Triển vọng trong cải tạo đàn trâu ở Bắc Quang
BHG- Những con nghé đầu tiên ra đời từ phương pháp thụ tinh nhân tạo (TTNT) có tầm vóc vượt trội khoảng 30% so với những con nghé được sinh từ phương pháp giao phối trực tiếp. Kết quả này mở ra nhiều triển vọng trong việc cải tạo hiệu quả tầm vóc, thể trạng “đầu cơ nghiệp” tại huyện Bắc Quang.
Trâu nghé (2 tuần tuổi) của gia đình chị Phượng Thị Niệm (xã Hùng An) là kết quả của quá trình thụ tinh trâu Murrah nhân tạo. |
Ngạc nhiên, thích thú, đó là cảm xúc của chị Phượng Thị Niệm, thôn Tân Hùng (xã Hùng An) khi con nghé đầu tiên của gia đình được sinh ra từ phương pháp TTNT. Bởi suốt nhiều năm qua, trâu cái của gia đình chị đã không thể sinh sản thêm, bởi quanh vùng không có trâu đực để thực hiện quá trình giao phối. Nhưng sau 11 tháng chờ đợi, kể từ ngày trâu mẹ thụ thai bằng phương pháp TTNT, nghé con chào đời khiến gia đình chị Niệm không giấu được niềm vui. Chị ví nghé con như một... “hoa hậu” nhí. Vì sau khi chào đời, nghé con đã có thể trạng khỏe mạnh, nhanh nhẹn, tầm vóc vượt trội khoảng 30% so với những con nghé thông thường. Với những thông số ấn tượng: Cao 70 cm, nặng gần 30 kg và chiều dài toàn thân lên đến 1m...Niềm vui của gia đình chị Niệm cũng sẽ là niềm vui chung của rất nhiều hộ nuôi trâu tiêu biểu khác tại 10/23 xã, thị trấn của huyện Bắc Quang khi tham gia Kế hoạch TTNT cho đàn trâu, giai đoạn 2016-2017 do Trạm Thú y huyện triển khai thực hiện.
Chị Vương Thị Bình – Trưởng Trạm Thú y huyện Bắc Quang cho biết: “Trong năm 2016, Trạm Thú y huyện đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi (NC&PTCN) miền núi thực hiện chương trình TTNT, giống trâu Murah hướng thịt tại xã Hùng An bằng tinh cọng rạ. Ngay sau khi nhận chuyển giao kỹ thuật, chúng tôi đã chủ động học tập, nghiên cứu và thực hiện nhân rộng cách làm này tại 9 xã khác trên địa bàn huyện. Trong đó, đã thụ tinh thành công cho gần 160 trâu cái. Để có được kết quả trên, 19 dẫn tinh viên cơ sở đã tham gia lớp đào tạo tập huấn kỹ thuật TTNT trâu, tại Trung tâm NC&PTCN miền núi (TP. Sông Công – tỉnh Thái Nguyên). Cùng với đó, Trạm Thú y huyện mở 10 lớp tập huấn cho 350 người là đại diện hộ nông dân có trâu cái TTNT, cán bộ thú y để tập huấn 6 quy trình kỹ thuật về: Xác định động dục của trâu cái sinh sản; quy trình TTNT tinh trâu Murrah dạng cọng rạ; kỹ thuật chăm sóc trâu cái sinh sản; chế biến thức ăn, kỹ thuật chăm sóc và quy trình làm chuồng trại cho trâu lai.
Đặc biệt, tháng 8.2016, Trạm Thú y huyện Bắc Quang đã xây dựng thành công Trạm truyền tinh (đặt tại Trạm Thú y) và đầu tư trang thiết bị vật tư để Trạm truyền tinh đi vào hoạt động. Với Trạm Truyền tinh này, tinh trâu Murrah dạng cọng rạ được bảo quản trong bình nitơ lỏng ở nhiệt độ âm 1960C. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để các dẫn tinh viên thực hiện quá trình lấy tinh trâu Murrah, TTNT cho các hộ nuôi trâu cái được bình tuyển. Cùng với đó, các hộ có trâu cái tham gia TTNT được Nhà nước hỗ trợ 100% vật tư thụ tinh cho trâu như: Nitơ, tinh cọng rạ, súng bắn tinh, ống tinh quản,...
Sau 2 năm (2016-2017) thực hiện Kế hoạch TTNT cho đàn trâu, 10 xã tham gia sẽ có từ 20 – 25 con trâu lai F1/xã. Đây chính là tiền đề quan trọng để huyện Bắc Quang từng bước thực hiện thành công việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi. Trên cơ sở đó, nâng cao khả năng sinh trưởng, tạo được đàn trâu có tầm vóc, thể trạng lớn hơn so với đàn trâu cho giao phối trực tiếp. Đồng thời, giảm mức độ suy thoái của giống trâu địa phương, do giao phối cận huyết trong thời gian dài. Đặc biệt hơn, trong tương lai gần, kết quả này còn góp phần thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tạo thu nhập ổn định cho kinh tế hộ từ sinh kế nuôi trâu hàng hóa...
THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc