Nền kinh tế Hoàng Su Phì: Khởi sắc từ quyết sách khai thác lợi thế
BHG- Năm 2016, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực đầu tư trên các lĩnh vực cũng như chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ... nhưng nhờ biết tận dụng những thế mạnh và có các chính sách, định hướng đúng đắn nên kinh tế của huyện Hoàng Su Phì đã có sự chuyển biến tích cực, tăng trưởng kinh tế cao hơn năm trước. Tổng giá trị sản xuất đạt 1.074 tỷ đồng (tăng 119 tỷ đồng so với năm 2015); trong đó, giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt trên 987 tỷ đồng; công nghiệp trên 86 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 16,7 triệu đồng/người/năm.
Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các ngành, huyện Hoàng Su Phì tham quan quy trình sản xuất chè hữu cơ của HTX chế biến chè Phìn Hồ. |
Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hóa:
Nông nghiệp là một trong những ngành luôn gặp phải những khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh và giá cả thị trường thường không ổn định, tình trạng được mùa rớt giá có lúc, có nơi vẫn còn xảy ra. Đây là những yếu tố tác động không nhỏ đến sự phát triển của ngành Nông nghiệp huyện Hoàng Su Phì trong những năm qua. Xác định đây là những nguyên nhân cơ bản cần phải có những giải pháp đồng bộ để giải quyết khó khăn, thách thức; đồng thời, tạo mọi điều kiện giúp cho bà con nông dân trong huyện yên tâm đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, từng bước xóa đói giảm nghèo, góp phần hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng Nông thôn mới.
Với quan điểm và mục tiêu trên, huyện Hoàng Su Phì đã căn cứ vào tình hình thực tế, tiềm năng lợi thế để sắp xếp lại sản xuất cho phù hợp, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung; quy hoạch vùng kinh tế, trục kinh tế, ưu tiên đầu tư phát triển làm vệ tinh cho các xã lân cận. Bằng các giải pháp như tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT trong trồng trọt, chăn nuôi; hỗ trợ vốn, giống mới năng suất cao; tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn đảm bảo khung thời vụ gieo trồng, tích cực phòng trừ sâu bệnh, tăng cường đưa cơ giới hóa vào sản xuất, mở rộng diện tích thâm canh, phát huy vai trò của Tổ chỉ đạo sản xuất và Nhóm sở thích... Nhờ đó, trong năm qua tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm của huyện đạt trên 20 nghìn ha. Trong đó, diện tích cây lúa 3.888,4 ha, năng suất bình quân đạt gần 58 tạ/ha; cây đậu tương 5.456 ha, năng suất bình quân đạt trên 15 tạ/ha; cây chè 4.602,8 ha, sản lượng 12.880 tấn chè tươi; rau đậu các loại 3.636,6 ha, năng suất 70,6 tạ/ha..., góp phần giúp huyện đảm bảo an ninh lương thực với tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 37.627 tấn.
Thị trấn Vinh Quang đang phát triển theo hướng đô thị hiện đại. |
Theo báo cáo kết quả xây dựng các mô hình phát triển kinh tế của huyện, hiện toàn huyện có trên 20 mô hình kinh tế nông nghiệp được tổng kết, đánh giá đạt kết quả cao. Điển hình là mô hình trồng ngô che phủ ni-lông tại xã Sán Sả Hồ, năng suất đạt 65 tạ/ha, giá trị thu nhập đạt gần 25 triệu đồng/ha; mô hình trồng củ cải trái vụ gắn với thu mua và chế biến, năng suất đạt 5,5 tấn củ tươi/ha, giá trị thu nhập đạt 27,5 triệu đồng/ha; mô hình trồng dưa hấu tại xã Bản Luốc, sản lượng đạt 15 tấn/ha, lãi thuần thu được trên 81 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với trồng lúa; mô hình đầu tư phát triển chè hữu cơ và chuỗi giá trị cây Thảo quả; mô hình chăn nuôi trâu, bò, ngựa, dê theo hướng hàng hóa tại các hộ gia đình...
Đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ:
Với đặc thù của một huyện miền núi còn nhiều khó khăn, điều kiện giao thông, hạ tầng cơ sở còn hạn chế... Vì vậy, ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ T.Ư, các cấp chính quyền trong huyện đã phát huy tối đa nội lực sẵn có kết hợp với nguồn vốn từ các chương trình phát triển KT-XH, giảm nghèo của địa phương; huy động tối đa nguồn vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân, nhất là của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, hộ kinh doanh; có các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các chợ trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, quy hoạch lại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, manh mún theo hướng tập trung hiện đại hóa, nâng cấp máy móc và tạo đầu ra cho sản phẩm; ưu tiên, khuyến khích phát triển các ngành nghề tiềm năng của địa phương nhằm tận dụng nguồn lao động tại chỗ cũng như cải thiện đời sống của nhân dân; siết chặt công tác quản lý thị trường, không để tình trạng hàng giả, hàng nhái trà trộn chiếm lĩnh thị trường; củng cố, phát triển các Hợp tác xã theo mô hình mới mang lại hiệu quả...
Phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế trang trại, gia trại nhằm nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. |
Tổng mức bán lẻ hàng hóa trong năm 2016 ước đạt 309,5 tỷ đồng, đạt 119,3% Nghị quyết; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 49,5 tỷ đồng; duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động 16/18 chợ trung tâm tại các xã. Các công trình phúc lợi cho người dân như: Điện, đường, trường, trạm, công trình cấp nước sinh hoạt được xây dựng sửa chữa, đáp ứng nhu cầu sống, sinh hoạt của người dân. Mặt khác, người dân có điều kiện tiếp cận KHKT để đẩy mạnh sản xuất nông, lâm, nghiệp theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Các hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách, bưu chính viễn thông, nhà hàng, khách sạn phát triển cả về số lượng, chất lượng, đảm bảo phục vụ tốt cho trên 10 nghìn lượt du khách/năm cùng với các điểm du lịch và lễ hội hấp dẫn như: Di tích Quốc gia Ruộng bậc thang, Làng Văn hóa du lịch Phìn Hồ, Lễ hội Quýa Hiéng của dân tộc Dao đỏ; Lễ hội Cúng rừng của dân tộc Nùng..., tạo nên một bức tranh văn hóa đa sắc mầu của con người và thiên nhiên Hoàng Su Phì.
Phát động cày ải sản xuất cây vụ Đông-Xuân tại xã Bản Luốc. |
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm xóa dần khoảng cách miền núi với miền xuôi, trong thời gian tới, huyện Hoàng Su Phì xác định tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp cụ thể. Trong đó, chủ động tìm kiếm nguồn lực, thu hút đầu tư cùng với huy động nội lực để xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển KT-XH; tiếp tục đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản và thương mại, dịch vụ. Tuy nhiên, huyện vẫn xác định nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng gắn liền với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Do đó, huyện sẽ chỉ đạo các địa phương tăng cường áp dụng kỹ thuật tiến bộ, chuyên môn hóa các khâu sản xuất nhằm phát triển nông nghiệp theo chiều sâu. Như vậy, tỷ trọng ngành nông nghiệp sẽ giảm trong cơ cấu kinh tế nhưng giá trị sản xuất vẫn tăng trưởng nhanh và bền vững.
TIẾN LÂM
Ý kiến bạn đọc