"Bước đi" tái cơ cấu nông nghiệp ở Mèo Vạc
BHG- Đối với vùng đất khó khăn như Mèo Vạc, để nông nghiệp phát triển bền vững luôn là một “bài toán khó”. Tuy nhiên, sau hơn một năm triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp (TCCNN), với việc đánh giá đúng thực trạng và xác định cây, con thế mạnh phù hợp điều kiện thực tế đang giúp địa phương có những bước đi khá vững chắc, dần tạo dựng cho người nông dân hướng đi thoát nghèo bền vững.
Thông qua tái cơ cấu nông nghiệp, nhiều gia đình ở xã Sơn Vĩ (Mèo Vạc) đã mạnh dạn phát triển chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa. |
Theo đánh giá của những người làm nông nghiệp ở Mèo Vạc, do khí hậu khắc nghiệt, đất sản xuất ít, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất đã khiến cho nền nông nghiệp ở Mèo Vạc gặp không ít khó khăn trong việc áp dụng KHKT vào sản xuất. Mặt khác, do trình độ nhận thức của người nông dân còn nhiều hạn chế; phong tục, tập quán canh tác lâu đời nên sản phẩm nông nghiệp đa số bán dưới dạng thô hoặc sơ chế; công nghiệp chế biến nông sản chưa phát triển; hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và cơ giới hóa trong nông nghiệp ở tất cả các khâu sản xuất còn chiếm tỷ lệ thấp. Bên cạnh đó, khả năng nắm bắt thông tin thị trường sản xuất hàng hóa chậm; dịch vụ cho sản xuất còn hạn chế; xuất phát điểm kinh tế hộ thấp; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao; kỹ năng sản xuất gắn với thị trường còn yếu. Trong khi đó, đa số cây trồng, vật nuôi bản địa có chất lượng tốt nhưng chỉ dừng lại ở dạng tiềm năng; sản phẩm hàng hóa có thương hiệu còn ít, sản lượng thấp; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu theo hộ gia đình; trình độ, tay nghề, năng suất lao động thấp; chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp và trong nội bộ từng lĩnh vực còn chậm... Do đó, mặc dù là huyện chủ yếu sản xuất nông nghiệp nhưng trong giai đoạn 2011 – 2015, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp chỉ đạt trên 438 tỷ đồng, chiếm 32,91% giá trị các ngành sản xuất.
Đồng chí Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: “Ngay khi bắt tay thực hiện TCCNN, huyện đã đánh giá đúng thực trạng, xác định rõ nguyên nhân những hạn chế còn tồn tại và linh hoạt trong việc đưa ra các giải pháp để “chữa bệnh” trông chờ, ỷ lại của người nông dân. Đồng thời, đặt ra mục tiêu sau tái cơ cấu, giá trị sản xuất ngành Nông – Lâm – Thủy sản đạt trên 755 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân ngành Nông nghiệp 6%/năm; cơ cấu ngành Nông nghiệp chiếm 49,2% trong cơ cấu kinh tế của huyện”. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, huyện chủ động xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Nhằm tránh tình trạng hình thức, “đầu voi đuôi chuột” trong quá trình thực hiện tái cơ cấu, huyện đã xác định lộ trình, bước đi cụ thể, chắc chắn cho từng năm. Trên cơ sở nền nông nghiệp của địa phương, huyện chọn 5 sản phẩm mang tính chủ lực đã mang lại hiệu quả trong sản xuất, gồm: Lúa chất lượng cao, đậu tương, chăn nuôi bò, lợn đen hàng hóa, nuôi ong lấy mật để thực hiện tái cơ cấu. Ngoài những giải pháp về quy hoạch, tổ chức tại sản xuất, liên kết doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân, huyện đặc biệt quan tâm đến việc huy động, phân bổ các nguồn vốn cho từng lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Ngoài ra, tổ chức huy động các nguồn lực xã hội, kêu gọi các doanh nghiệp, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; tập trung triển khai vận dụng có hiệu quả các cơ chế chính sách, nguồn lực hỗ trợ như: Chương trình xây dựng NTM, Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh...
Bằng những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, sau hơn một năm TCCNN, thông qua việc thành lập các HTX, Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp tại xã để phát huy vai trò nòng cốt trong việc tổ chức lại sản xuất cho người dân; ưu tiên sử dụng các nguồn vốn để đầu tư mua máy móc, thiết bị trong các khâu sản xuất; sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi bị xuống cấp; đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào sản xuất... đến nay, tình hình sản xuất nông nghiệp ở Mèo Vạc có bước tăng trưởng khá; cơ cấu ngành nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; giá trị sản xuất chăn nuôi tăng so với năm 2015, chiếm khoảng trên 45% cơ cấu ngành Nông nghiệp; đàn trâu, bò tăng 1.835 con (chưa kể xuất bán và giết mổ) tăng 4 – 5%/năm. Bên cạnh đó, các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tiếp tục được triển khai hiệu quả, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung...
Những kết quả bước đầu trong TCCNN ở Mèo Vạc đang cho thấy bước đi đúng đắn của địa phương. Đó vừa là tiền đề, vừa là cơ sở vững chắc để miền đá hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững, tạo động lực giúp người nông dân vươn lên thoát nghèo.
KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc