Hợp tác xã do thanh niên làm chủ - Mô hình cần được nhân rộng

08:42, 15/02/2017

BHG- Những tấm gương thanh niên (TN) sản xuất, kinh doanh giỏi xuất hiện ngày càng nhiều, là động lực góp phần cổ vũ phong trào lập nghiệp ở các địa phương. Trong đó, việc phát triển các mô hình kinh tế tập thể như tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) TN là xu thế tất yếu. Từ những mô hình HTX TN hiệu quả, thời gian qua, Huyện đoàn Bắc Quang đang nỗ lực phát huy thành tựu, nhân rộng mô hình để giúp TN làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Hỗ trợ cho thanh niên thoát nghèo...

Luật HTX 2012 ra đời với tính ưu việt đã khiến nhiều bạn trẻ thay đổi cách nhìn nhận, lựa chọn cho mình con đường khởi nghiệp thông qua mô hình kinh tế tập thể. Nắm bắt được nhu cầu của TN, thời gian qua Tỉnh đoàn và các cơ sở Đoàn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực. Với số lượng đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trên 24.000 người, chiếm hơn 20% dân số toàn huyện; từ năm 2010 đến nay, Huyện đoàn Bắc Quang đã tổ chức nhiều hoạt động, tuyên truyền để khuyến khích phong trào TN lập thân, lập nghiệp. Phối hợp với các ban, ngành tăng cường tư vấn pháp lý cho TN về nội dung liên quan đến phát triển loại hình HTX, hỗ trợ vay vốn cho TN. Huyện Bắc Quang hiện có 152 mô hình TN khởi nghiệp, trong đó, có 12 HTX do ĐVTN làm chủ với trên 90 thành viên (TV) tham gia.

Vừa được ra mắt vào cuối tháng 10.2016, HTX dịch vụ tổng hợp Trí Thanh, được thành lập với 9 TV là ĐVTN đang sinh sống tại thôn Tân Thành, xã Việt Vinh đã nhiều giúp nhiều TN thoát nghèo, giải quyết việc làm và tăng thu nhập.  Doanh thu năm 2015 của HTX Trí Thanh là 530 triệu, trừ chi phí đầu tư còn lại thu về lợi nhuận 125 triệu đồng, bình quân thu nhập của xã viên HTX là 31,3 triệu đồng/năm. Năm 2016 tổng vốn lưu động của HTX là 700 triệu đồng, lợi nhuận trừ chi phí đầu tư ước tính trên 130 triệu đồng.

Xuất phát điểm là một anh nông dân chân chất... đến trở thành Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thanh Long ruột đỏ (TLRĐ) Đồng Yên, được nhiều người ngưỡng mộ là anh Đỗ Đại Tuân, anh cho biết: “Tháng 10.2014, HTX TLRĐ Đồng Yên chính thức đi vào hoạt động, với vốn điều lệ 700 triệu đồng và 7 TV. Khi tham gia HTX, các TV được HTX đứng ra cung ứng sản phẩm đầu vào và đầu ra. Các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được HTX mua trực tiếp từ các đơn vị cung ứng uy tín; giúp TV yên tâm về chất lượng sản phẩm, tránh được hàng giả, hàng nhái trôi nổi trên thị trường. Đặc biệt, đến mùa TLRĐ, HTX đứng ra ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với đối tác cho các TV để có thể đưa hàng vào siêu thị hay các chợ đầu mối. Điều đó giúp TV yên tâm về đầu ra và sản phẩm có giá ổn định theo thị trường, không bị thương lái ép giá”.

Có thể thấy, mô hình HTX TN đã phát huy tối đa nguồn lực tại chỗ như vốn đất đai, sở trường của TN. Anh Nguyễn Bá Tuấn, Bí thư Huyện đoàn Bắc Quang cho biết: “Nhờ tham gia các mô hình kinh tế tập thể mà TN được tư vấn, hướng dẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật, hỗ trợ đầu ra, nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời tăng cường mối liên kết, hợp tác giữa TN với doanh nghiệp”. Các HTX do TN làm chủ đang từng bước nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động, có những đóng góp nhất định cho phong trào Đoàn, điều này khẳng định, đây là lựa chọn đúng cho phong trào TN khởi nghiệp.

Cần sự hỗ trợ từ nhiều phía

Bên cạnh những thuận lợi mà HTX TN mang lại cho các ĐVTN, vẫn còn những khó khăn nhất định. Các mô hình kinh tế của TN cơ bản vẫn chưa được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, hay vốn vay còn quá ít, chính sách ưu đãi còn hạn chế. Do TN sống còn phụ thuộc cha mẹ, chưa lập gia đình, chưa có tài sản thế chấp, xã hội chưa tin tưởng. Quá trình thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ TN khởi nghiệp còn lúng túng. TN còn thiếu kinh nghiệm trong quản lý kinh tế và kiến thức về thị trường. Các mô hình kinh tế còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa tương xứng với các tiềm năng thế mạnh của huyện. Sản phẩm đầu ra từ các mô hình còn gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ, chủ yếu bán trên thị trường tự do, không qua hợp đồng, liên kết với các đơn vị thu mua chuyên nghiệp, một số mô hình tự phát. Hơn nữa, việc quy định điều kiện được vay phải là hộ nghèo, cận nghèo phần nào thu hẹp đối tượng vay vốn. Toàn huyện Bắc Quang có 152 mô hình TN, 12 HTX TN sản xuất kinh doanh, nhưng hầu hết đều chưa tiếp cận được nguồn vốn vay lớn, nên phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Anh Nguyễn Văn Triền, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp xã Quang Minh cho biết: “Để mở rộng sản xuất cần nguồn vốn khá lớn, vượt quá khả năng của nhiều TN khi muốn làm kinh tế lớn”.

Anh Đào Quang Diệu, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: “Trên cơ sở những thành công đã đạt được, thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ TN nhân rộng các mô hình kinh tế HTX TN ra toàn tỉnh, giúp TN thoát nghèo, làm giàu trên chính quê hương. Cùng đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách phát triển HTX kiểu mới; cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất cho đội ngũ lãnh đạo các HTX; hỗ trợ vốn vay lãi suất ưu đãi cho TN khởi nghiệp; mở rộng thị trường thông qua hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến thương mại; kịp thời phát hiện các mô hình tổ, HTX TN tiêu biểu ở các địa phương để biểu dương, nhân rộng. Chính quyền địa phương và các ngành liên quan cần nghiên cứu, tạo cơ chế thuận lợi để hỗ trợ cho các HTX hoạt động và phát triển vững mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực tiếp cận vốn và nghiên cứu thị trường”.

MỸ HẰNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hành trình khởi nghiệp của tuổi trẻ cực Bắc

BHG- Trong cái rét ngọt miền cực Bắc, khi những cành đào đã hé nụ chào đón mùa Xuân, tôi có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với nhiều thanh niên trên trên địa bàn tỉnh về con đường khởi nghiệp và cảm nhận "sức Xuân" cũng đang căng đầy trong mỗi khát vọng vươn lên của các bạn thanh niên.

15/02/2017
Khởi sắc kinh tế biên mậu

BHG- Hoạt động thương mại, dịch vụ biên giới trên địa bàn tỉnh ta tập trung chủ yếu ở Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy (Vị Xuyên), Cửa khẩu Phó Bảng (Đồng Văn), Cửa khẩu Săm Pun (Mèo Vạc), Cửa khẩu Xín Mần (Xín Mần),... và các chợ nông thôn xã biên giới. Trong những năm qua, hoạt động biên mậu tại các khu vực này đã có nhiều khởi sắc, góp phần vào sự phát triển KT – XH khu vực biên giới nói riêng và của tỉnh nói chung.

15/02/2017
Cây nghệ đang hồi sinh trên quê hương Bắc Mê

BHG- Hai năm trở lại đây, cây nghệ đã trở thành cây xóa nghèo, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân trên địa bàn huyện Bắc Mê. Không chỉ trồng nghệ cung cấp cho các cơ sở chế biến tinh bột nghệ, mà người nông dân còn mở rộng diện tích trồng nghệ bán cho nhiều chủ hộ kinh doanh trong và ngoài tỉnh. Từ trồng nghệ, không ít gia đình đã có thu nhập vài chục đến hàng trăm triệu đồng/năm.

15/02/2017
Đẩy nhanh tiến độ lắp máy Dự án Thủy điện Sông Lô 4

BHG- Theo kế hoạch đề ra, trong quý II.2017, dòng điện từ Nhà máy Thủy điện Sông Lô 4 (Tân Thành - Bắc Quang) sẽ chính thức hòa vào lưới Quốc gia, tạo ra sản lượng điện trung bình hàng năm gần 80 triệu KWh. 

15/02/2017