Chỉ dẫn địa lý cho cam Sành Hà Giang

07:57, 08/12/2016

BHG- Với xu thế hội nhập kinh tế, nền kinh tế thị trường đang ngày càng đòi hỏi các sản phẩm có chất lượng cao, có sự đảm bảo về chất lượng, giá cả ổn định. Chính vì vậy, một yêu cầu cấp thiết đặt ra cho cam Sành Hà Giang là phải xác định được tên tuổi và chỗ đứng trên thị trường trong nước cũng như thị trường nước ngoài, tăng cường lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy việc phát triển một loại cây có giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Việc xây dựng “chỉ dẫn địa lý” (CDĐL) cho cam Sành Hà Giang là một việc làm cần thiết và cấp bách, vì CDĐL là những từ, tên gọi, dấu hiệu, biểu tượng, hình ảnh được sử dụng để chỉ ra rằng sản phẩm có nguồn gốc tại quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc địa phương mà đặc trưng về chất lượng, uy tín, danh tiếng hoặc các đặc tính khác của loại hàng hóa này có được chủ yếu là do nguồn gốc địa lý tạo nên. Cam Sành Hà Giang được đông đảo người dân ưa thích và công nhận là một trong những hàng hóa đặc sản của địa phương. Trong những năm gần đây, cây cam được chú trọng phát triển và đã khẳng định được giá trị về mặt kinh tế của nó. Cây cam được coi là một trong những cây chủ lực của tỉnh và đã được quy hoạch phát triển vùng cam tập trung từ nay đến 2020, nhằm mục đích tạo thành vùng sản xuất hàng hóa qui mô lớn, tập trung những giống cam đặc sản truyền thống có năng suất cao, mã quả đẹp, chất lượng tốt, để cây cam thực sự trở thành cây ăn quả mũi nhọn của tỉnh Hà Giang. Để giữ vững, ổn định và phát triển mạnh thương hiệu cam Sành Hà Giang trên thị trường trong và ngoài nước nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân, trong hơn 2 năm, từ tháng 4.2014 đến tháng 6.2016, tỉnh Hà Giang đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Quy hoạch Nông nghiệp Nông thôn xây dựng CDĐL “Hà Giang” dùng cho sản phẩm cam Sành của tỉnh. Đây sẽ là việc vô cùng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm cam Sành cũng như bảo vệ giá trị thương hiệu không thể lẫn với vùng miền nào khác.

Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý của Cục Sở hữu trí tuệ cho sản phẩm cam Sành Hà Giang.
Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý của Cục Sở hữu trí tuệ cho sản phẩm cam Sành Hà Giang.

Vùng cam Sành Hà Giang hình thành từ đầu những năm 1980 - 1990 và nổi tiếng ở miền Bắc Việt Nam. Sản phẩm chủ yếu dùng để xuất khẩu vào những năm 1990 - 2000 (trên 3.000 tấn/năm). Sản xuất đình trệ trong giai đoạn 2000 - 2010 do khủng hoảng kinh tế và thị trường. Khi cơ chế thị trường hình thành, cam Sành Hà Giang phục hồi sản xuất và phát triển nhanh chóng. Ngày nay, cam Sành Hà Giang đã khẳng định được vị thế trên thị trường các tỉnh thành phía Bắc (từ Vinh trở ra với sản lượng 8.000 - 10.000 tấn/năm) nhờ chất lượng, được người tiêu dùng chấp nhận. Trên thị trường, cam Sành Hà Giang không thua kém các sản phẩm cùng loại về giá bán. Chất lượng và danh tiếng của cam Sành Hà Giang đã được xã hội thừa nhận. Đến năm 2004, nhãn hiệu “Cam Sành Hà Giang” được Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam xác lập và bảo hộ. Năm 2005, tỉnh Hà Giang đã đăng ký bảo hộ Nhãn hiệu cam Sành Hà Giang, đã xây dựng được một số mô hình nâng cao chất lượng vườn cam, đồng thời đã tổ chức quảng bá tiếp thị sản phẩm phát triển uy tín Nhãn hiệu cam Sành Hà Giang, bước đầu đã thu được kết quả, chất lượng vườn cam được nâng lên, tăng thu nhập cho hộ trồng cam. Việc đăng ký Nhãn hiệu cam Sành Hà Giang đã nâng cao được vị thế của cây cam Sành của Hà Giang, làm cho sản phẩm cam Sành Hà Giang ngày càng có uy tín cao trên thị trường, được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế biết đến. Trong những năm qua, thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Hà Giang coi nhiệm vụ phát triển diện tích cây ăn quả cam, quýt trên địa bàn tỉnh là một trong những nhiệm vụ cơ bản trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, đã tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng cam, tăng cường các biện pháp chăm sóc cây cam theo hướng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng nhiều mô hình trang trại trồng cam với quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hoá để tạo thu nhập cao cho người dân. Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay cam Sành đã đứng vững trên đất Hà Giang, trở thành cây xóa đói, giảm nghèo của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có của cam Sành Hà Giang và những nỗ lực của tỉnh, của người dân trồng cam, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ của Viện Nghiên cứu phát triển nông nghiệp, nông thôn, Dự án CDĐL cho sản phẩm cam Sành Hà Giang đã được Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học – Công nghệ cấp Giấy chứng nhận, từ đó thương hiệu cam Sành Hà Giang sẽ được củng cố và nâng cao, tạo điều kiện, động lực cho Cam sành Hà Giang tiếp tục phát triển bền vững, là loại cây trồng thực sự mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân.

An Dương


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nà Chì đổi thay từ xây dựng Nông thôn mới

BHG- Từ đầu năm đến nay, người dân xã Nà Chì (Xín Mần) đã huy động 3.484 ngày công lao động để mở đường, làm trụ sở thôn, kéo điện về bản; hiến 8.590 m2 đất, hoa màu để làm các công trình phúc lợi xã hội... Chủ trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm" đang thực sự phát huy tính tích cực trong phong trào xây dựng NTM ở nơi đây.

08/12/2016
Mèo Vạc: Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp năm 2016

BHG - Sáng 6.12, UBND huyện Mèo Vạc đã tổ chức Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp năm 2016. Tham dự Diễn đàn có Tiến sĩ Phan Thị Thùy Trâm, Chủ tịch Mạng lưới Doanh nghiệp xã hội Việt Nam; đại diện Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Venture Việt Nam; Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Bắc, Cục Đầu tư nước ngoài; Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); 

07/12/2016
Nâng cao hiệu quả phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc ở Hoàng Su Phì

BHG - Trong những năm qua, công tác phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đạt được nhiều kết quả tích cực; số gia súc bị chết đói, chết rét đã giảm rõ rệt qua từng năm. Có được kết quả đó là nhờ sự tích cực, chủ động của huyện trong triển khai đồng bộ nhiều biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân.

07/12/2016
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hà Giang quyết liệt cải cách thủ tục hành chính

BHG - Trên cơ sở nền tảng Dự án hiện đại hóa Ngân hàng và Cổ phần hóa Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); trong thời gian qua,  Chi nhánh BIDV Hà Giang tiếp tục thực hiện nghiêm túc cải cách các thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế giao dịch "một cửa" (giao dịch Teller – từ khâu bắt đầu đến khi kết thúc giao dịch) 

07/12/2016