Nghị quyết 209 giúp người dân vùng cao thực hiện "ước mơ" trồng dược liệu
BHG- Cây dược liệu được người dân Quản Bạ trồng từ lâu đời, nhưng để trở thành hàng hóa trên thị trường thì chỉ trong vòng chục năm gần đây. Đặt nền móng cho cây dược liệu phát triển, UBND tỉnh đã kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư. Nhưng tham gia trồng dược liệu chỉ có vài doanh nghiệp, còn người dân không mấy mặn mà vì từ xưa đến nay, việc trồng và bán cây dược liệu chưa đem lại thu nhập cao cho bà con. Chính vì thế, dù có nhiều tiềm năng thế mạnh, song diện tích chuyên canh cây dược liệu thấp, năng suất, sản lượng và hiệu quả sản xuất chưa cao. Nhiều loại dược liệu có diện tích lớn nhưng chưa có đầu ra ổn định, việc liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và người dân chưa chặt chẽ.
Diện tích trồng Đương quy của anh Vàng Thìn Nghì ở xã Quyết Tiến (Quản Bạ) . |
Động lực thúc đẩy nông dân vùng cao mở rộng quy mô trồng dược liệu phải nhắc đến Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh. Đến xã Quyết Tiến (Quản Bạ), gặp hộ anh Vàng Thìn Nghì ở thôn Đông Tinh, là một trong những hộ mạnh dạn vay vốn để mở rộng quy mô trồng dược liệu. Anh Nghì tâm sự, trước đây, anh làm thuê cho công ty dược liệu; sau đó, tự trồng dược liệu trên mảnh đất của mình. Đến năm 2015, nhà anh bắt đầu trồng thử nghiệm cây Đương quy để nhân giống. Anh Nghì đã tham gia nhiều hội thảo do tỉnh, huyện tổ chức và tự mình đi thăm quan, học hỏi kinh nghiệm ở các công ty sản xuất dược phẩm,... nhưng do khi bắt tay vào trồng dược liệu, anh đã gặp khó khăn về vốn. Nhờ nguồn hỗ trợ của Nghị quyết 209, đã giúp anh vay được 500 triệu đồng để đầu tư cho sản xuất cây dược liệu.
Theo anh Nghì, Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh hỗ trợ về trồng cây dược liệu khá toàn diện. Cụ thể, hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn 50 triệu đồng/ha cho các tổ chức trồng mới cây dược liệu quy mô sản xuất tập trung tối thiểu 2 ha, cá nhân tối thiểu 0,2 ha, thời gian từ 12 - 60 tháng. Hỗ trợ lãi suất vay vốn tối đa là 500 triệu đồng/vườn cho các tổ chức, cá nhân xây dựng vườn ươm cây giống dược liệu với quy mô tối thiểu 0,1 ha trong nhà lưới hoặc 0,5 ha không có nhà lưới, thời gian hỗ trợ 36 tháng. Hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, bảo quản với mức vay tối đa là 500 triệu đồng/dự án, thời gian 36 tháng.
Đầu năm nay, anh Nghì thuê đất của bà con trong vùng trồng 10 ha Đương Quy, 2 ha gừng. Theo anh Nghì, giá bán Đương Quy khoảng 50 nghìn đồng/kg, bán cất là 15 nghìn đồng, giá gừng từ 15 – 20 nghìn đồng. Tiền đầu tư, thuê nhân công mất khoảng 150 triệu đồng/ha thì đến lúc thu hoạch vẫn có lãi khoảng 200 triệu đồng/ha. Tìm đầu ra cho sản phẩm, anh ký hợp đồng với Công ty Anvy Hà Giang đầu tư trồng Đương quy và bao tiêu sản phẩm. Anh Nghì chia sẻ: “Khó khăn hiện nay là tôi phải tự tạo nguồn giống nên chi phí sản xuất còn lớn. Định hướng phát triển, tôi có kế hoạch giúp giống cho 1 số hộ trong thôn trồng, sau đó thu mua lại sản phẩm của họ. Các gia đình tự đánh giá 1 m2 dược liệu cho lãi gấp mấy lần so với trồng ngô, lúa trước đây. Tôi cũng mong chính quyền địa phương hỗ trợ xây vườn ươm giống; tạo điều kiện cho tôi mở rộng diện tích trồng cây dược liệu lên gấp khoảng 5 lần”.
Phát triển cây dược liệu là một trong những mục tiêu trọng tâm của huyện, HĐND huyện Quản Bạ cũng ban hành Nghị quyết số 35 về mức hỗ trợ các HTX, hộ dân kinh phí mua phân hữu cơ để trồng dược liệu với định mức 5 triệu đồng/ha, diện tích được hỗ trợ từ 200 m2/hộ. Hy vọng với các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hiện nay, sẽ giúp diện tích cây dược liệu tăng lên. Hướng tới mục tiêu trở thành vùng sản xuất dược liệu lớn gắn với chế biến sâu các loại dược liệu sạch có thương hiệu riêng.
LÊ HẢI
Ý kiến bạn đọc