều 17.3, Ngân hàng No&PTNT - Agribank Hà Giang đã tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận liên ngành về việc thực hiện Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn với Hội LHPN tỉnh, Tỉnh đoàn thanh niên và Hội Nông Dân tỉnh. 

18/03/2017
"Bước đi" tái cơ cấu nông nghiệp ở Mèo Vạc

BHG- Đối với vùng đất khó khăn như Mèo Vạc, để nông nghiệp phát triển bền vững luôn là một "bài toán khó". Tuy nhiên, sau hơn một năm triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp (TCCNN), với việc đánh giá đúng thực trạng và xác định cây, con thế mạnh phù hợp điều kiện thực tế đang giúp địa phương có những bước đi khá vững chắc, dần tạo dựng cho người nông dân hướng đi thoát nghèo bền vững.

18/03/2017