Phát triển chăn nuôi làm thay đổi "cán cân" trong sản xuất nông nghiệp ở Xín Mần
BHG -Trong 9 tháng đầu năm 2016, Xín Mần đã xuất chuồng 514 con trâu với sản lượng 128 tấn thịt hơi; bán 721 con bò, sản lượng gần 130 tấn thịt hơi; bán trên 5.120 con dê, sản lượng trên 127 tấn thịt hơi; bán 19.327 con lợn, sản lượng gần 1.500 tấn... Ngoài ra, còn xuất bán và tiêu thụ hàng chục tấn thủy sản, mật ong mang lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng. Có thể nói, phát triển chăn nuôi gia súc đã làm thay đổi cán cân kinh tế trong sản xuất nông nghiệp mang lại giá trị cao ở Xín Mần. Vậy đâu là bài học kinh nghiệm?
Một góc chợ mua bán gia súc được tổ chức hàng tuần vào ngày chủ nhật ở thị trấn Cốc Pài ( Xín Mần). |
Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định: Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bằng cách lấy chăn nuôi làm hướng “đột phá” để phát triển bền vững. Gần 2 năm trôi qua, Xín Mần đã cắt giảm khoảng trên 600 ha diện tích đất trồng ngô, đậu, chuyển trồng cỏ. Tính đến tháng 9.2016, tổng diện tích cỏ trồng phục vụ chăn nuôi đạt trên 1.800 ha. Riêng 9 tháng năm nay, Xín Mần trồng trên 600 ha cỏ. Có nhiều giống cỏ chăn nuôi giàu chất dinh dưỡng như: Yến Mạch, Mombasa đã được nhập về trồng trên 53 ha tại các xã để nhân rộng làm thức ăn gia súc.
Song song phát triển trồng các giống cỏ chất lượng dinh dưỡng cao và mở rộng diện tích trồng cỏ, Xín Mần áp dụng triệt để cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước để hỗ trợ nông dân. Theo báo cáo của Phòng NN & PTNT huyện Xín Mần cho biết: Đến hết tháng 9.2016, toàn huyện có 1.403 hộ đã mở rộng diện tích trồng cỏ tối thiểu đạt từ 0,5 ha/hộ trở lên để vay vốn mua gia súc về nuôi. Đồng thời, các hộ cũng đã đầu tư gần 300 triệu đồng để hoàn thành cơ bản xây dựng hệ thống chuồng trại có thể nuôi ít nhất từ 10 con trâu, bò trở lên. Và hết tháng 9, đã có 259 hộ đã được vay vốn theo Nghị quyết 209/2015/HĐND để phát triển chăn nuôi hàng hoá. Kết quả kiểm tra thực tế việc sử dụng vốn vay đã có 577 con trâu, bò được mua mới. Các hộ vay vốn đều được sử dụng đúng mục đích. Toàn bộ số trâu, bò được mua về đều được UBND huyện Xín Mần cho phép cung ứng giống, tìm chọn con giống và cung cấp con giống cho các hộ có nhu cầu. Số giống trâu, bò trên đều được nuôi nhốt, tiêm phòng, nuôi cách ly theo đúng, đủ tiêu chuẩn quy định tại Luật Thú y trước khi đưa về các hộ chăn nuôi.
Kết quả tổng điều tra 9 tháng tại Xín Mần cho biết: Tổng đàn gia súc lớn gồm: Trâu, bò, dê, ngựa, lợn đạt trên 117.000 con. Trong đó, đàn trâu 19.603 con, tăng do sinh sản tự nhiên là 992 con, tăng cơ học là 363 con; đàn bò 8.558 con, tăng sinh sản tự nhiên là 517 con, cơ học là 250 con; đàn ngựa 832 con, dê 20.381 con, lợn trên 74.000 con. Đánh giá sơ bộ của cơ quan chức năng, giá trị chăn nuôi tại Xín Mần hiện nay đang chiếm khoảng 27 - 30% trong tổng giá trị nền sản xuất nông nghiệp.
Đồng chí Bùi Minh Hiệu, Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần, khẳng định: Kết thúc năm 2016, Xín Mần sẽ vươn từ thứ 9 lên đứng thứ 3 toàn tỉnh về tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển chăn nuôi đại gia súc.
Hiện nay, qua tìm hiểu thực tiễn trong nhân dân nhận thấy, tại nhiều xã đã xuất hiện nhiều gia đình phát triển nuôi ngựa bạch, lợn rừng và nuôi bò lai Sin. Kiểm tra mới nhất của cơ quan chuyên môn, sau gần 1 năm thực hiện lai tạo đàn bò đã có 244 con bò được phối giống lai và đã có 89 con bê lai được sinh ra khoẻ mạnh, phát triển tốt. Dự kiến, hết năm 2016, Xín Mần tiếp tục hỗ trợ thụ tinh nhân tạo giống bò lai cho gần 120 hộ nuôi bò sinh sản tiến tới từng bước cải tạo toàn bộ chất lượng đàn bò, tránh tình trạng lai cận huyết. Nếu làm thành công mục tiêu lai tạo đàn bò nuôi sẽ mang lại giá trị kinh tế vô cùng lớn trong bước “đột phá” lấy chăn nuôi gia súc để phát triển kinh tế bền vững tại Xín Mần. Ngoài ra, đồng bào trong huyện còn mở rộng chăn nuôi gia cầm, thuỷ cầm với 520.000 con, nuôi cá và nuôi ong lấy mật với 2.617 tổ, thu hàng chục tấn mật ong phục vụ tiêu dùng trong gần 9 tháng vừa qua.
Đầu tư chăn nuôi, kết hợp chặt chẽ công tác tiêm phòng để ngăn ngừa dịch bệnh là giải pháp làm chắc – ăn chắc. Trong 9 tháng, Xín Mần đã cấp 144.400 liều vắcxin hỗ trợ tiêm phòng. Lực lượng cán bộ Thú y từ huyện đến xã trực tiếp tới từng nhà tiêm phòng và hướng dẫn vệ sinh chuồng trại cho nông dân. UBND huyện quy định: Việc phòng, chống dịch bệnh từ xa cho đàn gia súc là trách nhiệm của Chủ tịch UBND các xã, thị trấn. Nếu không kiểm soát, hoặc để xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc sẽ kỷ luật người đứng đầu xã, hay thị trấn. Trong đó, có cả công tác kiểm soát chặt việc mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc tại các địa bàn dân cư.
Bài học trong phát triển chăn nuôi ở Xín Mần trước hết là chọn được hướng đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc đúng yêu cầu thực tiễn và nhu cầu tiêu dùng hiện nay. Thứ hai là tập trung toàn bộ sự chỉ đạo của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân để làm gọn một việc đã chọn lựa. Thứ 3 là tập trung toàn bộ nguồn lực: Đất đai, sức lao động, tiền vốn của nền kinh tế cho chăn nuôi và đưa chăn nuôi trở thành “mũi nhọn” của nền sản xuất hàng hoá mang tính đặc thù địa phương.
Hiện nay, huyện đã ký kết và bắt tay cùng Công ty Cáp-pi- tồ đầu tư làm hàng trăm m2 chuồng trại, lắp đặt hệ thống xử lý chất thải, trồng cỏ và đưa đàn gia súc bố mẹ giống lai vào chăn nuôi làm giống. Từ đó, sẽ từng bước chọn, tạo nguồn tinh chất lượng cao để lai và cải tạo đàn bò tại Xín Mần trong thời gian tới. Hướng tiếp theo sẽ là chọn và cải tạo đàn trâu, đàn dê bằng những con giống tốt theo hình thức “Nhà nước hỗ trợ - Nhân dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ trực tiếp tham gia cùng làm”. Đây là một bước tiến trong đổi mới “cách nghĩ - cách làm” và tinh thần: Tự chủ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của tập thể Đảng bộ, chính quyền, của đồng bào các dân tộc huyện Xín Mần.
Từ kết quả trên, Đảng bộ, nhân dân Xín Mần nhất định sẽ đạt mục tiêu: Chăn nuôi gia súc đạt trên 35% giá trị thu nhập trong sản xuất nông nghiệp vào năm 2020.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng
Ý kiến bạn đọc