Xã Thắng Mố không còn hộ nghèo, cận nghèo không có trâu, bò
BHG- Từ năm 2012 đến nay, các hộ nghèo và cận nghèo ở xã Thắng Mố (Yên Minh) được các đơn vị, tổ chức, cá nhân hỗ trợ 179 con bò. Sau 4 năm, đàn gia súc đã sinh sản thêm 47 con. Số gia súc được hỗ trợ và phát triển thêm đã giúp xóa trắng hộ nghèo, cận nghèo không có gia súc ở xã vùng biên còn nhiều khó khăn này.
Lãnh đạo xã Thắng Mố kiểm tra sự phát triển của bò hỗ trợ cho gia đình bà Giàng Thị Ria, thôn Mào Phố. |
Thắng Mố là xã biên giới của huyện Yên Minh, cách trung tâm huyện trên 40 km. Từ trước đến nay, do điều kiện bất thuận của thổ nhưỡng, khí hậu và trình độ nhận thức của người dân còn thấp, Thắng Mố luôn là một trong những xã khó khăn nhất và có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo lớn nhất của huyện. Hiện nay, xã có 448 hộ với 2.560 khẩu, trong đó chỉ có 56 hộ khá, chiếm 12,5%; còn lại 392 hộ nghèo và cận nghèo, chiếm 87,5%.
Thời điểm năm 2011, 2012 đa phần hộ nghèo và cận nghèo của xã Thắng Mố không có trâu, bò để chăn nuôi. Nhằm hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo, từ năm 2012 đến năm 2014, các đơn vị như Sở Nông nghiệp và PTNT – đơn vị đỡ đầu xã giai đoạn 2010 – 2015; Công ty Cổ phần cơ khí và khoáng sản Hà Giang; Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh; Chương trình hỗ trợ trâu, bò theo Quyết định 352 của UBND tỉnh; Chương trình chung tay bò giống giúp người nghèo biên giới và các tổ chức, cá nhân làm từ thiện... đã hỗ trợ tổng số 179 con bò cho các hộ nghèo, cận nghèo chưa có trâu, bò trên địa bàn xã Thắng Mố. Trong đó có 53 con hỗ trợ theo hình thức thu hồi kinh phí tái đầu tư và 60 con hỗ trợ theo hình thức luân chuyển.
Chủ tịch UBND xã Thắng Mố, Hoàng Văn Tài cho biết: “Xác định chỉ có phát triển chăn nuôi đại gia súc mới giúp các hộ thoát nghèo nhanh và bền vững, đây cũng là định hướng của Đảng bộ xã trong những năm vừa qua và thời gian tới. Chính vì vậy, khi có các chương trình hỗ trợ bò, trước hết chúng tôi tập trung tuyên truyền các hộ chủ động tiêm phòng dịch bệnh và phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc. Đây là yếu tố quyết định sự phát triển của đàn gia súc và hiệu quả của các chương trình hỗ trợ. Ngoài ra, để các hộ tự giác nộp lại kinh phí hỗ trợ và luân chuyển bò cho các hộ khác sau khi gia súc sinh sản, chúng tôi đã chỉ đạo các thôn họp dân và đưa ra quy chế, cam kết rõ ràng với các hộ được nhận bò hỗ trợ. Vì vậy nên đàn bò hỗ trợ trong những năm qua phát triển khá tốt”.
Anh Vàng Mí Mua, Trưởng thôn Mào Phố cho biết: Khi được thông báo có chương trình hỗ trợ bò, chúng tôi tổ chức họp thôn ngay để phổ biến cho các hộ đăng ký và nếu hộ nào được nhận bò hỗ trợ phải thực hiện luân chuyển sau khi bò cái sinh con và con được một năm tuổi hoặc mỗi năm nộp trả lại từ 1 đến 2 triệu đồng tiền bò giống đã được hỗ trợ để xã tiếp tục mua bò hỗ trợ cho các hộ khác. Quy chế này đều được các hộ dân đồng tình, nhất trí cao.Bà Giàng Thị Ria, thôn Mào Phố - một trong những hộ được hỗ trợ bò từ năm 2012 vui mừng chia sẻ: Nhà tôi được hỗ trợ một con bò cái sinh sản từ chương trình của Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, đến nay sau 4 năm, đàn bò của gia đình tôi giờ đã có 4 con. Số kinh phí hỗ trợ mua bò ban đầu chúng tôi cũng sắp trả hết. Gia đình tôi và các hộ nghèo khác trong thôn rất vui vì được hỗ trợ bò. Có đàn bò này để tiếp tục phát triển, hy vọng mấy năm nữa gia đình tôi sẽ trở thành hộ khá giả.
Theo báo cáo của xã Thắng Mố, tính đến tháng 9 năm nay, toàn xã hiện có 839 con trâu, bò, tính trung bình mỗi hộ có gần 2 con. Trong đó, có 226 con từ nguồn hỗ trợ, tương đương khoảng 50% số hộ nghèo, cận nghèo trong xã được nhận bò từ các chương trình hỗ trợ. Chủ tịch UBND xã Thắng Mố, Hoàng Văn Tài khẳng định thêm: Đến nay, trừ một số hộ là người già neo đơn, bệnh tật, không có sức lao động, còn lại 100% các hộ trên địa bà xã Thắng Mố đều có bò để chăn nuôi. Đây không chỉ là niềm vui riêng đối với các hộ, mà còn là hy vọng lớn của BCH Đảng bộ xã trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Bởi các hộ có gia súc để chăn nuôi nghĩa là có tiền đề để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc