Xín Mần chú trọng đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất "mũi nhọn"
BHG - Theo báo cáo của Phòng NN & PTNT huyện Xín Mần trong năm 2016, ngành chăn nuôi đã kiểm dịch xuất chuồng và giết mổ 10.733 tấn sản phẩm. Tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm trên 33% giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Một con số đầy thuyết phục trong quá trình 2 năm kiên trì chuyển đổi sản xuất. Đưa chăn nuôi trở thành “mũi nhọn” để phát triển bền vững là bước đi mạnh mẽ ở Xín Mần hiện nay, vậy đâu là giải pháp...?
Đồng bào xã Xín Mần thu hái cỏ Yến mạch cung cấp cho đàn gia súc. |
Đầu Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần, Bùi Minh Hiệu đưa tôi lên xã biên giới Xín Mần thăm trang trại chăn nuôi đàn bò bố mẹ. Toạ trên diện tích 10 ha gồm: Chuồng trại nuôi nhốt khép kín có trên 80 con bò giống lai được tuyển chọn và phối giống nhân tạo; bên cạnh trang trại là khu vực trồng cỏ Yến mạch, Mô - bô - sa cung cấp cho đàn bò giống. Trang trại có 4 công nhân trực tiếp chăm sóc đàn bò bố mẹ. Anh Hiệu cho biết, chương trình đầu tư nuôi bò giống tại chỗ để cung cấp giống trực tiếp cho nhân dân nằm trong “mũi đột phá” của Đảng bộ khoá XVII, (nhiệm kỳ 2015 – 2020) đã hoạch định. Toàn bộ số bò giống trên được Viện Chăn nuôi chọn lọc và thụ tinh nhân tạo bằng giống tốt trước khi đưa về trang trại. Hiện tại, đã có 2 chú bê con được sinh ra tại trang trại rất khoẻ mạnh. Huyện Xín Mần đặt mục tiêu đến năm 2020, trang trại sẽ cung cấp cơ bản nguồn giống bò lai chất lượng tốt để cải tạo đàn bò trong huyện. Kết hợp với chính sách của tỉnh, Xín Mần sẽ đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chủ lực, mang lại giá trị thu nhập cao cho nhân dân. Cùng với việc thành lập trang trại bò giống ở phía Bắc, Xín Mần sẽ thành lập trang trại nuôi và cung cấp giống trâu ở phía Nam tại xã Quảng Nguyên. Cả 2 trang trại sẽ nuôi, phối, lai tạo, cung cấp toàn bộ con giống chất lượng tốt tại chỗ cho đồng bào. Với cách làm trên, đến năm 2020, đồng bào Xín Mần sẽ mua được con giống tốt, giá mua giống sẽ giảm hơn mua ngoài và sẽ hạn chế tối đa dịch bệnh có thể lây nhiễm từ bên ngoài trong quá trình vận chuyển...
Để phát triển đàn gia súc, Xín Mần đã vận động đồng bào chuyển đổi hàng trăm ha diện tích đất trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cỏ. Giống cỏ trồng được hỗ trợ trực tiếp cho từng hộ, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc; thu hái được giao cho đội ngũ cán bộ Khuyến nông và các Khuyến nông viên thôn, bản trực tiếp hướng dẫn người dân. Tính đến nay, Xín Mần đang có trong tay 1.606 ha cỏ; các giống cỏ chất lượng cao như: Cỏ voi, VA06 được trồng rộng khắp cả 19 xã, thị trấn. Mới đây, Xín Mần đã đưa vào trồng trên 53 ha 2 giống cỏ mới là Yến mạch, Mô - ba - sa. Riêng với cỏ Yến mạch là giống chịu rét trồng hỗ trợ chăn nuôi vào mùa Đông. Cỏ Yến mạch có hàm lượng Prôtêin cao trên 13,3%, gấp nhiều lần cỏ thông thường. Năng suất cỏ Yến mạch lên tới 35 – 45 tấn/ha chỉ sau gần 3 tháng trồng. Hiện, cỏ Yến mạch được Xín Mần lấy làm “điểm tựa” bền vững để cung cấp nguồn thức ăn cho đàn gia súc trong mùa Đông. Đồng thời, Xín Mần sẽ dùng cỏ Yến mạch làm thức ăn chính cho đàn bò, trâu bố mẹ nuôi cung cấp giống tại chỗ cho người dân.
Mục tiêu năm 2017 được xác định: Sẽ chuyển 600 ha diện tích đất trồng cây lương thực kém hiệu quả, sang trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi; sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ các chính sách của Nhà nước để mua trâu, bò về nuôi. Phấn đấu, mức tăng đàn gia súc lớn đạt từ 6 – 7%/năm, đưa đàn đại gia súc (trâu, bò, ngựa) lên trên 31.000 con, không tính tăng trưởng của đàn lợn và dê. Đạt được mức tăng trưởng đó, Xín Mần sẽ đưa ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng lên trên 35% giá trị trong sản xuất nông nghiệp về trước 3 năm mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII đề ra.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng
Ý kiến bạn đọc