Đánh giá tình hình phát triển đàn ong và sản xuất mật ong Bạc hà tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá
BHG - Chiều 17.1, tại huyện Mèo Vạc, Sở KH&CN phối hợp với UBND huyện Mèo Vạc tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình phát triển đàn ong và sản xuất mật ong Bạc hà tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá. Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc; đại diện Hội sản xuất, kinh doanh mật ong Cao nguyên đá; các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Mèo Vạc.
Toàn cảnh Hội nghị |
Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện Mèo Vạc, những năm qua, người nuôi ong trên địa bàn huyện đồng nhất sử dụng các giống ong nội có nguồn gốc tại địa phương và giống ong nội di chuyển từ các địa phương khác đến nuôi trong mùa khai thác mật (từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm). Hiện nay, toàn huyện có 11.000 đàn ong, tăng 5.290 đàn so với năm 2013; sản lượng mật thu hoạch đạt trên 66.000 lít (giá trị sản lượng ước đạt 18,6 tỷ đồng), tăng 35.000 lít mật so với năm 2013. Việc sản xuất, chế biến và kinh doanh ở huyện chủ yếu tập trung ở quy mô nhỏ theo hình thức hộ gia đình và HTX. Hiện có HTX Tuấn Dũng và Công ty TNHH một thành viên Tuấn Dũng chuyên sản xuất, thu mua, chế biến và kinh doanh sản phẩm mật ong Bạc hà Mèo Vạc. Qua đánh giá, con ong dễ nuôi, phù hợp với điều kiện địa phương; vùng nguyên liệu hoa Bạc hà phân bố rộng khắp; sản phẩm mật ong Bạc hà có chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao, đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN cấp chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, hiện nay các hộ nuôi ong còn tự phát, thiếu sự liên kết; công tác kiểm tra, giám sát còn hạn chế, nhiều trại ong sản xuất ra sản phẩm chất lượng mật kém; tình trạng làm giả mật ong Bạc hà còn xảy ra; vùng nguyên liệu mật ong Bạc hà chưa được quy hoạch cụ thể, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đàn theo quy mô lớn; năng suất, sản lượng mật thu hoạch chưa tương xứng với tiềm năng; việc da dạng hóa các sản phẩm từ con ong chưa được khai thác triệt để…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đưa ra nhiều giải pháp phát triển đàn ong nội và nâng cao chất lượng mật ong Bạc hà. Theo đó, huyện Mèo Vạc phấn đấu đến năm 2020, tổng đàn ong của huyện đạt 20.000 đàn, tăng gấp 1,9 lần so với năm 2016; sản lượng mật thu hoạch đạt 140.000 lít, trong đó sản lượng mật được chế biến, tiêu thụ có gắn thương hiệu mật ong Bạc hà Mèo Vạc thông qua đầu mối HTX Tuấn Dũng đạt 100.000 lít. Để thực hiện mục tiêu đó, huyện xác định đầu tư thêm dây truyền sản xuất; đổi mới công nghệ nhằm đa dạng hóa sản phẩm; phấn đấu thành lập 18 tổ hợp tác chăn nuôi ong ở 18 xã, thị trấn; mở các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi ong cho cán bộ khuyến nông và các hộ nuôi ong; làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm gắn với tăng cường giám sát chất lượng mật ong Bạc hà…
KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc