Bắc Quang đẩy mạnh chuyển đổi diện tích đất đồi, vườn tạp sang trồng cây hàng hóa
BHG- Nhằm thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đa dạng và hàng hóa, tăng thu nhập, hiệu quả sử dụng đất trên một đơn vị diện tích; những năm qua, huyện Bắc Quang đã chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai nhiều giải pháp, vận động nhân dân chuyển đổi đất đồi, vườn tạp sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Cán bộ huyện và bà con nhân dân xã Việt Hồng thực hiện chuyển đổi đất đồi vườn tạp sang trồng cam hàng hóa. |
Hiện nay, huyện Bắc Quang có diện tích đất lâm nghiệp khoảng 70 nghìn ha. Tuy nhiên, đa số diện tích này chưa được quy hoạch để cải tạo và khai thác trồng các loại cây có thế mạnh đem lại hiệu quả kinh tế cao. Toàn huyện có khoảng 4.000 ha diện tích đất có khả năng chuyển đổi, cải tạo sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế, hiện nay đang được 3.200 hộ dân quản lý, sử dụng, chủ yếu ở các xã phía Đông sông Lô: Thượng Bình, Đức Xuân, Tân Thành... Số diện tích vườn tạp các hộ chủ yếu trồng sắn, gỗ tạp hoặc sử dụng làm các bãi chăn thả gia súc,... nên giá trị kinh tế thấp. Giá trị kinh tế của 1 ha vườn, đồi tạp mang lại trong 1 năm chỉ đạt 0,5 - 3,5 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với các loại cây trồng khác trên cùng loại đất đã được chuyển đổi sang cây trồng hàng hóa, cho thu nhập từ hàng chục cho đến vài trăm triệu mỗi năm.
Chỉ một so sánh đơn giản cũng có thể thấy giá trị kinh tế nổi bật mà việc cải tạo vườn tạp sang trồng cây hàng hóa cho một hộ sản xuất nông nghiệp, chưa kể đến nhiều giá trị có tính bền vững tiếp theo như nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng... Anh Sùng Diu Sì, dân tộc Mông, ở thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Phúc một hộ đã mạnh dạn phát triển kinh tế gia đình theo hướng trồng cây ăn quả tâm sự: “Thực hiện chủ trương, đường lối của Nhà nước, từ khi hạ sơn từ vùng cao về định cư ở xã Vĩnh Phúc, gia đình tôi đã chịu khó làm ăn, phát triển kinh tế, quyết định thực hiện chuyển đổi đất đồi tạp từ trồng sắn, đồi hoang sang đầu tư trồng các loại cây ăn quả như: Cam, quýt, nhãn. Đến nay, gia đình tôi có khoảng 10 ha cây ăn quả các loại, thu nhập tăng cao hơn so với trồng cây ngô, cây sắn và để đất thành đồi tạp như trước đây. Như vụ nhãn và cam năm vừa rồi, nhà tôi thu nhập cũng được khoảng 400 triệu đồng đấy”.
Nhằm chuyển đổi diện tích đất đồi, vườn tạp sang sản xuất hàng hóa và chuyển dịch cơ cấu cây trồng tạo sự liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân, từ tháng 3.2016, huyện Bắc Quang đã đưa Đề án trồng cây dứa vào thực hiện tại 4 xã: Quang Minh, Đồng Yên, Việt Vinh, Liên Hiệp với diện tích trên 158 ha với 327 hộ dân thực hiện. Anh Vi Hiệu Trưởng, Chủ tịch UBND xã Đồng Yên cho biết: “Trong năm 2016, xã Đồng Yên đăng ký với Công ty Đồng Giao và huyện chuyển đổi vườn tạp sang trồng dứa hàng hóa trên 40 ha với 100 hộ tham gia. Đến nay, cây dứa đang sinh trưởng phát triển tốt, hứa hẹn sẽ có mùa thu hoạch cao và tăng thu nhập cho bà con”.
Trong năm 2016, huyện sẽ chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động bà con thực hiện chuyển đổi, cải tạo trên 870 ha đất vườn, đồi tạp. Tập trung ở một số xã, như: Đồng Yên (95 ha), Quang Minh (89 ha), xã Đồng Tiến (62,5 ha), Đồng Tâm (58 ha)... Bước đầu cho thấy, đến nay đã có hàng trăm hộ dân cam kết sẽ quyết tâm cải tạo diện tích vườn, đồi tạp để trồng các loại cây như: Cam (228 ha), chè (44 ha), cỏ chăn nuôi (200 ha), dứa (150 ha) và cây trồng khác (250 ha). Theo kế hoạch đã xác định, trong những năm tiếp theo (giai đoạn 2017 - 2020), huyện Bắc Quang sẽ tiếp tục vận động bà con chuyển đổi trên 3.000 ha vườn, đồi tạp, tập trung vào trồng các cây trồng có thế mạnh của huyện như: Cam, chè...
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Bắc Quang cho biết: Thời gian tới, Phòng sẽ phối hợp với các xã, thị trấn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt việc rà soát, lập kế hoạch cụ thể gắn với triển khai các giải pháp về giống, vốn, kỹ thuật. Tập huấn và chuyển giao cho nhân dân kỹ thuật thâm canh, chăm sóc cây trồng, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho bà con nhân dân. Xây dựng các mô hình thí điểm khép kín về chuyển đổi, cải tạo diện tích đất đồi, vườn tạp sang sản xuất hàng hóa,... để việc chuyển đổi đất đồi, vườn tạp sang trồng cây hàng hóa đạt hiệu quả cao nhất...
MỸ HẰNG
Ý kiến bạn đọc